Nỗi lo về sự xuống cấp đạo đức trong gia đình

22/04/2017 11:03

Theo dõi trên

Nhiều chuyên gia về xã hội và gia đình đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng văn hoá gia đình trong xã hội đương đại tại cuộc Hội thảo “Xây dựng văn hoá gia đình trong xã hội đương đại” do Bộ VHTTDL tổ chức.



Gia đình “trên kính, dưới nhường” cần được giữ gìn, phát huy trong xã hội hiện nay. Trong ảnh: Áp phích cổ động hưởng ứng Ngày gia đình VN 28.6

Cảnh báo về xuống cấp đạo đức trong gia đình

TS Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Mặt trái của cơ chế thị trường và những biến đổi xã hội đã tác động không nhỏ đến đời sống gia đình VN. Nhiều quan điểm, cách sống, lối sống xa lạ, lệch chuẩn đang dần manh nha, đặc biệt là lớp trẻ với xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân đã mất dần các giá trị truyền thống trong gia đình như lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau”. Cũng theo bà Hoa, thậm chí, lối sống buông thả trong quan hệ nam - nữ, sống vội, sống thử, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng lăng mạ, đánh đập nhau, anh em trong nhà xung đột, mâu thuẫn, thậm chí đâm chém chỉ vì tranh giành đất đai, của cải... đã và đang rung lên những hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức truyền thống trong hôn nhân và gia đình. Nhiều chuyên gia đã nhận định, cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống VN, tạo ra xung đột giữa bảo tồn và các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của gia đình... Đang xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của gia đình. Những chuẩn mực liên quan đến hôn nhân gia đình như vấn đề trinh tiết, sự chung thuỷ... dường như đã và đang được nhìn nhận một cách thông thoáng hơn, dẫn đến nhận thức và hành vi của nhiều nhóm xã hội tạo nên hiện tượng “nhiễu loạn giá trị gia đình” xuất hiện với những vấn đề như quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, tình trạng ly hôn, ly thân, cặp bồ khi có gia đình để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông

Trong bối cảnh nhiễu thông tin và sự lệch lạc ngay từ nhận thức của một bộ phận người trong xã hội thì rất cần một sự định hướng từ truyền thông để định vị lại nhận thức và chuẩn cho gia đình. TS Trần Thị Tuyết Mai (Viện Văn hoá) cho rằng tác động và định hướng của phương tiện truyền thông đối với xây dựng gia đình văn hoá là một công cụ rất đắc lực. Sự lên án của xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em gái trong thời gian gần đây đã tạo nên hiệu ứng mạnh trong dư luận xã hội là một ví dụ về sức mạnh của truyền thông. Làn sóng căm phẫn của dư luận xã hội về nạn xâm hại trẻ em đã giúp cho cộng đồng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn từ việc giúp đỡ trẻ em bị xâm hại cho tới quy trình phát hiện, đưa tội ác ra ánh sáng để pháp luật trừng trị. Bên cạnh việc phân tích những mặt trái của tác động xấu về khía cạnh gia đình thì định hướng truyền thông cũng cần đa dạng hoá hơn, đề cao và đưa ra một cách thuyết phục những giá trị truyền thống gia đình VN như “gia phong, gia lễ, gia đạo, gia hiếu” làm nền tảng để duy trì xây dựng văn hoá gia đình với những chuẩn mực nhân văn. Truyền thông cũng cần chú trọng nhân rộng các điển hình tiêu biểu xuất sắc trên diện rộng làm nòng cốt cho mọi gia đình.

Tuy nhiên, cũng ở góc độ truyền thông, GS, TS Lê Thị Quý cho rằng vì câu khách mà không ít bài báo, đặc biệt là các trang mạng, báo điện tử đã vô tình hướng thanh niên vào những câu chuyện quá tầm thường như bình luận quần áo của “sao” này “sao” nọ. Hôm nay, cô này xuống phố với cái bụng bầu, ngày mai anh nọ bị chủ nợ đến đòi tiền. Thay vì chú trọng tuyên truyền những nhân tố điển hình về người tốt, việc tốt thì truyền thông vô tình đã chạy theo cổ xuý cho một cách sống, lối sống thực dụng, vật chất của một bộ phận cá biệt trong xã hội.

Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ lưu truyền, đó là “trên kính, dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. “Đây vừa là phép tắc, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Việc giáo dục lòng hiếu kính phải trở thành một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong gia đình hiện nay. Xin hãy bắt đầu từ giáo dục gia đình, xây dựng nhân cách người VN từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình là một trong những yếu tố căn cốt”, ông Hoa Hữu Vân nhận định.


Đào Anh

Nguồn: Báo Văn Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo về sự xuống cấp đạo đức trong gia đình " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.