Nỗi khổ của những người bị chăn dắt hành nghề “cái bang” - Kỳ I

01/12/2015 00:52

Theo dõi trên

Hình ảnh những cụ già, những đứa trẻ hành nghề “cái bang” lê lết khắp những con đường, những cây xăng, những ngã 4 không còn xa lạ. Những con người ấy luôn nhận được sự cảm thông chia sẻ của những người đi ngang qua và không ai không động lòng chia sẻ cho họ dăm ba ngàn đồng.

Nhưng đằng sau những cuộc mưu sinh ấy là những “bàn tay” dẫn đường chỉ lối cũng như là những ông chủ, bà chủ bắt họ hành nghề “cái bang”, giẫm đạp lên mồ hôi và nước mắt của những người già và trẻ em chỉ vì hám đồng tiền.

Ghi nhận tại nhiều cây xăng trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai như cây xăng Tân Tiến trên đường Nguyễn Ái Quốc, Tân Phong trên đường Đồng Khởi, cây xăng Tân Hiệp, cây xăng Suối Linh,… chúng tôi nhận rõ ngày này qua tháng nọ những cụ già và trẻ em đều đặn ngày 3 buổi đứng túc trực để ăn xin.
 
 
Cụ L xin ăn tại cây xăng Suối Linh

Không biết mình bị lừa đi ăn xin

Chúng tôi tiếp cận cụ ông thường xuyên đứng ở cây xăng Tân Hiệp, ông cho biết ông tên T, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Từ Tết năm 2014, ông được vợ chồng ông chủ là Chung, vợ là Phương về quê thuê vào Đồng Nai làm ăn. Do ở quê mất mùa, đói kém nên khi được người chung quê có thiện chí thuê mình đi làm tháng 3 triệu, ông đã đồng ý đi liền.

Vào xứ người, ông mới biết mình được thuê để hành nghề ăn xin, vật vờ tại những cây xăng để cầu xin sự bố thí của mọi người. “Đã lỡ nhận với ông bà Chung là đi làm nên ở đây giờ không có tiền cũng phải chịu, và hàng ngày cứ ăn xin cho chủ, tháng lấy 3 triệu”. Ông T cho biết mỗi sáng khoảng 4h 30', Chung sẽ chở ông và 1 bà cụ nữa ra thả ở cây xăng, 2 người sẽ thường xuyên đổi chỗ đứng cho nhau, khi thì ông được nhận nhiệm vụ đứng ở cây xăng Tân Phong, khi đứng ở Tân Hiệp, cứ xoay vòng. Trưa khoảng 11h, Chung lại ra đón về, cho ăn uống, nghỉ ngơi đến 2h chiều lại chở ra để tiếp tục công việc. Riêng bữa cơm tối thì tự ăn, rồi sau đó 23h, Chung sẽ ra đón về nhà của Chung thuê tại Hố Nai.

Chung bao ăn ở, lương tháng nên số tiền kiếm được hàng ngày về phải giao nộp cho vợ chồng Chung không được sót đồng nào. Những ngày không xin được sẽ bị chủ chăn dắt chửi bới nói bóng nói gió rất khó nghe. “Đi ăn xin cực lắm, tôi muốn xin về quê mà ông Chung không cho về, ông hứa tháng 11 này sẽ cho tôi về, chuyến này mà về được là tôi ở nhà luôn, không đi nữa”.

Có những người bị chăn dắt khi thấy được quan tâm hỏi han họ sẵn sàng trả lời ngay để giải tỏa sự vướng mắc cũng như nỗi khổ của mình. Nhưng bên cạnh đó không ít người hành nghề lâu năm được chủ chăn dắt dạy cách cảnh giác với người lạ. Những chủ chăn dắt sẵn sàng vẽ sẵn những kịch bản để cho những cụ ông, cụ bà ăn xin trả lời khi có ai hỏi đến.

Kịch bản sẵn của kẻ chăn dắt

Tiếp cận một bà cụ tại cây xăng Vườn Mít, bà cho biết tên H, năm nay 79 tuổi quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, vào miền Nam thăm cháu rồi hành nghề ăn xin kiếm tiền về quê. Bà H cho biết bà ở với cháu trai tên Bảy. Sáng khoảng 5h, cháu bà sẽ dùng xe máy chở bà ra cây xăng để ăn xin, trưa 11h bà tự về nhà trọ để ăn cơm cùng cháu. Chiều 2h, bà sẽ tự ra cây xăng bằng xe ôm hoặc xe buýt và tiếp tục làm việc cho đến 22h lúc này do không còn xe nên cháu bà sẽ ra đón về nghỉ ngơi. Bà H cho biết bà mới hành nghề được hơn 10 ngày nhưng theo quan sát của chúng tôi thì bà túc trực ở đây đã khá lâu và không phải người mới vào nghề.

