Điên điển tự nhiên đã khó tìm, người trồng điên điển cũng khó có thể đảm bảo số lượng để cung cấp cho thị trường. Giống điên điển không khó tìm nhưng việc trồng với diện tích lớn lại rất khó khăn. “Tôi có trồng thử 2 công điên điển vào mùa nước năm trước. Điên điển phát triển tốt, cho bông nhiều nhưng ngặt nỗi thời điểm thu hoạch thường là lúc 2 - 3 giờ sáng. Vì không đủ nhân công bẻ bông nên tôi không kịp giao cho bạn hàng. Nhiều lần như vậy họ không chịu mua mà bông điên điển cũng nhanh tàn, không bán được nữa” - ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), thật tình. Mùa nước năm nay, nhiều nông dân như ông Hậu cũng không còn mặn mà với cây điên điển. Nếu có trồng, họ chỉ canh tác vài hàng đủ ăn trong gia đình. Nếu bông nhiều thì mang ra chợ bán 2-3kg/ngày kiếm thêm thu nhập. Bởi, giá trị kinh tế của điên điển không thực sự cao nên người nông dân cũng khó lòng gắn bó với loại cây này.
Vì nguồn điên điển tự nhiên khan hiếm mà điên điển trồng cũng không dồi dào nên giá của loại đặc sản này vẫn nằm ở mức 18.000-20.000 đồng/kg (ở thời điểm này). Có nơi, điên điển được bán với giá 23.000-25.000 đồng/kg. Chị Trịnh Thị Cúc, tiểu thương chợ Kênh 7 (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), cho biết: “Năm nay, nguồn điên điển không dồi dào như trước. Người ta mang đến giao cho tôi 3 - 4 kg/ngày để bán, tính ra chỉ bằng phân nửa năm trước. Hơn nữa, dân mình bây giờ cứ khoái điên điển đồng, mà loại này bây giờ đâu dễ tìm”. Theo chị Cúc, điên điển đồng có bông to, vị ngọt và lâu tàn hơn điên điển trồng nên được nhiều người ưa chuộng.
Dù là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng bông điên điển lại đang mất dần “vị thế” của loại đặc sản vùng, miền. Trong tương lai, khi mùa nước nổi tiếp tục không về thì mùa điên điển vàng đồng cũng chỉ còn là ký ức của dân miền Tây một thuở!
(Theo Báo An Giang)