Trên đỉnh Thần Đinh vẫn còn dấu tích đậm nét của nền móng gạch đá cũ nát bên cạnh ngôi miếu cổ còn vẹn nguyên. Đó là dấu vết của một ngôi chùa cổ tồn tại trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Theo sử sách, ngôi chùa này ít nhất có 3 tên gọi khác nhau: Thần Đinh tự, Kim Phong cổ tự và chùa Non. Xung quanh những danh xưng ấy là những căn giải lý thú liên quan đến địa danh đẹp như tranh họa đồ này. Thần Đinh tự là chùa Thần Đinh, người xưa dùng tên núi đặt tên cho chùa, căn cứ của tên gọi này là chuông chùa được đúc năm Thành Thái thứ 9 (1897) với 4 đại tự chữ Hán “Thần Đinh tự chung”. Thêm nữa, sư Trần Văn Duyệt, trụ trì chùa Thần Đinh từ năm 1914 đến năm 1940, trong tờ sớ viết năm 1925 xin cho con trai được thừa tự phụng thờ Phật tổ tại ngôi chùa núi này vẫn lấy tên Thần Đinh.
Phong cảnh quanh núi Thần Đinh. Ảnh: doanhnhansaigon.vn
Cái tên Kim Phong cổ tự và chùa Non là 2 tên gọi thân thương mà dân gian đặt cho ngôi chùa. Kim Phong cổ tự nghĩa là chùa cổ Kim Phong, Kim Phong phiên âm chữ Hán có nghĩa là đỉnh núi vàng, gộp chữ đầy đủ thành ngôi chùa cổ trên đỉnh núi vàng. Còn chùa Non là cách gọi theo lẽ giản đơn, chùa tọa lạc trên ngọn núi cao sừng sững nên gọi là Chùa Non. Hơn nữa, ở Quảng Bình thời điểm đó, chùa Non là ngôi chùa duy nhất tọa lạc trên đỉnh núi cao vời vợi như Thần Đinh, quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trời tạo nên vẻ thần thiêng độc đáo có một không hai.
Về chuông chùa “Thần Đinh tự chung” có giai thoại lý thú trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền, rằng có pháp sư ở chùa Thần Đinh trước lúc viên tịch đã tự cắt đốt trên cùng ngón tay út của mình khắc chữ “Đinh” lên đó rồi truyền sư đồ đặt vào trong một lư hương bằng đồng. Phần còn lại của ngón tay, pháp sư khắc chữ “Đinh” vào rồi bảo đệ tử tạc dạ câu thơ sau: “Tiền kiếp tử Thần Đinh/Hậu kiếp sinh Càn Long Vương” (Kiếp trước chết ở chùa Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long). Khi vua Càn Long lên ngôi, đốt ngón tay út của ông bị cụt và thật lạ kỳ, đốt ngón tay của vị pháp sư bị lìa để trong lư trầm vẫn không bị hư hại. Từ đó dân gian mới lưu truyền cụm từ:
“Thần Đinh tự chung/Càn Long phụng cúng”, tức là chính vua Càn Long đã sai quân đúc một cái chuông đồng để chuyển cho chùa núi Thần Đinh. Quả chuông đến cửa biển Nhật Lệ gặp sóng to gió lớn nên cả thuyền và chuông bị chìm, sau đó được các ngư dân vớt lên và trao lại cho trụ trì chùa Thần Đinh. Tuy nhiên, thực tế khác xa với giai thoại, ngay cả sự kiện vớt được chuông cổ ở cửa biển Nhật Lệ dẫu được các văn bia và sách “Đại Nam nhất thống chí” chép lại nhưng tuyệt nhiên “không có chữ nghĩa gì cả” (tức là chữ “Càn Long phụng cúng”).
Đỉnh Thần Đinh còn đẹp ngỡ ngàng bởi các hang động nhỏ nằm ngay trên đường xuống giếng Tiên quanh co kỳ thú. Đó là động Chuông, động Trống với lối cửa vào có các tảng đá to kết chồng lên nhau được rêu xanh phủ kín. Từ miệng hang, nếu ai cố ý hét to lên hay có cơn gió mạnh thổi vào liền có tiếng vang vọng tầng tầng, lớp lớp trong hang dội ra, tạo nên chuỗi âm thanh kỳ thú. Lên núi Thần Đinh bằng giá nào cũng phải xuống giếng Tiên. Nước giếng thần tựa giọt dòng tinh túy nhất chắt ra từ bốn bề đá núi, theo quan niệm dân gian, nếu ai thành tâm đến giếng Tiên lấy nước thì may mắn sẽ dư đầy.