Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

05/12/2022 11:17

Theo dõi trên

Đó là một trong nhiều giải pháp mà Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông đề xuất nhằm tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

dem-hoi-1-1670213719.jpg
Đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Nam Đông chủ yếu là dân tộc Cơ Tu.

Được tái lập vào tháng 10/1990, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) là huyện miền núi nên điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đời sống tinh thần còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với các chương trình khác đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện được cải thiện đáng kể, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông thông tin, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm rõ rệt, số hộ nghèo đến cuối tháng 11/2022 còn 360 hộ, trong đó 316 hộ đồng bào DTTS (trong năm giảm 253 hộ) với 1.346 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,02%; hộ cận nghèo 230 hộ, trong đó 145 hộ đồng bào DTTS (trong năm giảm 5 hộ) với 859 khẩu, chiếm tỷ lệ 3,21%.

Trên địa bàn huyện có 7/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đồng bào DTTS; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% xã có bác sỹ, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thu nhập bình quân đầu người đạt 49,3 triệu/người/năm. Tất cả các xã định canh định cư có trường TH và THCS được đầu tư kiên cố và bán kiên cố, tỷ lệ học sinh các cấp đến trường đạt trên 98%.

Ngoài ra, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, các trục đường liên thôn đều được bê tông hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia; các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 97%; số người tham gia bảo hiểm y tế đến 31/10/2022 có 25.321 người, đạt 94% dân số (chưa tính lực lượng vũ trang: Quân đội và Công An), đạt kế hoạch đề ra.

dong-bao-co-tu-15-167-1670213766.jpg
Lễ hội "Mừng lúa mới" của người dân đồng bào Cơ Tu sinh sống trên địa bàn huyện Nam Đông.

Để đạt được những kết quả này, trong những năm qua, huyện Nam Đông đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, kết hợp với phát huy thế mạnh của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới; CTMTQG Giảm nghèo bền vững và đặc biệt là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Bà Hồ Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông cho biết, xác định công tác dân vận, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ sở nên khi bắt đầu triển khai, thực hiện CTMTQG, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông đã lồng ghép tổ chức lớp tập huấn cho 86 lượt cán bộ công tác Mặt trận trên địa bàn huyện; phối hợp với UBND huyện Nam Đông tổ chức triển khai 3 đợt với hơn 294 lượt người tham gia, thông qua các hội nghị đã triển khai, quán triệt các đề án, Nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, huyện liên quan đến thực hiện CTMTQG.

Để tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả CTMTQG trên địa bàn huyện trong thời gian tới, mới đây, tại Hội thảo "Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực Bắc miền Trung", Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông cũng đã đề xuất một số giải pháp.

Theo đó, trước hết cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân... Có như vậy mới huy động được sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyền truyền, quán triệt các nội dung của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 đến MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện, nhất là các xã định canh, định cư tạo sự đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả trong thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, chủ động đề xuất những chương trình, mục tiêu và giải pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống của các vùng dân cư trong huyện. Nhất là những xã có đông đồng bào DTTS để giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác. Phối hợp với chính quyền giải quyết những vấn đề có liên quan đến đời sống của nhân dân như: việc làm, thu nhập, nhà ở,... nhất là đối với các hộ nghèo.

ngay-hoi-mien-nui-1-1670213801.jpg
Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với các chương trình khác đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS của huyện Nam Đông được cải thiện đáng kể.

Tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng các phong trào như: "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Nông dân thi đua sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng", "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với phong trào giúp nhau lập thân, lập nghiệp", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc", "Cựu chiến binh xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng"…

Tích cực vận động nhân dân khôi phục và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở địa phương để giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Nhất là ở nông thôn, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế gia đình đã thực hiện có hiệu quả, tạo nên bước chuyển biến về chất trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đông cũng đề xuất cần tăng cường thực hiện công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vùng đồng bào DTTS, miền núi. Phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, người có uy tín tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Mọi vấn đề liên quan đến Chương trình phải được công khai, minh bạch, thống nhất từ thôn, tổ, hộ gia đình thuộc diện hưởng lợi. Điều đó sẽ thu hút sự đồng thuận từ nhân dân, huy động tối đa nguồn lực trong dân.

ngay-hoi-mien-nui-9-1-1670213840.jpg
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế).

Huyện Nam Đông có 9 xã, 1 thị trấn, gồm 60 thôn, tổ dân phố; dân số 7.104 hộ, 26.196 khẩu, trong đó DTTS 12.224 khẩu, chiếm 40,7%. Đồng bào DTTS trong huyện chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, sinh sống tập trung tại 6 xã định canh, định cư và một số ít các dân tộc khác.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 xã khu vực I, 1 xã khu vực II và 14 xã khu vực III, trong đó huyện Nam Đông có 4 xã khu vực I và 2 xã khu vực III. Điều này cho thấy Nam Đông vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.

Dù mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên lộ trình còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Nam Đông tin tưởng sẽ đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội đã đề ra.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.