Ông lão chơi đàn bằng tay giả và niềm đam mê đờn ca tài tử

02/02/2017 09:19

Theo dõi trên

Bị mất một cánh tay vì bom đạn chiến tranh, nhưng người đàn ông này vẫn có niềm đam mê được chơi đàn, ông đã chơi đàn guitar phím lõm bằng 1 tay nhiều năm trời, mở một quán đờn ca tài tử giữa đất Nam Trung Bộ.

Âm nhạc từ tiếng đàn, lời ca do ông biểu diễn là lý do nhiều người đến tìm ông để “tầm sư học đạo”. Ông đã sống gần hết đời người với cánh tay phải bị phá hủy 1 phần bên chiếc đàn sến, ghitar... Sau khi nghệ thuật đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông sống thêm phần hào hứng với loại hình nghệ thuật này. Tuổi cao, sức yếu, niềm đam mê tiếng đờn vẫn không dứt, hơn 40 năm chơi đàn chỉ với 1 bàn tay, ông thực sự trở thành huyền thoại khu vực tháp bà Ponagar của thành phố biển này.
 


Người nghệ sĩ và ngón đàn ghitar sở trường

Âm nhạc là bạn đồng hành đầy sức mạnh

Cơn mưa vừa ngớt, tôi vội vã lên đường theo lời người bạn mời nhậu. Nhanh chóng tấp xe vào quán nhậu đờn ca tài tử tại tổ dân phố Tháp Bà – Vĩnh Phước – Nha Trang. Đang lai rai dĩa cá khô giá rẻ chỉ khoảng 15 ngàn đồng, chợt nghe tiếng đàn ca tài tử vang lên réo rắt gần gũi. Quay lại mới thấy, người đàn ông đang chơi đàn đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngón đàn thì “ngọt” khó ai bì kịp. Hỏi ra mới biết người đàn ông này đã mất đi bàn tay phải trong chiến trận trước năm 1975. Nhưng ông vẫn chơi đàn với nghệ thuật và lòng bao dung đi trọn kiếp người qua bao sóng gió, bao đổi thay của cuộc đời. Trong cơn mưa đầu mùa, tiếng đờn nghiêng ngả chiều tà, số phận con người xuôi theo dòng chảy thời gian, sông Cái vẫn lặng lẽ và ồn ã như thế qua nhiều năm, kiếp người mà ông Sáu đang theo đuổi dường như cũng vậy: Lặng lẽ và đầy sức sống. Cù lao xóm Bóng sống trong tiếng đàn của ông đã lâu lắm rồi, người trẻ không rõ khi nào. Khu phố nhỏ tuy không giàu có nhưng tiếng cười luôn vang lên rộn rã, vui là thế nhưng vẫn thấp thoáng nỗi buồn về cánh tay bị hủy hoại. Người trong vùng biết được hoàn cảnh của ông: “Ông ấy mất cánh tay này vì chiến tranh, nỗi đau còn mãi. Giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay. Tôi thấy ông ấy thế vẫn đỡ hơn nhiều người?”. Không nói được nhiều vì lý do sức khỏe, ông thể hiện bằng tiếng đàn.

