Vì sao không đề nghị đặc cách?
Theo các nghệ sĩ sân khấu, TP HCM rất cần đề xuất đặc cách khi xét thấy có những trường hợp nghệ sĩ xứng đáng có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, được giới chuyên môn đánh giá cao về nghề nghiệp, sự cống hiến của họ nhưng không đáp ứng được tiêu chí huy chương khi xét duyệt.
NSND Kim Cương đã nhiều lần bày tỏ để giữ đúng giá trị danh hiệu sau mỗi đợt xét tặng là điều mà Hội đồng Xét tặng danh hiệu cấp nhà nước cần điều chỉnh. "Không phải nghệ sĩ nào cũng có đủ điều kiện để tham gia hội diễn, như trường hợp NSƯT Minh Vương, anh là nghệ sĩ có uy tín, được mời chấm nhiều giải thưởng sân khấu. Quá trình cống hiến của anh có giá trị hơn hẳn các huy chương" - NSND Kim Cương nhấn mạnh.
NSƯT Minh Vương, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy trong vở "Đời cô Lựu".
Mùa xét duyệt danh hiệu lần 4, tác giả Lê Duy Hạnh khi ấy là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đã mạnh dạn đề xuất Hội đồng Xét tặng danh hiệu cấp TP HCM có công văn gửi hội đồng nhà nước đề nghị đặc cách tặng danh hiệu NSND cho 5 nghệ sĩ: soạn giả NSƯT Viễn Châu, NSƯT Kim Cương, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Lệ Thủy. Kết quả là 5 nghệ sĩ này dù không có đủ HCV, HCB vẫn được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND.
"Thế nhưng những lần sau này, chính tôi nhiều lần đề cập việc cần thực hiện quy chế đặc cách, không để nghệ sĩ bị thiệt thòi nhưng không thấy TP HCM quan tâm. Ngoài NSƯT Minh Vương, TP HCM còn NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu, danh cầm - NSƯT Văn Giỏi, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc... rất xứng đáng" - NSND Giang Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, thẳng thắn.
Ai cũng biết NSƯT Minh Vương, NSƯT Giang Châu, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, danh cầm - NSƯT Văn Giỏi là những nghệ sĩ tài năng, đã góp phần đào tạo, định hướng nghệ thuật cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Sự nghiệp biểu diễn và dàn dựng của họ rất lớn, có tầm ảnh hưởng cao đến phong cách ca diễn, dàn dựng trên sân khấu nhưng vì vin vào tiêu chí huy chương mà bao đợt xét tặng thời gian qua họ bị loại từ cấp cơ sở.
Vẫn còn nhiều bất cập
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Xét tặng danh hiệu cấp TP HCM - cho biết: "Các nghệ sĩ được đề cử xét tặng danh hiệu NSND của TP HCM đợt này đều có những đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật nước nhà, ở các bộ môn: cải lương, kịch nói, xiếc, múa rối, ca nhạc, điện ảnh... TP HCM đã từng mạnh dạn đề xuất đặc cách 5 nghệ sĩ có công lao rất lớn đối với sân khấu cải lương, dù các nghệ sĩ này không đạt tiêu chí huy chương nhưng tài năng, cống hiến của họ cho sân khấu rất lớn. Lần này, có 10/17 nghệ sĩ cũng không đủ chuẩn huy chương nhưng xét về mặt cống hiến cho nghệ thuật và đào tạo, họ rất xứng đáng được tặng thưởng danh hiệu cao quý này. Tôi rất trăn trở, sau khi công bố danh sách, với tư cách chủ tịch hội đồng cấp cơ sở. Bởi trên thực tế còn nhiều trường hợp xứng đáng nhưng chưa được đề nghị đợt này".
Bà Thu bày tỏ: "Việc xét danh hiệu dựa theo tiêu chí hội đủ huy chương là thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, làm sao họ có điều kiện để dự thi hoặc họ được mời tham gia hội đồng giám khảo rồi thì làm sao có vai diễn, vở diễn dự thi liên hoan, hội diễn để có đủ huy chương theo tiêu chí đưa ra?".
Trên thực tế, quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã được điều chỉnh và ban hành từ ngày 29-9-2014, dù huy chương chỉ được xem là một trong những tiêu chí xét tặng nhưng kết quả xét tặng những năm qua cũng đã dấy lên dư luận không hay, cho thấy còn nhiều bất cập qua mỗi đợt xét tặng danh hiệu. TP HCM không tiếp tục đề xuất đặc cách sẽ khó bảo vệ được nghệ sĩ được đề cử từ cấp hội đồng cơ sở của mình. Và như thế, nghệ sĩ có thể tiếp tục bị tổn thương sau khi có kết quả chính thức từ Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương.
"Luật do chúng ta quy định, vẫn có thể điều chỉnh. Đó là điều mong mỏi của nghệ sĩ" - NSƯT Minh Vương bộc bạch.
Xứng đáng bởi những đóng góp lớn lao
NSƯT Thanh Tuấn xác lập phong cách ca vọng cổ độc đáo, là khuôn mẫu cho nhiều nghệ sĩ trẻ. NSƯT Giang Châu thể hiện xuất sắc các vai tính cách bằng làn hơi độc đáo, biến những vai phụ trở nên nổi bật trên sàn diễn hơn 40 năm qua. Danh cầm - NSƯT Văn Giỏi vẫn miệt mài sáng tác, truyền nghề, phát huy ưu thế sáng tạo nhiều thể điệu sau thành công của hai bài: "Phi vân điệp khúc" và "Đoản khúc lam giang". Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc là thầy của hầu hết các nghệ sĩ sân khấu, đạo diễn trẻ phía Nam; ông còn viết giáo trình giảng dạy bậc đại học, cao học của ngành đạo diễn sân khấu, kỹ thuật biểu diễn dành cho đại học diễn viên. Gần 50 năm đứng trên bục giảng, ông Trần Minh Ngọc là người truyền lửa yêu nghề cho các thế hệ nghệ sĩ sân khấu miền Nam. Chừng ấy thôi họ đã xứng đáng với danh hiệu NSND rồi.
Theo nld.com.vn