Phát hiện công cụ đá thời kỳ tiền sử ở Bù Đăng

30/05/2017 09:01

Theo dõi trên

Từ thông tin một người dân cung cấp về việc gia đình ông Lê Minh Khai ở ấp 8, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) phát hiện các công cụ đá, ngày 14-5, Bảo tàng tỉnh đã tới gặp ông Khai. Ông Khai cho biết, trong quá trình đào đất trong vườn để đổ nền làm nhà thì phát hiện 3 đồ vật bằng đá nhưng không biết đó là vật gì, chỉ nghĩ là búa trời đánh nên cất giữ.

Khi tận mắt chứng kiến, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là 3 công cụ đá khá đẹp, được chế tác với nét mài rất sắc sảo. Mỗi công cụ có hình dáng lớn nhỏ, độ dài khác nhau. Công cụ thứ nhất bằng đá dài 22,5cm, dày 2,3cm, độ dài lưỡi 8cm, chuôi cán dài 4,2cm; công cụ thứ 2 dài 19cm, dày 2,1cm, độ dài lưỡi 6,5cm, chuôi cán dài 2,1cm; công cụ thứ 3 dài 21,8cm, dày 1,8cm, độ dài lưỡi 5cm, chuôi cán dài 4,2cm. Tất cả công cụ một mặt có thân thẳng đứng và một mặt có thân được vát xéo từ nửa thân đến phần lưỡi. Sau khi xem xét kỹ, qua so sánh với công cụ đá đã được phát hiện trên các di chỉ khảo cổ ở Bình Phước và đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh, bước đầu xác định đây là cuốc đá thời kỳ tiền sử thuộc thời kỳ đá mới.



3 công cụ đá mới được phát hiện tại xã Nghĩa Trung

Ngày 17-5, PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ trong chuyến công tác tại Bảo tàng tỉnh khi xem các công cụ này khẳng định đây là cuốc đá thời tiền sử. PGS.TS Bùi Chí Hoàng cũng cho biết thêm, các công cụ này không có dấu vết sử dụng, cho thấy đây là loại công cụ dùng để thờ cúng. Hiện vật này trước đây đã được phát hiện nhiều ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông nhưng ở Bình Phước thì đây là lần đầu tiên.

Địa điểm phát hiện các công cụ này là trong vườn nhà ông Lê Minh Khai, nơi có các bưng sâu, có con suối chia làm 2 nhánh chảy về Suối Đá. Ông Khai cho biết, ông phát hiện các công cụ này khi dùng xe cuốc múc đất để đổ nền nhà, độ sâu phát hiện khoảng 1m, tất cả đều nằm cùng một vị trí.

Các công cụ này có giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến địa phương, cần thiết cho hoạt động nghiên cứu. Bảo tàng tỉnh đã trao đổi với ông Khai về các vấn đề liên quan đến công cụ đá này và quy định của Nhà nước về quyền lợi, nghĩa vụ của công dân khi phát hiện di vật khảo cổ (cả dưới nước và trong lòng đất). Bảo tàng cũng đã đề nghị ông Khai hiến tặng các công cụ đá để đưa về bảo quản và phát huy giá trị, ông Khai đã đồng ý.

Việc phát hiện các công cụ đá có dạng đặc biệt này (công cụ có khắc vạch trên thân và dùng để thờ cúng) có nhiều ý nghĩa, làm phong phú bộ sưu tập hiện vật khảo cổ thời tiền sử ở Bình Phước.


Phạm Hữu Hiến

Nguồn: Báo Bình Phước
Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện công cụ đá thời kỳ tiền sử ở Bù Đăng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.