Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai

03/01/2023 11:38

Theo dõi trên

Lào Cai là một trong những địa phương triển khai thực hiện tương đối tốt hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.

lc-min-1672716217-1672720658.jpg
Lào Cai đã quan tâm phát triển sản phẩm du lịch từ nguồn lực di sản văn hóa

Hiện nay, các nhà nghiên cứu du lịch đều chỉ ra rằng thời kì hậu Covid 19, lượng khách mặc dù bùng nổ trở lại nhưng vẫn có giới hạn nhất định và chi tiêu của khách căn cơ hơn rất nhiều. Do đó, vấn đề cấp thiết, vừa có tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài của ngành du lịch là phải xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu, được thiết kế công phu, sáng tạo trên cơ sở những di sản văn hóa địa phương mang tính biểu trưng đậm nét. Từ giữa năm 2021, tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị cho sự phục hồi của du lịch Lào Cai sau đại dịch với việc ban hành Nghị quyết số 11 của tỉnh ủy Lào Cai về xây dựng và phát triển du lịch, xác định sản phẩm du lịch văn hóa là nhóm sản phẩm chính. Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, cụ thể hóa các loại hình du lịch văn hóa của Lào Cai.  Như vậy, có thể nói, từ sớm, tỉnh Lào Cai đã quan tâm phát triển sản phẩm du lịch từ nguồn lực di sản văn hóa.

Từ năm 2001 đến nay, với việc triển khai thực hiện các Đề án chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc tỉnh Lào Cai, Lào Cai là một trong những địa phương triển khai thực hiện tương đối tốt hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Du lịch tâm linh với sản phẩm là chương trình du lịch về cội nguồn kết nối du lịch 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã trở thành thương hiệu du lịch của Lào Cai, trong thời gian gần đây, chương trình du lịch tâm linh tiếp tục được mở rộng với sự kết nối với các điểm di tích trên địa bàn khu du lịch Quốc gia Sa Pa; các lễ hội gắn với di tích đều tổ chức có những hoạt động diễn giải văn hóa và là thời điểm vàng để kích cầu du lịch; không gian văn hóa các bản làng mỗi mùa xuân hạ thu đông đều có dáng vẻ riêng thu hút du khách, Sa Pa liên tục được công nhận là tuyến đi bộ hấp dẫn….; điểm du lịch Nghĩa Đô với đặc trưng văn hóa Tày vừa mới được công nhận đã thu hút đông đảo du khách quan tâm; di sản nông nghiệp trong canh tác ruộng bậc thang đã trở thành những địa điểm hấp dẫn bậc nhất; chương trình mỗi xã một sản phẩm được xây dựng từ những tri thức văn hóa bản địa của người dân đã trở thành những sản phẩm sặc hữu của địa phương, phục vụ đông đảo khách du lịch như mận tam hoa, tương ớt mường khương, quýt Mường khương, gạo séng cù, The Mong Show  với tên gọi “Sa Pa lặng lẽ yêu” -  chương trình thực cảnh đầu tiên về người Mông ở Việt Nam, được xây dựng từ chất liệu văn hóa Mông và với sự diễn xuất của các diễn viên không chuyên là học sinh, đồng bào dân tộc Mông đen ở Sa Pa đã nhanh chóng tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, hứa hẹn là làn gió mới cho chuỗi các sản phẩm du lịch của Sa Pa.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác phát triển ấy, cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là ảnh hưởng không tích cực từ hoạt động du lịch tâm linh tại các điểm di tích; các sản phẩm du lịch chưa thực sự tạo được điểm nhấn, có tính đặc sắc. Có nơi, việc khai thác du lịch đã làm cho di sản có phần bị mai một. Đồng thời, sản phẩm du lịch về di sản chưa được định hình rõ nét, chưa thực sự hấp dẫn.

