Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

11/07/2015 15:01

Theo dõi trên

Sự kiện Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh lần hai không chỉ ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý, bảo tồn di sản mà còn đặt ra trách nhiệm đối với việc nâng cao nhận thức cộng đồng, phát huy tốt giá trị di sản nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

 
Phong Nha - Kẻ Bàng. Nguồn: internet

Có thể nói rằng, khi di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành di sản thế giới, điều đó giống như di sản được gắn một “thương hiệu” đặc biệt, hấp dẫn. Di sản thế giới đã là tài sản chung của nhân loại, do đó nghiễm nhiên trở thành một điểm không thể không đến của các du khách ngoài nước khi tới Việt Nam. Đồng thời, khi một di sản được ghi vào Danh mục di sản thế giới cũng là nguồn động lực thôi thúc, lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy tối đa giá trị di sản Phong Nha - Kẻ Bàng?

Trên thực tế những năm qua ở nước ta, từ sau khi trở thành di sản thế giới năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế đối với công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, được triển khai lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Trong các dự án đó, phần phát huy giá trị được coi trọng không kém phần bảo tồn. Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của quy hoạch nhằm gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương; phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch - sinh thái hấp dẫn “bậc nhất” khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong mối liên kết bảo tồn với vùng sinh thái Hin Namno của Lào và quần thể sinh thái dãy Trường Sơn; Thiết lập và kiểm soát các hành lang đa dạng sinh học dọc lưu vực sông Son, sông Ranh, sông Nhật Lệ nối liền Vườn quốc gia với các vùng tự nhiên khác trong vùng miền Trung; Khám phá các giá trị thiên nhiên đặc sắc tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để nâng cao giá trị về vị thế quốc tế, nghiên cứu khoa học, gìn giữ môi trường và bảo vệ các đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người; Hình thành các trung tâm khoa học, cơ sở cứu hộ động thực vật, trung tâm truyền thông gắn với các điểm đô thị hoặc trung tâm xã, cung cấp thông tin và kinh nghiệm phục vụ bảo tồn và phát hiện các biến động về địa chất, đa dạng sinh học; Phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử trong địa bàn tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung trên tuyến du lịch quốc gia “Con đường di sản miền Trung”…
 
 
...cùng hệ thống hang động và các sông ngầm vô cùng đa dạng, phong phú
 
Đã hơn 10 năm, kể từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 1. Trong hơn 10 năm đó có nhiều đổi thay nhưng các nhà khoa học, các nhà thám hiểm đã phát hiện ra nhiều thắng cảnh đẹp hiếm có tại Phong Nha - Kẻ Bàng, bổ sung thêm những giá trị đặc sắc của di sản này. Đó là sông ngầm đẹp nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bái đá ngầm đẹp nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất…Thống kê của Sở VHTTDL Quảng Bình cho thấy, mỗi năm lượng khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng tăng thêm 24%. Nhiều tuyến du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng đã được mở ra nhằm giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp của di sản này như tuyến du lịch khám phá hang động sông Son - Động Phong Nha, Đọng Tiên Sơn trên thuyền; tuyến du lịch sinh thái từ Trung tâm du lịch Văn hoá và Sinh thái.
 
 
Trong tương lai, Phong Nha - Kẻ Bàng hứa hẹn sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước

Thời gian tới, để có thể tiếp tục phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản, tỉnh Quảng Bình cần áp dụng các hướng dẫn, quy định và ban hành cơ chế chính sách cần thiết để thu hút nguồn lực thực hiện thành công quy hoạch; Đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt và giám sát công việc đầu tư xây dựng một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao nhận thức xã hội về giá trị di sản và phát triển du lịch. Ngoài ra, phát triển du lịch di sản Phong Nha - Kẻ Bàng phải luôn giữ được sợi dây liên kết với các vùng, miền trên cả nước, cần có một cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa nhiều tỉnh, thành và tăng cường quan hệ hợp tác đại sứ quán các nước thuộc hành lang kinh tế đông tây EWEC trong chương trình “Con đường di sản thế giới”. Và một điều không kém phần quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha  - Kẻ Bàng, trong đó cần tập trung chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm trọng tâm.

Phong Nha - Kẻ Bàng là một di sản quý giá mà tạo hoá đã ban tặng cho mảnh đất Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Với cảnh quan hùng vĩ, tráng lệ, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như một bức tranh thủy mặc đầy bí ẩn, hút hồn du khách bởi giá trị mang tầm quốc tế và độc nhất vô nhị trên toàn thế giới. Có thể khẳng định rằng dù ở bất cứ phương diện nào, tiêu chí nào, từ tiêu chí địa chất, địa mạo hay hệ sinh thái và đa dạng sinh học thì Phong Nha - Kẻ Bàng đều tỏa sáng. Trong tương lai, Phong Nha - Kẻ Bàng hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo của một vùng đất thuần nông và tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.