Những con tàu nặng hàng trăm tấn bị vùi dưới lớp bùn sâu nhiều mét ở lòng sông được nữ thợ lặn và cộng sự đưa lên bờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cái tên Mười Duyên (Đàm Thị Duyên, 56 tuổi) bắt đầu nổi danh bên dòng sông Cửa Lớn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) từ những ngày đầu sau giải phóng. Vì bà không chỉ là người phụ nữ duy nhất kéo được tàu sắt Mỹ từ lòng sông lên bờ, mà còn là một thủ lĩnh đầy tài năng, chỉ huy hơn 30 tay thợ lặn thuộc hàng giỏi bậc nhất lúc bấy giờ.
Quê gốc ở Cần Thơ, từ nhỏ cô bé Duyên đã biết lặn ngụp dưới các con sông ở miền sông nước Cửu Long bắt cá, tôm. "Ngày ấy còn chiến tranh thì lấy đâu ra các dụng cụ lặn hiện đại như bây giờ. Thế nhưng, một hơi lặn của tôi có thể kéo dài được hơn 5 phút", bà tự hào.
Năm 28 tuổi, Mười Duyên gán nghĩa vợ chồng với Quang Vĩnh Điền - thương nhân Hoa kiều ở Chợ Lớn (Sài Gòn). Vài năm sau, cả gia đình chồng và 3 người con sang Mỹ định cư, nhưng bà quyết định ở lại quê nhà vì cuộc sống nơi xứ người không khỏa lấp được nổi nhớ sông nước.
"Nhiều năm nay, đã không ít lần các con đón tôi sang Mỹ, chúng nói tôi lớn tuổi rồi để tụi nó chăm sóc. Nhưng ở bên đó cũng chỉ được đôi ba tháng, tôi lại khăn gói trở về với cái nghiệp lặn của mình", bà Mười Duyên chia sẻ.
Ở lại quê nhà, bà Mười Duyên mưu sinh bằng nghề buôn phế liệu. Được người anh trai Đàm Văn Đức (Tám Đức) - từng là lính đặc công thủy thuộc Quân khu 9 - truyền thụ các ngón nghề, bà bắt đầu lặn tìm ghe, tàu bị chìm trong thời chiến tranh. Sau đó, nghe nói miệt sông nước Năm Căn có nhiều tàu sắt bị chìm, bà quyết định dời nhà về vùng này.
Đầu những năm 1980, bà tập hợp các tay thợ lặn, rồi thành lập đội lặn chuyên nghiệp mở rộng vùng hoạt động sang các tỉnh như Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang… Thời ấy, không chỉ các công ty tư nhân thuê đội lặn của Mười Duyên trục vớt tài sản bị chìm, mà ngay cả Bộ Quốc phòng, Cục Quản lý đường sông cũng đến hợp đồng thuê trục vớt các chiến hạm, tàu sắt Mỹ bị đánh chìm trong chiến tranh.
Một trong những chiến hạm được nữ thợ lặn đưa lên bờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà và các cộng sự có nhiệm vụ lôi những chiếc tàu sắt Mỹ nặng hàng trăm tấn, bị vùi sâu dưới lớp bùn nhiều mét ở lòng sông. "Khi tàu được đưa lên bờ, cán bộ của Bộ Quốc phòng đến nghiệm thu, định giá. Xong các công đoạn chúng tôi mới được bán sắt phế liệu và góp lại cho Nhà nước 30% giá trị. Riêng các loại pháo, đạn còn dùng được, chúng tôi nộp lại cho quân đội", nữ thợ lặn kể.
Theo bà, để trục vớt một tàu sắt Mỹ, hay hạm đội không phải là chuyện mà ai cũng có thể làm được. Mỗi khi nhận hợp đồng, bà có nhiệm vụ lặn xuống dưới độ sâu hàng chục mét quan sát trọng lượng từng con tàu, thỏa thuận giá cả, rồi đưa ra phương án trục vớt. Thời gian để trục vớt một con tàu có khi kéo dài hàng tháng.
Đội lặn của Mười Duyên chuẩn bị rất chu đáo các công đoạn để kéo tàu. Hai hàng cừ dừa (mỗi hàng 18 cây) được cắm sâu vài mét, hàng chục cây khác thả chắn ngang trước và sau hai hàng cọc. Hệ thống dây cáp loại bằng cổ tay sau đó được đấu nối với cọc dừa và mắc cẩn thận vào thân con tàu. Bằng sức kéo của máy thông qua hệ thống bu ly, xác con tàu được xê dịch và từ từ "bò" lên bờ.
Riêng hạm đội, do có trọng lượng quá lớn, để trục vớt, các tay lặn phải làm việc rất cực khổ. Họ mang theo ống hơi, nhảy tõm xuống sông và biến mất vài giờ cho đến khi những dây xích được luồn qua thân tàu, sau đó cắt chiến hạm ra từng đoạn rồi dùng cẩu kéo lên.
Với vay trò đội trưởng, bà Mười Duyên có nhiệm vụ đứng trên bờ quan sát hàng chục tim hơi của bạn lặn. Trong trường hợp tim hơi nổi lên bất thường, bà biết bạn lặn đang gặp sự cố dưới nước. "Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần lặn xuống đáy sông cứu đồng đội, khi họ bị tuột dây hay bể ống hơi. Nghề này đầy rẫy nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ của người thủ lĩnh là bạn lặn bỏ mạng như chơi", bà khẳng định.
Kỷ niệm buồn nhất trong nghề của bà xảy ra cách đây 16 năm, khi nhận hợp đồng trục vớt tàu cá bị chìm ngoài biển, ở độ sâu 50 m. Anh trai bà, lúc đó đã trên 50 tuổi vẫn lặn xuống tận đáy để luồn dây qua lườn tàu. Do biển động, sóng to, trong một hơi lặn sâu, cựu chiến sĩ đặc công bị nước nhồi và khi cố gắng ngoi lên mặt nước thì ông đã tử nạn. "Sinh nghề tử nghiệp, không ai ngờ rằng người có nhiều kinh nghiệm như anh tôi lại bỏ mạng dưới lòng sông", bà nói.
Nữ thợ lặn kiểm tra lại đồ nghề phục vụ kéo tàu. Ảnh: Phúc Hưng
Sau cái chết của anh trai, bà Mười Duyên nản chí, quyết định bỏ cái nghề lặn, để qua Mỹ sống với chồng con. Tuy nhiên, năm 2002, khi trở về nước, nghe nói có một tàu sắt nặng hơn 200 tấn nằm án ngự dưới lòng sông Cửa Lớn mà nhiều nhóm thợ lặn đều bó tay, bà lại mò đến khảo sát và xin cơ quan chức năng thực hiện. "Sau khi cúng bái theo nghi thức, tôi và anh em bắt tay vào thực hiện. Hơn 20 ngày sau, xác con tàu đã nằm gọn trên bờ", bà nhớ lại.
Mấy chục năm hành nghề, bà Mười Duyên không nhớ nổi mình đã trục vớt bao nhiêu xác tàu. 5 năm trước, do mọi người trong đội đều lớn tuổi, bà giải tán đội thợ lặn chuyển sang nghề nuôi hàu. Nhưng cái nghề "nhắm mắt quơ tay" cả ngày dưới đáy sông, bám sát đáy sông mà sống có lẽ đã ăn sâu trong xương máu, nên khi có người thuê trục vớt tàu đánh bắt chìm ngoài biển là bà lại huy động đội lặn ra sông.
(Theo VnExpress.vn)