Phạm Việt Long: Trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ

25/07/2018 14:26

Theo dõi trên

Phạm Việt Long là một trong những gương mặt nhà văn, nhà báo tiêu biểu trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông được độc giả yêu mến qua các tác phẩm: B trọc, Giã từ (tiểu thuyết ); Âm bản, Ngờ vực (truyện ngắn), Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 (ký sự); Hát mãi Trường Sa ơi (nghiên cứu về âm nhạc)...



Nhà văn Phạm Việt Long phát biểu giao lưu với bạn đọc - Ảnh: Tiến Dũng

Năm 2016, ông ra mắt tập truyện thiếu nhi “Bi Bi và Mặt Đen” trong sự ngỡ ngàng của nhiều người thân, bạn bè và bạn đọc. Không ai có thể ngờ rằng, một nhà văn ngoài 70 tuổi lại có thể viết truyện cho thiếu nhi bằng giọng văn trong trẻo, dễ thương, nhí nhảnh và thấu hiểu tâm lý trẻ con đến thế.

Tập truyện chia làm 5 cuốn: Bỏ Bỉm, Mặt đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích, tổng cộng dày hơn 1.000 trang, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia trao giải C sách hay giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất. Trong đó, Bỏ Bỉm là cuốn phù hợp với trẻ từ 3-5 tuổi nhất.
 
Ngay từ những truyện đầu tiên, bạn đọc sẽ cảm thấy vô cùng thích thú bởi giọng văn dí dỏm, hài hước, đáng yêu vô cùng của nhà văn. Ẩn sau mỗi câu chuyện là bài học nho nhỏ thú vị và hiệu quả dành cho các bé. Đó là những bài học về tính gọn gàng, ngăn nắp, tính tự giác, lòng biết ơn.... Tuy nhiên, tất cả những bài học, những câu chuyện ấy được viết ra bởi một tấm lòng bao dung, thấu hiểu và yêu thương con trẻ tha thiết. Qua đó, các bậc phụ huynh cũng sẽ được tự nhìn nhận lại chính cách dạy dỗ con mình để điều chỉnh cho phù hợp.
 
Bỏ bỉm gồm 49 câu chuyện ngắn tương đương với mỗi truyện là một bài học nhỏ nhưng vô cùng hữu ích dành cho các ông bố bà mẹ khi dạy con. Mở đầu cuốn sách là chuyện “Cái bỉm”, bằng giọng văn kể chuyện dí dỏm, hài hước, nhà văn đã kể cho các bé nghe câu chuyện về xuất sứ của chiếc bỉm mà các bé thường mặc hiện nay. Nhưng qua đó, ông lại cho chúng ta thấy tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ dành cho con mình lớn lao như thế nào. Tình yêu ấy to lớn đến mức người mẹ đồng ý bán mái tóc đẹp tuyệt vời của mình để đổi lấy chiếc bỉm cho con, để con không bị lạnh mỗi khi tè dầm nữa. Truyện dạy trẻ phải biết yêu thương mẹ của mình hơn vì mẹ đã hy sinh cho bé rất nhiều.
 
Là trẻ con, hầu như bé nào cũng đạp tung chăn dù đêm trời rất lạnh, các mẹ đều phải trở dậy vài lần đắp lại chăn cho bé. Để bé không đạp chăn nữa, ông Ngoại Việt Long đã kể cho cháu gái Bi Bi của mình nghe câu chuyện về “chị chăn”. Cuộc nói chuyện của “chị chăn” và bé Bi Bi sẽ giúp các bé nhà bạn hiểu được tình yêu thương ấm áp của bao nhiêu người bỏ cả vào trong chiếc chăn để bé biết quý trọng, nâng niu chăn hơn và muốn đắp chăn thay vì đạp nó xuống đất.
 
Không chỉ hóa thân vào chiếc chăn vô tri, nhà văn còn nhân hóa những chiếc bút màu, những đồ dùng, đồ chơi của Bi Bi để kể cho bé hiểu cảm giác của chúng khi bị bé “bỏ rơi”, vứt lung tung và kết quả nếu bé cứ vứt bừa bãi như vậy sẽ như thế nào. Những bài học về tính gọn gàng, ngăn nắp này, bố mẹ có thể đọc cho bé nghe truyện “Bút màu chạy trốn”, “Bi Bi và đôi tất”, “Cái tăm chạy trốn”, “Sóc con lạc mẹ”...
 
Trong cuộc sống hiện đại, điện thoại, máy tính, ti vi là những vật dụng gắn liền với con người và công việc của người lớn. Tuy nhiên, để trẻ không quấy rối mình hoặc để trẻ ăn cơm, bố mẹ phải chiều con bằng cách đưa điện thoại cho bé chơi hoặc xem hoạt hình trên máy tính, ti vi. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách cũng như sức khỏe của trẻ. Ngày nay, có rất nhiều bé nghiện chơi điện thoại, xem ti vi. Chính vì vậy, bố mẹ hãy đọc cho bé nghe truyện “Máy móc phản ứng” trong cuốn “Bỏ bỉm”, may mắn bé sẽ từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng những thiết bị đó hơn.
 
Còn một vấn đề nữa mà các mẹ nuôi con nhỏ hay gặp phải là bé lười đánh răng hoặc lười ăn cơm, sợ uống thuốc... Hãy kể cho bé nghe câu chuyện về những con sâu răng trong “Bắt sâu răng”, về việc ăn uống trong “Cơm cũng tiếp sức”, “Bi Bi lười ăn”, hay tác dụng của thuốc trong “Bi Bi bị nhiệt miệng”. Nghệ thuật nhân hóa cũng lối kể chuyện hài hước, vui tươi, đánh trúng tâm lý trẻ con trong những câu chuyện này sẽ giúp bố mẹ rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé.
 
