Ngư dân tiếp tục đan lưới đi biển - Ảnh: Bình Phú
Trên một chuyến biển, nhiều nỗi đau ở lại…
Trở lại làng chài nghèo Bình Minh một ngày đầu đông. Bên trong căn nhà nhỏ, vẫn nghe được từng tiếng sóng vỗ từ biển khơi, bà Nguyễn Thị Cảnh đang nhóm bếp lửa nấu cơm cho đứa cháu nội Lê Thanh Tới ăn vội để kịp giờ học sáng. Em Tới năm nay đã học lớp 4/2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ. Cả một đại gia đình vậy mà giờ chỉ còn 2 bà cháu nheo nhóc.
Kể lại cho chúng tôi nghe chuyến biển định mệnh ấy, bà Cảnh không giấu được những giọt nước mắt, một chiếc thuyền gồm 20 người, tất cả là cháu nội, cháu ngoại, con cái, họ hàng của bà đi chung trên một chuyến biển vào một ngày tháng 4/2006. Đó cũng là đêm kinh hoàng, cơn bão Chanchu ập đến, kéo chìm cả chiếc thuyền xuống biển, không một ai sống sót.
Bà nhớ lại: “Cái ngày người ta kéo nhau ra biển nhận xác con, nhận chồng, tôi đi mãi nhưng chẳng thấy con mình, kể cả xác thuyền cũng không còn”. Và cha của em Tới, anh Lê Thanh Hoàng, cũng đi biệt trong chuyến biển ấy.
Nhưng tất cả chỉ mới là bắt đầu, vợ anh Hoàng, chị Hồ Thị Bảy, từ ngày mất chồng, chị bắt đầu nổi cơn điên loạn, bà Cảnh nói: “Chồng mất, con Bảy nó phát bệnh thần kinh. Cứ đi lại khắp làng xóm, đi ra triền biển, vừa đi vừa hát, vừa gọi tên chồng nó. Nghe mà thảm!”
Kể từ ngày đó, thế giới với chị Bảy như là tột cùng của sự đau đớn, mỗi lần phát bệnh, chị lại thét lên anh Hoàng đi đâu, sao không về, sinh chi 5 đứa con cho tôi khổ thế này. Bà Cảnh nói: “Mỗi lần nó điên lên, nó lôi đầu thằng Tới đi dìm nước, những lúc như vậy, tôi phải bế thằng tới về nhà nuôi. Con Bảy, nó trách chồng đi, để nó 5 miệng ăn, nó khổ quá rồi”. Sau đó, gần 1 năm, Chị bảy cũng bỏ lại 5 đứa con rời xa thế gian này vĩnh viễn.
Bà Cảnh ngậm ngùi nói: “Năm đứa cháu tôi thật là bất hạnh, khi chưa kịp trưởng thành thì bố mẹ chúng đã ra đi biền biệt, mãi không về. Tôi không sợ chết, nhưng chỉ sợ mình không đủ sức để làm việc và nuôi dưỡng các cháu khôn lớn nên người”.
Cùng hoàn cảnh, nhà gần bên, chị Trương Thị Tiện, vừa mới lấy chồng chưa đầy 2 năm, đứa con gái mới 7 tháng tuổi, đã mãi mãi mất cha. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thanh như thường lệ, sáng một ngày tháng 4/2006, anh chuẩn bị đồ đi câu mực cùng thuyền bạn. Chính chị cũng không ngờ đó là chuyến biển cuối cùng, hạnh phúc mà người con gái ấy vừa mới có cũng biến mất vĩnh viễn để làm… một bà góa.
Ngày 19/4/2006, chị Tiện nhận tin dữ, chồng chị mãi mãi nằm lại biển khơi, chị lần theo đoàn người, tìm mãi không thấy chồng đâu.
Trong cơn bão Chanchu năm ấy, có hàng trăm người vợ mất chồng, cha mất con, bà mất cháu,.. và người ta chỉ nhìn thấy màu trắng tang tóc và những ngôi mộ gió hướng về biển như để tiếp tục nuôi hi vọng phút nhiệm màu.
Gói gọn đời người chỉ trong 8 năm
Sau khi cơn bão đi qua, những người còn lại gắn cuộc đời mình với những đau thương chật vật. Tang thương chưa dứt thì cơm áo gạo tiền gắn chặt họ “đầu tắt mặt tối”.
Trở lại với gia đình bà Cảnh, giờ đây 5 đứa cháu bà đã khôn lớn, chỉ riêng em Lê Thanh Tới chỉ mới lên lớp 4. Một không gian trầm lắng trong căn nhà nhường chỗ cho tiếng những con gà con vịt mà bà đã cố gắng chăm sóc để mua bán kiếm tiền nuôi cháu nên người. Nhớ lại những ngày đầu khi chị Bảy và anh Hoàng mất, bà Cảnh nói: “Hồi ấy khổ, tôi vừa đi nhặt củi bán, đi thu mua ve chai có tiền cho cháu ăn học. May mắn khi một người từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh nhận nuôi 4 đứa cháu, cho nó ăn học đến nơi đến chốn”. Giờ đây, chỉ còn mình em Tới, nhưng cũng biết hoàn cảnh mình, nên Tới rất chăm học, năm nào cũng nhận danh hiệu học sinh tiên tiến.
Bà Cảnh nói: “Tôi muốn được nhìn thấy cháu mình, lần lượt từng đứa lập gia đình. Vì chỉ có vậy thì tôi mới yên tâm mà nhắm mắt, xuôi tay. Cuộc đời tôi chỉ biết vậy và có vậy vì chẳng có gì khác hơn là vừa làm bà vừa làm ba mẹ các cháu…”
Hoàn cảnh chị Tiện lại bi đát, quyết định không đi bước nữa, chị lặn lội với nghề làm cá ở xưởng cho người ta, ngày kiếm 100 nghìn đồng. Ngôi nhà vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng 2 mẹ con chị Tiện. Và giờ đây, ngoài thời gian cho công việc, mỗi chiều, hai mẹ con lại thất thỉu nhìn theo con sóng…
Trên con đường nhỏ gập ghềnh chúng tôi rời xa làng chài nghèo Bình Minh giữa không gian tĩnh lặng và những tiếng sóng biển vỗ liên hồi. Phía xa xa, những con chim én lần lượt bay qua. Bầu trời vẫn còn xanh, một quá khứ mù mịt khi ấy đã được xua tan dần để nhường chỗ cho một tương lai mới…