Nô nức đi hội Phủ Na

30/08/2022 08:48

Theo dõi trên

Những ngày này, đông đảo bà con Nhân dân và du khách thập phương nô nức trở về Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) để dâng hương tưởng nhớ những người có công với đất nước, đồng thời cầu mong mọi sự may mắn, bình an… Đây là lễ hội truyền thống Phủ Na kỳ hội tháng 8 diễn ra hằng năm.

phu-na-1-1661742182.jpg
Lễ hội Phủ Na thu hút nhiều khách thập phương

Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ, thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa rừng (chúa Thượng ngàn). Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na.

Không phải lần đầu tiên đến với lễ hội Phủ Na, chị Nguyễn Thị Thanh, huyện Nông Cống nói: Hằng năm chị đi lễ Phủ Na 2 lần, lần thứ nhất là vào mùng 2 Tết Nguyên Đán và lần thứ 2 đầu tháng 8. Đi lễ là để dâng hương tưởng nhớ những người có công với đất nước và thứ nữa là cầu bình an, may mắn đến với gia đình.

phu-na-2-1661741739.jpg
Nhiều tiết mục văn hóa hấp dẫn tại Phủ Na

Theo chị Thanh, Phủ Na được biết đến là vùng đất linh thiêng, nơi nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Tại đây, bà đã dừng chân để chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sỹ, luận bàn kế sách hành quân đánh giặc.

Còn với chị Lê Mỹ Dung, TP Thanh Hóa cho biết, lâu nay chị biết đến Phủ Na qua sách báo, nay tìm đến tận nơi, được dâng hương, bái lễ cảm thấy lòng được thanh thản. Bên cạnh đó, đến Phủ Na, chị còn được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình với hệ thống đền, miếu qui tụ dưới thung lũng chân núi ngàn Nưa hoang sơ, mộc mạc, công chúa Liễu Hạnh, Mẫu thượng ngàn, Triệu Quốc Đạt,…

“Sau khi dâng hương cầu bình an, sức khoẻ, tài lộc, xin “nước thánh” tôi đã thăm quan chợ cũng như ăn uống và mua các cây giống như lá đắng, chè, cây cảnh, lan,… và các đặc sản của vùng núi Xuân Du” - Chị Dung chia sẻ.

phu-na-5-1661741739.jpg
Nhiều sắc thái các dân tộc khác nhau tại Phủ Na

Theo ghi chép tại phòng văn hóa xã Xuân Du, Phủ Na ra đời vào năm 1909 (dấu tích còn ghi lại thượng lương của đến Mẫu Nghi Thiên Hạ) được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Tín ngưỡng thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Vì vậy tín ngưỡng thờ Mẫu đã hoà phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na. Du khách đến với Phủ Na - núi Nưa còn cảm nhận được từ trong tâm linh của mình vong hồn của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh qua việc thờ Bà tại đền thờ thánh Mẫu.

phu-na-6-1661742139.jpg
Một tiết mục Cồng Chiêng trong ngày hội

Không những vậy từ trên ngọn núi Nưa xuất hiện một dòng suối mát trong, quanh năm không bao giờ cạn chạy thẳng xuống chân núi. Du khách đến dâng hương và vãn cảnh có thể lấy nước về nhà và xem đây là nước lộc “nước thánh” để cầu một năm sung túc, may mắn.

Đến với Phủ Na, ngoài những lễ hội độc đáo, du khách còn được hoà mình vào phong cảnh hữu tình với hệ thống đền, miếu quy tụ dưới thung lũng chân núi ngàn Nưa hoang sơ, mộc mạc. Nhưng nổi bật, bao trùm lên tất cả là nghi thức thờ mẫu: Mẫu Thượng Ngàn - Bà Triệu - Công chúa Liễu Hạnh.

phu-na-3-1661741739.jpg
Người dân tập trung xin "nước thánh" tại Phủ Na

Hàng năm, lễ hội Phủ Na được tổ chức hai lần. Lần thứ nhất từ tháng giêng đến hết tháng 2 âm lịch, lần thứ hai từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 8 âm lịch tại khu vực Na Sơn động phủ, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Nô nức đi hội Phủ Na" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.