Trẻ con đôi khi rất mải chơi, mải xem ti vi, không ăn ngủ đúng giờ dẫn tới rối loạn tiêu hóa, phát triển không tốt về chiều cao, trí nhớ. Nếu con bạn gặp phải trường hợp như vậy, bạn sẽ nói như thế nào để con hiểu và sinh hoạt theo giờ giấc một cách khoa học hơn? Còn với nhà văn Phạm Việt Long cũng là người ông trong truyện, ông đã nói với Bi Bi khái niệm “Đồng hồ sinh học- giấc ngủ” và “Đồng hồ sinh học - bữa ăn” cũng như giải thích cho bé để bé tự sửa “đồng hồ” dưới sự trợ giúp của ông. Đó là một điều tuyệt vời để giúp trẻ em có thể ăn ngủ một cách khoa học hơn.
 
Bé tè dầm cũng là một trong những vấn đề nan giải khiến các mẹ không đêm nào ngủ yên. Vậy thì hãy thử đọc cho bé nghe truyện “Bi Bi bỏ bỉm” để xem bé có tiếp thu được những điều rất hay từ đây không nhé.
 
Với những bé sắp sửa tạm biệt trường mầm non đề vào lớp 1, phải học chữ, học số và đôi khi bố mẹ còn muốn cho bé học vẽ, học nhạc nữa, bé sẽ có rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, tâm lý của bé lúc này không vững vàng, rụt rè, nhút nhát, cần nhiều lời động viên và chỉ bảo tận tình, kiên trì. Chính vì vậy, bố mẹ nên đọc cho bé nghe một số truyện như “Bi Bi học chữ”, “Bi Bi học nhạc” để giúp bé tự tin hơn. Qua đó, phụ huynh cũng sẽ hiểu tâm lý của trẻ con hơn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
 
 
“Bi Bi lớn rồi” là truyện cuối cùng trong cuốn sách, cũng là câu chuyện hết sức lý thú và có ích cho các bé. Giúp các bé ý thức tự làm mọi việc mà không cần nhờ sự giúp đỡ của người lớn. Nếu bé nhà bạn luôn ỷ lại, nhờ bố mẹ đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, gấp chăn màn, cho ăn, cho đi học thì sau khi đọc xong truyện này, cộng thêm vài lời khích lệ của bố mẹ, chắc chắn bé sẽ có những thay đổi tích cực.
 
Ngoài ra, trong cuốn sách còn có rất nhiều câu chuyện dạy trẻ phải gọn gàng, sạch sẽ, không nên nói dối, nên nghe lời người lớn...với cách triển khai vấn đề rất hay và phù hợp với tâm lý trẻ em. Các phụ huynh và các em nhỏ hãy cùng khám phá nhé.
 
Xưa các cụ thường có câu “Thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên, cách giáo dục này dường như không còn phù hợp với cách dạy con thời nay nữa. Uốn cây từ thuở còn non, nhưng không phải cứ dùng roi vọt là có thể “uốn”, “nắn” được mà đôi khi, chính những lời tâm sự, những câu chuyện về tấm gương của một nhân vật nào đó trong truyện lại có tác dụng không ngờ tới tâm hồn non nớt của các bé. Với tôi, tôi đã dạy con mình bằng cách đọc những câu chuyện trong cuốn “Bỏ bỉm” của nhà văn Phạm Việt Long. Và bé đã có những thay đổi tích cực, biết quan tâm tới mẹ khi mẹ mệt, biết làm việc nhà giúp mẹ, biết thương bố đi làm vất vả nên thường hỏi “bố đi làm có mệt không, con lấy nước cho bố uống nhé”, không nói dối, không vứt đồ lung tung, biết cất dọn đồ chơi khi chơi xong, không đạp chăn khi trời rét, tự quàng khăn vào cổ khi trời lạnh, ăn ngủ đúng giờ, bỏ tật đái dầm và một số điều khác nữa.
 
Tôi tin rằng, khi đọc tập truyện này, các bậc phụ huynh không chỉ giúp con rèn luyện được những phẩm chất tốt, sống có kỉ luật, trách nhiệm, biết yêu thương bố mẹ, ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn hơn mà còn giúp các bé bồi bổ thêm vốn từ ngữ phong phú của tiếng Việt để sau này các em viết văn hay hơn, nói chuyện hài hước, lưu loát, trôi chảy hơn. Đặc biệt, thái độ và cách mà ông Ngoại đối với cháu gái Bi Bi bé nhỏ còn dạy cho tôi một bài học lớn về cách để làm mẹ. Không nên dạy con bằng roi vọt, hãy dạy con bằng tình yêu thương, sự kiên trì, lòng bao dung, sự mẫu mực và sự nghiêm nghị khi cần.
 
Có thể nói, “Bỏ bỉm” là một cuốn truyện thiếu nhi thú vị, mang tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc nhưng dễ tiếp thu nhất dành cho các bé từ 3-5 tuổi mà tôi từng được đọc. Cảm ơn nhà văn Phạm Việt Long và trên hết là cảm ơn tình yêu lớn lao của một người ông dành cho cháu của mình. Nhờ vậy mà tôi mới có cơ hội cầm trên tay cuốn sách quý giá như thế này.
 
Thu Trang

Bạn đang đọc bài viết "Phạm Việt Long: Trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.