Hiện vật khảo cổ phát hiện tại thôn Đắk Sơn, niên đại 3500-3000 năm cách ngày nay
Khảo sát tổng quan nơi phát hiện đàn đá, cạnh lề đường, đoàn khảo sát phát hiện 2 mảnh vòng đã được mài nhẵn và cả hai cũng có thể là đồ trang sức của người tiền sử lúc bấy giờ. Tại khu vực suối 3, đoàn khảo sát đã phát hiện công cụ lao động mài toàn thân, hình thang (cũng có thể là bôn vì được mài vát một bên) và 1 rìu đã mất đốc, lưỡi. Đây là công cụ lao động thời kỳ đồ đá của cư dân nông nghiệp cổ đại trên đất Đắk Nông, mà ở Tây Nguyên nhiều tỉnh thành đã được tìm thấy.
Khảo sát rộng thêm khu vực lân cận phát hiện 16 mảnh gốm, gồm thân và miệng từ đồ gốm gia dụng của cư dân cổ đại. Các mảnh gốm hơi mỏng, bở, đã bị bào mòn bề mặt và lộ xương gốm màu nâu đen. Ngoài ra, đoàn cũng phát hiện thêm 2 bàn mài và 3 thổ hoàng (đặc trưng địa chất nơi phân bố di chỉ khảo cổ học).
PGS. TS Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học xã hội Nam bộ nhận định: Các hiện vật được thu thập trong đợt khảo sát này đều là những công cụ lao động và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp thời tiền sử; có độ tuổi tương ứng với độ tuổi của đàn đá Đắk Sơn (nằm trong khoảng thời gian 3500 – 3000 năm cách ngày nay). Với số di vật nói trên khẳng định thêm về di chỉ cư trú của người cổ, nơi đàn đá Đắk Sơn hình thành và tồn tại.
Hiện số di vật nói trên đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa, nhằm góp phần làm sáng tỏ diện mạo nền văn hóa thời tiền sử; bổ sung cứ liệu khoa học để phát huy giá trị cùng với sưu tập đàn đá Đắk Sơn.
(Theo Đắk Nông Online)