Để di sản văn hóa trở thành sức mạnh mềm cho du lịch Lào Cai thời kỳ hậu Covid 19 cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp mang tính căn cơ, song trước hết cần xác định một cách cụ thể quan điểm, cách tiếp cận và một số phương pháp hành động.

lc-1-min-1672716277-1672720707.jpg
Lào Cai là tỉnh đa dân tộc với 25 nhóm tộc người cùng sinh sống

Về quan điểm và cách tiếp cận, cần nhất quán khẳng định di sản văn hóa là nguồn lực để xây dựng sản phẩm du lịch. Theo Luật di sản văn hóa, di sản văn hóa là “tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Như vậy, bản thân di sản văn hóa đã là tài sản. Việc của các cơ quan quản lý, các nhà làm du lịch và nhân dân là sử dụng,  khai thác tài sản đó, “vốn liếng” đó để phục vụ phát triển du lịch. Di sản là chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch, là chất dẫn thu hút khách du lịch. Ngược lại, bằng du lịch và qua du lịch, di sản văn hóa được quảng bá rộng rãi, để cộng đồng được hưởng lợi từ chính giá trị di sản văn hóa của cộng đồng. Di sản mang trong mình cả một quá khứ của dân tộc, là tâm thức của cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác. Di sản là nơi để con người có sự kết nối với lịch sử, với văn hóa, với cộng đồng một cách chân xác nên bằng du lịch và thông qua du lịch, con người thêm yêu, thêm quý và khởi lên những khát vọng vể bảo vệ di sản. Như vậy, di sản văn hóa và du lịch có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ. Để tạo ra những sản phẩm du lịch di sản có chất lượng và có giá trị tăng cao, cần phải nghiên cứu, lựa chọn đầu tư, thiết kế một cách công phu, bài bản vừa nâng tầm các giá trị di sản văn hóa, lại không làm tổn hại đến các di sản văn hóa.

Về phương pháp và hành động, tỉnh Lào Cai cũng xác định du lịch Lào Cai là du lịch gắn với di sản văn hóa trên nền cảnh môi trường sinh thái mang đặc trưng miền núi,biên giới. Do đó, để khai thác các giá trị di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch cần có sự đầu tư nghiên cứu một cách bài bản và công phu. Đơn cử có thể nêu ra một vài ví dụ: Di sản ẩm thực của cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai hết sức phong phú và hấp dẫn nhưng hiện chỉ đang sử dụng phục vụ cho du lịch dưới hình thức các món ăn hay sản phẩm mua sắm. Xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn cần có diễn giải văn hóa về ẩm thực đó gắn với văn hóa tộc người, với môi trường sinh thái, kết nối với di sản nông nghiệp (tri thức địa phương trong canh tác, chăm sóc các loại cây trồng vật nuôi), kết nối với hoạt động chế biến nông sản (nghề thủ công,…), gắn kết với các nghi thức nông nghiệp (xuống đồng, lúa mới,…); xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh không chỉ dừng ở việc đưa khách đến chiêm bái các di tích hay tham dự các lễ hội mà cần phải tổ chức các hoạt động diễn giải văn hóa (nhà trưng bày về di tích, diễn giải văn hóa tại di tích, thuyết minh về di tích….),…; xây dựng sản phẩm du lịch sức khỏe từ cây lá thuốc của người Dao không chỉ là việc đưa khách đến tắm lá thuốc, ngâm chân hay cung cấp các chế phẩm được chiết xuất từ cây lá thuốc mà cần gắn kết với việc diễn giải tri thức dân gian về cây thuốc của người Dao, việc bảo tồn sinh thái gắn với khai thác phát triển cây lá thuốc; xây dựng sản phẩm du lịch đua ngựa không chỉ dừng lại ở công tác tổ chức đua ngựa, quảng bá và bán vé cho du khách xem mà cần tạo ra một không gian văn hóa về ngựa của người Mông; xây dựng các “mini show” phục vụ du khách từ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc,…. Có thể nói nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chính là điểm cốt lõi để tạo nên sức sống bền vững cho du lịch của địa phương.

Với 25 nhóm tộc người cùng sinh sống. Lào Cai có nguồn lực di sản văn hóa hết sức đa dạng và phong phú. Song cần phát huy nguồn lực ấy một cách hiệu quả và linh hoạt với góc nhìn đa dạng trên nhiều chiều kích để việc xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời từ du lịch, di sản văn hóa được tỏa sáng hơn, tích lũy thêm các giá trị mới để tạo nên độ dày của các tầng, các “lớp” di sản, tạo nên sức sống của di sản theo thời gian.

Lan Phương
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.