Bài 2: Mù mờ thông tin
Nỗi lo của người đi xuất khẩu lao động - Bài 1
26/12/2015 10:41
Sự việc 50 lao động Việt Nam làm việc tại Algeria phải về nước sớm do chủ sử dụng lao động đánh đập và hiện tượng lao động bỏ trốn nhiều tại một số thị trường trọng điểm đã bộc lộ nhiều tồn tại trong công tác tuyển lao động đi xuất khẩu như thu phí cao, thông tin thiếu minh bạch…
Xuất thân từ những vùng quê thuần nông, nhiều lao động chấp nhận vay nợ để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), với ước vọng đổi đời. Tuy nhiên, từ sự việc các lao động xuất khẩu tại Algeria, chưa kịp đổi đời thì đã thấy khi về nước họ lại phải tiếp tục gánh thêm khoản nợ mà không biết đến bao giờ mới trả hết. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là lao động đi xuất khẩu bị thu phí cao so với quy định. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều lao động bỏ trốn để làm thêm hoặc phải tăng ca để kiếm tiền bù đắp khoản chi phí trước khi đi.
Các lao động làm thủ tục đăng ký đi lao động tại Đài Loan (Trung Quốc)
Là một trong 50 lao động bị chủ sử dụng lao động đánh đập ở Algeria về nước, anh Nguyễn Khắc Đức (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, anh phải đóng hơn 47 triệu đồng phí đi xuất khẩu, nhưng giấy tờ công ty đưa chỉ ghi hơn 14 triệu đồng. Do mới đi được hơn 3 tháng, thu nhập chưa có nên đây là khoản nợ mà gia đình anh sẽ phải tìm cách để trả thời gian tới. “Tưởng là đi XKLĐ có tiền để cải thiện cuộc sống gia đình, nào ngờ lại lâm vào cảnh nợ nần”, anh Đức chia sẻ.
“Tôi không biết sẽ làm gì để trả món nợ cho khoản phí xuất cảnh, đã vậy còn khoản bồi thường 1.700 USD vẫn đang treo lơ lửng trên đầu”, anh Đức chia sẻ.
Đối với thị trường XKLĐ Hàn Quốc, một trong những lý do khiến tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại cao do trước đây là để đi XKLĐ tại Hàn Quốc, nhiều người phải chi phí từ 70 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Chị Đoàn Thị Vân (Đông Hưng, Thái Bình), từng hơn 6 năm đi lao động tại Hàn Quốc, cho biết: “Theo quy định, các chi phí để đi XKLĐ theo chương trình cấp phép việc làm (EPS) của Hàn Quốc khoảng 630 USD (tương đương 13 triệu đồng). Tuy nhiên, trước đây thông tin khá mập mờ nên môi giới thường “hét” nhiều loại phí, dẫn đến để đi XKLĐ theo chương trình EPS phải đóng cao gấp gần 10 lần theo quy định. Đã vậy, thời điểm 2010 - 2012, kinh tế tại Hàn Quốc khó khăn, nên việc làm của chúng tôi cũng không ổn định. Đi làm vài năm mà không có tích lũy, nhiều người muốn trốn ở lại kiếm thêm”.
Mới đây, từ sự việc một số doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) thu hẹp sản xuất do kinh tế khó khăn khiến nhiều lao động phải về nước trước hạn, cũng đã lộ ra việc thu phí cao hơn quy định của nhiều đơn vị. Anh Nguyễn Việt Phú (Phúc Thọ, Hà Nội) vừa mới về nước trước thời hạn bức xúc cho biết: Trước khi đi XKLĐ, công ty môi giới hứa hẹn sẽ có công việc ổn định với mức lương gần 1.000 USD/tháng, do đó công ty thu 6.300 USD đến 7.000 USD/người nhưng giấy tờ biên nhận chỉ ghi mức 4.000 USD. Đại diện doanh nghiệp còn dặn, nếu cơ quan chức năng có hỏi thì chỉ được nói thu 4.000 USD/người”.
Theo khảo sát của phóng viên, môi giới thường thu phí người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) để trả cho đối tác và chi phí đào tạo khoảng 5.800 - 6.500 USD/người, tùy theo ngành nghề. Tuy nhiên, để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, khi ghi biên nhận chỉ ghi 4.000 USD. Việc thu phí cao dẫn đến hệ quả tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc) để kiếm tiền hoàn vốn lên đến hơn 24.000 người. Phía Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã từng phải hạn chế một số ngành nghề lao động Việt Nam hay bỏ trốn.
Hiện nay, tình trạng LĐXH bỏ trốn cũng gia tăng tại thị trường Nhật Bản. Ông Kitagaki Toshio, trưởng đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho biết: “Số thực tập sinh Việt Nam (lao động xuất khẩu lao động) bỏ trốn ngày càng gia tăng. Từ tháng 1 - 10/2015, đã có 8 thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn, tăng 5 người so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết, những người bỏ trốn là vì mục đích kiếm tiền để bù khoản tiền phí lớn trước khi đi XKLĐ. Các lao động bị bắt đóng khoản tiền lớn dưới danh nghĩa phí thi tuyển, hoặc chi phí môi giới, thậm chí có cả cán bộ của Sở LĐTBXH địa phương tiếp tay. Việc thu phí cao là việc làm vô lương tâm và cần được xử lý nghiêm”.
Do đó, từ tháng 5/2015, IM Japan đề nghị Bộ LĐTBXH Việt Nam dừng tuyển chọn ứng viên là người lao động các tỉnh phía Bắc. Chính phủ Nhật Bản đã xem xét rất chặt chẽ những quy định điều khoản tiếp nhận thực tập sinh người nước ngoài, trong đó quy định nếu phát hiện đơn vị nào nhận tiền môi giới trái quy định sẽ đình chỉ tiếp nhận thực tập sinh trong 5 năm.
Bài 2: Mù mờ thông tin
Bài 2: Mù mờ thông tin
Xuân Minh - Đức Mạnh
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo của người đi xuất khẩu lao động - Bài 1" tại chuyên mục Phương Nam.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.