Cũng như cụ già tại cây xăng Tân Tiến, cụ cho biết cụ tên S năm nay đã 75 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa. Cụ hành nghề này được hơn 1 năm, mỗi ngày kiếm được 150 – 200 ngàn. Sáng 5h, ông thuê xe ôm ra cây xăng hết 15 ngàn, trưa 11h đi ăn cơm hộp 15 ngàn sau đó về nhà trọ ngủ, chiều 2h đi làm, tối 11h trở về nhà bằng xe ôm.

Do cụ quét dọn cây xăng và siêng năng gom rác nên được những nhân viên cây xăng ưu ái cho đứng để xin mà không bị xua đuổi. Cụ cho biết mình thuê trọ ở Trảng Dài để đi xin ăn vì không có con cái, với lại ở quê đói và mất mùa nên tha hương. Mặc dù được thuê đi ăn xin nhưng do bị chủ chăn dắt vạch sẵn câu chuyện cũng như bắt cảnh giác người khác hỏi chuyện nên những người này khá e dè và câu chuyện thường đứt quãng.

Theo chân cụ L, ngụ tại phường Tam Hiệp chuyên đứng xin ở cây xăng Suối Linh, chúng tôi ghi nhận. Hàng ngày khoảng 5h, cụ thường đi bộ từ nhà ra đầu đường Đồng Khởi để đón xe ôm ra chỗ mà thường ngày bà vẫn làm công việc, hành trang bà L mang theo là 1 bị cói nhỏ, trong đó đựng đủ thứ cùng chiếc gậy để chống vì lưng bà đã còng sụp xuống. Mỗi lần thấy những người đổ xăng là bà L liền chống gậy lại sát họ chìa tay ra và đợi sự bố thí của họ. Thấy bà L đã già, lưng còng, dáng vẻ ốm yếu nên rất nhiều người thương cảm và ít ai từ chối bố thí cho bà.

Tiếp cận bà L, chúng tôi được biết bà năm nay đã ngoài 90 tuổi, có đông con cái nhưng đều đã dựng vợ gả chồng, mỗi đứa một nơi. Quê bà ở Gia Kiệm, Thống Nhất nhưng do chồng mất, con cái ở xa, hàng tháng trông chờ vào khoản tiền trợ cấp người già nên sống khá thiếu thốn. Cách đây không lâu con gái út của bà L là chị Lan đón bà xuống Biên Hòa để giữ chắt (cháu chị Lan) và để bà sống cho vui. Thấy Biên Hòa nhiều người hành nghề “cái bang” nên bà L cũng tự mình đi ăn xin để khỏi sống phụ thuộc vào con cái. Bà L cho biết là bà đi xin mỗi ngày kiếm được khoảng 100 – 150 ngàn, có ngày bà đưa tiền về nhưng hầu hết bà bị trẻ con trộm hết tiền do bỏ “bị cói” để đi xin tiếp.

Khi được hỏi vì sao không dựa vào con cái khi già yếu mà lại đi ăn xin thì bà L cho rằng mình đi xin để mua thuốc uống, mỗi ngày uống hết 15 ngàn tiền thuốc. Do bà trốn đi xin mà con cái không cho nên bà hay trách móc con, bà đã từng bị đưa về công an phường 2 lần vì không có giấy tờ tùy thân, sau đó con gái bà hay tin đã đến xin cho bà về. Bà L còn nói thêm là nếu sáng ra cháu gái bà không bận, bà thường hay nhờ cháu gái chở ra đầu đường Đồng Khởi để đón xe ôm, nhưng nếu cháu bà bận thì bà phải tự đi bộ ra rồi nhờ người tìm xe hộ. Tối đến có khi cháu bà sẽ ra đón về hoặc bà lại tiếp tục tự thuê xe ôm về.

Không những người già mà có khá nhiều trẻ em đồng bào Khơ me ở Trà Vinh cũng được đưa đi làm nghề ăn xin. Cũng tại cây xăng Tân Tiến, chúng tôi tiếp cận được với 3 em nhỏ người Khơ me. 3 em nhỏ khá cảnh giác và khi thấy bóng dáng 1 vài chú Công an mặc cảnh phục ghé đổ xăng, các em ùa nhau bỏ chạy trốn vì sợ bị bắt.
 
Tiếp xúc thì được biết 3 bé là ba chị em ruột gồm Siu 7 tuổi, Sút 5 tuổi, Nani 13 tuổi, cả gia đình lên đây và đều làm nghề này. Nani tự đưa 2 em đi sáng từ 5 giờ đi xe ôm hết 30 ngàn, trưa 11h nghỉ ăn cơm, chiều 5h nghỉ ăn cơm rồi làm tới 11h khuya sẽ về nhà. Mỗi ngày Nani xin được từ 200 – 400 ngàn tùy lúc còn Sút 200 ngàn, Siu 300 ngàn. Cả 3 em đều kể rằng không bị đánh nếu không xin được tiền. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc hỏi chuyện thì các em tỏ ra khá e dè và rất cảnh giác, lâu lâu lại có ý dè chừng và lo sợ.

Kỳ tới: Những kẻ sống bám vào người già
 
Mỹ Yên Nghệ

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi khổ của những người bị chăn dắt hành nghề “cái bang” - Kỳ I " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.