
Ông Vi Thanh Tuấn ở xóm Kèo lực 2, xã Phà Đánh là một trong những chủ nhân hiếm hoi ở miền Tây Nghệ An còn giữ được bộ sách cổ viết trên lá cây độc đáo. Ông Tuấn cho biết bộ sách này ông được cha mình truyền lại.

Từ nhỏ, ông được nghe kể có một thời gian cha mình vào làm việc cho một ngôi chùa ở Kỳ Sơn và được nhà chùa tặng lại cho bộ sách này. Tuy không biết rõ nội dung nhưng một số hình vẽ trong sách trình bày quá trình lớn lên của cây lúa, hay có hình cho biết nếu xăm lên người hình vẽ như vậy thì sẽ được trẻ con yêu quý mình… Ông Vi Thanh Tuấn cho rằng chữ viết trên các cuốn sách ông đang giữ là bằng tiếng Thái cổ.

Không biết bộ sách lá này có từ bao giờ, xuất xứ từ đâu, nhưng những dòng chữ cổ viết trên các mảnh lá rừng vẫn còn đậm màu và rõ nét. Bộ sách gồm 5 cuốn, trong đó có một cuốn chưa viết, còn lại mỗi cuốn đều chứa đựng những nội dung khác nhau. Những cuốn sách được viết trên lá cây, có kích thước bằng nhau dài khoảng chừng 25 cm, rộng 5cm được neo buộc với nhau bằng dây giống như dây gai đã được bện xoắn.
Bộ sách của ông Lầu Sông Dờ, bản Sa Lầy, Mường Lống.

Ông Tuấn cho hay, đến nay các thành viên trong gia đình ông và mọi người trong bản đều không biết nội dung cuốn sách viết gì. Ngoài chữ viết, một số cuốn sách của ông Tuấn còn kèm thêm nhiều hình vẽ khác nhau khiến người xem rất tò mò.
Còn theo ông Sầm Văn Bình - bản Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp, một chuyên gia văn hóa dân tộc Thái thì chữ viết trên các cuốn sách này là chữ của người Lào cổ. Hiện các cuốn sách này được xem là báu vật, không chỉ bởi nó quý giá về tuổi đời mà còn ở sự kỳ công để tạo nên chúng và đặc biệt là nội dung ẩn chứa bên trong.

Để viết được những cuốn sách như thế này, người viết phải có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực và phải mất hàng năm trời mới viết xong một cuốn sách. Công đoạn chuẩn bị cũng hết sức công phu bởi loại lá để viết sách phải được buộc ủ cả năm trời mới đem sấy khô và viết được chữ lên đó. Mực để viết lên lá là loại mực tàu trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối để chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm không phai mờ.
sách


(Theo Báo Nghệ An)