Nông nghiệp Quảng Ngãi chủ động gieo sạ vụ Đông Xuân trước diễn biến mưa lũ cuối năm

30/11/2021 16:08

Theo dõi trên

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, từ nay đến cuối năm 2021 vẫn còn xuất hiện các đợt không khí lạnh, do vậy, ngành nông nghiệp cần chủ động khắc phục thiệt hại, ứng phó diễn biến thời tiết, đảm bảo sản xuất trong vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 sắp tới.

08edad10fe21357f6c30-1638261023.jpg
Hội nghị ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phú Nhiêu

Đây là vấn đề được thảo luận trong Hội nghị Sơ kết sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năm 2021 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trong sáng ngày 30/11.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, cho biết, năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi đã trải qua những ngày nắng nóng lịch sử kéo dài đến hết tháng 9, sau đó bắt đầu mưa với diễn biến thời tiết cực đoan, lượng mưa tính theo 24 giờ có thể lên tới 500mm như trong ngày 29/11, lượng mưa đo được tại Ba Lế, Ba Nam là 400mm là rất cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, thủy sản địa phương.

Theo ông Sỹ, từ nay đến cuối năm, tần suất xuất hiện không khí lạnh vẫn còn rất dày với cường độ mạnh, các khu vực lũ trên sông Vệ, sông Trà Cây vẫn còn lớn, có khả năng trên mức BĐ 3, trận lũ lớn cuối cùng trong năm 2021. “Do mưa nhiều, các hồ chứa nước đã đạt dung tích để đảm bảo cho nước tưới, tuy nhiên mưa lớn cũng làm các cầu, cống, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, do vậy, ngành nông nghiệp cần khẩn trương khắc phục, sửa chữa đỡ thất thoát nước sau khi tới thời gian gieo trồng”, ông Sỹ nói. Đồng thời, ông nhận định, lượng nước cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đủ phục vụ sản xuất, tuy nhiên, một số vùng không chủ động nước cần chủ động chuyển đổi cây trồng.

sa-boi-thuy-pha-1638261066.jpg
Nhiều diện tích bị sa bồi thủy phá trong đợt mưa lũ vừa qua. 

Mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với nông nghiệp, tính đến tháng 10/2021, có 1.701,0ha lúa; 614,0ha cây trồng hằng năm; 1,1ha cây trồng lâu năm; 2.004,0ha rau màu; 220,0ha hành; 81,0ha cây ăn quả; 149,0ha rừng keo; 1.345 chậu hoa cảnh bị thiệt hại; 28,0 tấn lương thực bị ướt, hư hỏng; 58,0ha đất sản xuất bị sa bồi, thủy phá.

Ngành nông nghiệp đã chủ động khắc phục thiệt hại nhanh chóng ổn định sản xuất. Ông Đinh Văn Điết, Chủ tịch UBND huyện Minh Long, nói: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Minh Long có diện tích sa bồi thủy phá rất lớn đến 9,6ha, tập trung chủ yếu ở xã Thanh An. Huyện đã nhanh chóng huy động xe cơ giới, các biện pháp thủ công để lấy đất, bùn lầy ra khỏi đồng ruộng, kênh, mương thoát nước. Trước diễn biến thời tiết vẫn còn mưa thì khả năng bị sa bồi thủy phá lần nữa là rất lớn, nhưng huyện quyết tâm khắc phục ngay cho dân để người dân chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân tới”.

Dự kiến vụ Đông Xuân, các công trình thủy lợi có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 39.908,96ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo tưới vụ Đông Xuân.

Dựa trên tình hình từng địa phương, thời gian gieo sạ từ ngày 15/12 đến 31/12, đối với các vùng trũng thấp, nước chưa rút có thể kéo dài thời gian gieo sạ nhưng phải kết thúc chậm nhất là ngày 10/1.

duong-xa-1638260965.jpg

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn do thiên tai gây ra, vì vậy, ngành nông nghiệp cần chủ động sản xuất, chúng tôi khuyến cáo người dân, đề nghị các địa phương chủ động sửa chữa khắc phục kênh, mương, dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, chủ động nước tưới kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân”. Về lâu dài, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT khắc phục kênh mương hư hỏng nặng, sa bồi thủy phá./.

Phú Nhiêu
Bạn đang đọc bài viết "Nông nghiệp Quảng Ngãi chủ động gieo sạ vụ Đông Xuân trước diễn biến mưa lũ cuối năm" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.