Từ nhỏ, gia cảnh nghèo khổ, cuộc đời lại sớm lấy đi của ông một cánh tay phải. Số phận không phải với ai cũng công bằng, ông hiểu rõ điều đó, luôn cố sống với những gì mình tìm được. Bao tháng ngày mưu sinh, ông vẫn luôn tìm đến âm nhạc để giải sầu. Nghe thử đoạn đờn của ông mới thấy hết nỗi lòng và tâm sự của người đàn ông nặng gánh cuộc đời. “Tôi đã từng rất đau đớn vì hỏng mất 1 cánh tay. Tôi đã khổ luyện mất 1 năm để khôi phục lại khả năng đánh đàn của mình nhưng không thể bằng được ngày xưa. Tôi đã từng học nghệ thuật ở rất nhiều nơi trong thời gian dài”, ông Sáu tâm sự. Sau năm 1975, ông trở lại với cuộc sống thanh bình, kiếm sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn bằng nghề câu. Tuổi đã già ông lui về nghỉ ngơi hoàn toàn, phố phường đã thay đổi hoàn toàn so với trước, nhà ông vốn ở xóm Cồn sau đó mới chuyển về vị trí hiện nay. Ông vốn là con út trong gia đình có 7 anh chị em, mẹ mất sớm khi mới 1 tuổi. Năm 17 tuổi, cha ông cũng qua đời. Gia cảnh không yên bình có lẽ là phần nào lý do ông tìm đến với tiếng đờn. Ông dành nhiều thời gian cho những bài đờn, lời ca. Nghệ sĩ Minh Quang tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng để có thêm môi trường sinh hoạt, học hỏi thêm. Tinh thần tự học, tự rèn luyện giúp ông Sáu tiếp cận nhanh hơn với hàng loạt bài khó: Nam ai, phượng hoàng, ngựa ô... Ông tâm sự: “Nghề gì cũng cần có đam mê, tôi đam mê đờn ca tài tử nên dốc lòng theo đuổi hơn 40 năm qua. Tôi dạy học nhiều lúc không lấy tiền của những người nghèo!”. Theo lời nhiều người biết về ông thì ông là một con người luôn có tinh thần cởi mở, lòng chân thành. Chính điều đó đã khiến lớp học đờn ca tài tử tại nhà thêm phần đông đảo hơn. Cũng bởi âm nhạc, ông đã xua đi chút nỗi niềm thân phận, vui sống trong xã hội luôn đổi thay. Ông dù bệnh nặng nhưng vẫn luôn cười, luôn niềm nở tiếp bất kì vị khách nào, nghị lực sống khiến ông hơn người cùng gia đình đông con cháu, hạnh phúc dài lâu. Vậy thôi, nhưng không dễ gì.

Dù đã rất mệt mỏi với cuộc mưu sinh đầy khốn khó giữa đời người này, nhưng tôi vẫn thấy nét mặt ông ngời lên niềm tin vào cuộc sống, sống đến cùng cho 1 cuộc đời đáng sống, ông là vậy và vẫn luôn như vậy. Căn nhà mới xây to cao hơn, tiện nghi hơn căn nhà nhỏ cũ kĩ ngày trước. Nhiều người nghĩ đến sự đổi thay. Quả thực sự đổi thay đã đến, nhưng tiếng đờn và những học trò của ông vẫn luôn như vậy, luôn sống và cháy hết mình vì âm nhạc. “Tôi đã không còn dạy học trò được như xưa, tôi mệt mỏi lắm, sức khỏe đã không còn như trước nữa, nhưng tôi vẫn ôm đàn, vẫn hát và vẫn sống với những gì mình đã chọn!”, ông Sáu tâm sự. Trong nhà, có sân khấu nhỏ dành riêng cho hoạt động đờn ca tài tử vào tối thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Mệt mỏi, thở khò khè, nhưng ông vẫn tìm đến với âm nhạc. Chẳng vì thế, có câu danh ngôn từng thừa nhận rằng: “Âm nhạc khiến tinh thần con người bộc phát ra những đốm lửa”. Với ông Sáu đó là đốm lửa của lòng đam mê âm nhạc, khao khát sống tốt nhất. 
 


