Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

23/11/2016 13:37

Theo dõi trên

Trong những năm gần đây, quận Liên Chiểu quan tâm, khuyến khích các địa phương, nhân dân khôi phục, nâng cấp quy mô tổ chức và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống và các giá trị văn hóa phi vật thể khác nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.


 
Quận Liên Chiểu chú trọng phát huy những giá trị của lễ hội cầu ngư, đua thuyền và văn hóa phi vật thể khác để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Hằng năm, cứ vào mùa xuân, những ngư dân làng biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam), Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc)..., lại tổ chức chu đáo lễ hội cầu an, cầu ngư với niềm tin đức cá Ông sẽ phù hộ cho họ những chuyến biển trở về bình an với khoang thuyền nặng đầy cá tươi. Những năm qua, với sự quan tâm của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương, lễ hội cầu ngư của các làng chài ven biển thuộc quận Liên Chiểu được chắt lọc, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trên địa bàn quận. Sau những phần lễ như: lễ bến, lễ túc và lễ chánh, kết hợp cầu an và cầu ngư, phần hội diễn ra với những phần thi hấp dẫn như: đua thuyền truyền thống, kéo co, đan lưới...

Trong khi đó, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán là một nét văn hóa đặc sắc của người dân các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc nói riêng và quận Liên Chiểu nói chung, để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ. Dù làm ăn, sinh sống ở đâu, cứ đến ngày hội đua thuyền, mọi người lại quay về quê hương để tham gia đua thuyền và cổ vũ cho đội đua của khu phố.

Người dân quan niệm, đội thuyền đua nào chiến thắng sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra cả năm nên các thành viên đua thuyền luôn quyết tâm giành chiến thắng và dân làng cũng dồn lực đầu tư, ủng hộ vật chất cũng như tinh thần cho đội đua của mình... Lễ hội đua thuyền trên sông Cu Đê ngày càng được mở rộng quy mô với việc mời thêm các đội thuyền lân cận tham gia, đặc biệt là đội thuyền đua đến từ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu, trong những năm gần đây, việc tổ chức các lễ hội như: lễ cúng lăng Ông, cầu an, cầu ngư… có sự đầu tư, quy mô lớn hơn, trang trọng và thu hút nhiều người dân đến tham gia, theo dõi.

Lễ hội hoạt động thể hiện những phẩm chất cao đẹp nhất của con người nhằm tưởng nhớ về nguồn cội, hướng thiện và tạo dựng cuộc sống tốt lành, yên vui. Bên cạnh việc chắt lọc, tô đậm những tinh hoa trong phần lễ, phần hội cũng hướng về các hoạt động sinh hoạt dân gian, truyền thống, khơi gợi tình đoàn kết, thân ái, chăm lo làm ăn, nhất là việc tổ chức những trò chơi dân gian như: đập om, bịt mắt bắt dê, kéo co, ô ăn quan, nấu cơm thi…

Ngoài những lễ, hội nói trên, trong các năm qua, UBND quận Liên Chiểu khuyến khích khôi phục lễ hội truyền thống tại các đình, chùa, miếu. Từ đó, nhân dân dần phục dựng và nâng cấp quy mô các lễ hội như: lễ tế cầu an đình làng Xuân Thiều, lễ tế miếu bà Hàm Trung, lễ tế cầu an đình làng Thanh Vinh... góp phần phát huy giá trị tinh thần và văn hóa phi vật thể, đi sâu vào đời sống nhân dân trên địa bàn quận.

Đặc biệt, để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống dân gian độc đáo, riêng biệt và mang tính đặc trưng của vùng đất, con người xứ Quảng, nhóm bài chòi của quận thường xuyên phục vụ vào các dịp lễ hội, tham gia dạy hát bài chòi ở các trường học. Ở các phường như: Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh... cũng có các câu lạc bộ bài chòi và tổ chức phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội, Tết…

(Theo Báo Đà Nẵng)

Thư Đăng
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.