Ông sống với âm nhạc với đam mê cháy bỏng



Nhà ông là địa chỉ tìm tới của nhiều người yêu thích đờn ca tài tử

Tựa cuộc đời vào tiếng đàn

Cuộc sống không khoan nhượng với bất kì ai là kẻ đầu hàng, hiểu rõ điều đó, ông Sáu chưa từng đầu hàng số phận. Nhiều người khuyết tật trong vùng đều biết đến người nghệ sĩ với tên nghề Minh Quang. Chuyện đánh đàn khi đã mất bàn tay phải, khiến ông làm nên cuộc đời khác hoàn toàn so với bao số phận khác. Dù nghiệt ngã, buồn bã nhưng ông vẫn giải được nỗi sầu với tiếng đàn. Nhiều học trò tìm đến cũng với mong muốn với đi nỗi sầu trong cuộc sống. Họ đã tìm được, cũng như thầy mình, nhiều người trong số họ sống với niềm đam mê ấy. Số lượng học trò nhiều không nhớ nổi, chỉ biết rằng, dù đi xa vạn dặm, những người học vẫn nhớ bài học cũ của thầy. Mấy chục năm qua, số phận đặc biệt của ông lão chơi đàn một tay bên Tháp bà Ponagar vẫn như xưa, mái tóc bạc nhiều như cuộc đời bao sóng gió. Ông đã yếu đi nhiều, thân hình gầy gộc làm nhiều người không khỏi cảm thương. Quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” của đời người cứ cuốn lấy con người như vòng kim cô luôn được niệm chú, không thể tháo rời bởi bàn tay của ai khác trừ số phận của chính họ. Với ông Sáu chiếc vòng kim cô ấy được tháo bằng âm nhạc. Âm nhạc không phân biệt tuổi tác, người bệnh vẫn hát được, trẻ con vẫn đánh đàn và lớn lên thành nghệ sĩ. Ông Sáu, nhờ có âm nhạc đã kết giao với rất nhiều bạn bè, nhạc sĩ, đi nhiều nơi giao lưu đờn ca tài tử. Với ông đờn ca tài tử là người bạn đồng hành trong đời, giúp ông có thêm sức mạnh áp đảo mọi khó khăn trong cuộc sống.

Mới đây ông tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử Nha Trang để góp thêm sắc màu cho cuộc sống, sống cùng thế giới đờn ca phố biển. “Tôi mới tham gia câu lạc bộ, ai mời thì chơi, chơi cho có không khí cũng vì đam mê. Mình tập dợt cho các cháu có thêm kinh nghiệm, cho có người tiếp nối thôi!”, ông Sáu bộc bạch. Với ông, môn nghệ thuật này từ lâu đã trở thành phần quan trọng trong đời.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến những năm 1990, ông không phải người duy nhất trông thấy sự đổi thay thời cuộc, nhưng ông là số phận có phần đặc biệt hơn bao người. Quán nhỏ trước nhà, buổi sáng bán café, buổi chiều bán đồ nhậu, quán nhỏ giá bình dân thu hút khá đông thực khách. Tiếng đờn của ông là hương vị không thể thiếu trong quán và khu phố nhỏ. Chuyện ông theo đoàn hát vào Nam học nghề, việc đi lính rồi bị trúng bom hỏng cánh tay cả khu phố ai cũng biết cả rồi, nên không người nào nhắc đến nữa. Thấy ông đã yếu nhiều hơn so với trước, không muốn phiền ông nghỉ ngơi, tôi vội vã từ biệt. Ông không nói gì nhiều, chỉ bảo sau này: Nghề đàn trong gia đình đã có những người con của ông kế thừa, cũng có nhiều học trò ngoài xã hội. Đờn ca tài tử trở thành môn nghệ thuật gia đình ông truyền từ đời này sang đời khác. 


Trong căn nhà mới khang trang, ông có thể nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu đông đúc. Người già thường không mong muốn nhiều, như ông đã nói: “Tôi chỉ muốn truyền đờn ca lại cho sau này nối tiếp!”. Dẫu bệnh già đau yếu, tiếng đàn của ông vẫn đều đặn vang lên trong ngõ phố Tháp Bà. Khi có người hỏi đường đến nhà ông, người trong khu phố nhiệt tình sẽ dẫn đến tận nơi. Cùng việc sống và lao động gần hết đời người, ông cũng trở thành tay đờn có tiếng, thầy người truyền đạt cho đời sau. 
 
Diên Khánh

Bạn đang đọc bài viết "Ông lão chơi đàn bằng tay giả và niềm đam mê đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.