Những thầy giáo người Khơ - Me: Sống hết mình với SK Cải lương ở Tp. Cần Thơ

02/10/2015 15:31

Theo dõi trên

Họ là anh em ruột : nhà giáo - nghệ sĩ Thạch Sĩ Long, nhà giáo - nghệ sĩ Thạch Chanh ( đều hiện là giảng viên Trường NTSK TPCT) và nghệ nhân dân gian đàn ca tài tử Đào Xinh (đang công tác tại Phòng văn hóa - thông tin huyện Thới Lai-TPCT).

Nhân ngày giỗ tổ ngành sân khấu và ngày sân khấu VN (24/9) năm nay 2015, xin giới thiệu về những cống hiến mà các anh cùng đồng nghiệp đã sống và làm việc hết mình cho bộ môn nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử tại TP Cần Thơ trong thời gian qua.
 

Nhà giáo - nghệ sĩ Thạch Sĩ Long: Sinh năm 1958, hiện là giảng viên Trường VHNT TP Cần Thơ. Mê cải lương từ nhỏ, từng tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy trường NTSK2 TPHCM từ năm 1980. Quá mê theo đoàn hát, về Đoàn Cải lương tuổi trẻ (Sở Thương Nghiệp TPHCM), rồi Đoàn CL Hương Bưởi; soạn giả Hoàng Song Việt và đạo diễn Thạch Sĩ Long ngày càng có uy tín và tỏa sáng trong giới cải lương chuyên nghiệp trong toàn quốc. Về Trường VHNT TP Cần Thơ năm 1996 làm công tác giảng dạy, từ đó dến nay anh tự hào cùng đồng nghiệp đã dạy nhiều thế hệ học trò thành những nghệ sĩ trẻ tên tuổi : Ngôi sao sân khấu Võ Minh Lâm - HCV Tài năng trẻ 2014, nghệ sĩ Hồng Thủy - HCV Tài năng trẻ 2014 và 3 nghệ sĩ Hoàng Khanh, Phương Anh và Lê Duy đều đạt HCV Trần Hữu Trang. Nhân ngày giỗ tổ ngành sân khấu và ngày sân khấu VN ( 24/9) năm nay, anh vui mừng cho biết : cùng các đồng nghiệp như nghệ sĩ Thạch Chanh, nghệ nhân Đào Xinh...được Sở VHTTDL TPCT mời giảng dạy khóa học gần 2 tháng “Đưa cải lương vào sân khấu học đường” cho 60 em học sinh THCS tại các địa phương: Thới Lai, Bình Thủy, Phong Điến. Các em mê ca - diễn cải lương lắm, với các trích đoạn cải lương : Tiếng trống Mê Linh, Rạng ngọc Côn Sơn, Trần Quốc Toản ra quân. Kết thúc khóa học : trên 70% đạt khá giỏi, được lãnh đạo các ngành liên quan và địa phương động viên, khích lệ. Đây là việc làm tích cực góp phần củng cố , phát hiện để đào tạo nghệ sĩ trẻ kế thừa. Và theo anh Thạch Sĩ Long,đây cũng là mô hình cần nhân rộng ra ở TPCT và các tỉnh lân cận và cũng là món quà quý báu dâng lên ngày giỗ tổ truyền thống năm nay.
 

Nhà giáo - Nghệ sĩ Thạch Chanh (nghệ danh Phương Vũ): Trưởng khoa Sân khấu , Trường VHNT TPCT: Tốt nghiệp khoa diễn viên cải lương trường nghệ thuật sân khấu 2 từ năm 1982, 4 năm sau anh đoạt HCB ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1986 tại TPHCM với vai Trung úy Lẽn trong Vở “Pháo hiệu màu xanh” của Đoàn Văn công An Giang.Từng cộng tác qua các Đoàn CL : Sài Gòn 2,Tiếng ca Đất Mũi, Hậu Giang, Sông Trà. Rồi làm trưởng Đoàn CL Sông Hương. Được biết anh gắn bó với SKCL hơn 30 năm qua : từ đi học, làm diễn viên, hiện tại tiếp tục đứng trên bục giảng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Gia đinh anh theo SKCL ngoài anh ruột là nghệ sĩ Thạch Sĩ Long ngoài ra còn có 2 nghệ sỉ cải lương chính hiệu là Vân Phượng và Kim Phượng. Nhân ngày giỗ tổ ngành sân khấu năm nay, anh cùng đồng nghiệp và khán thính giả mộ điệu SKCL rất đổi vui mừng vì Đảng và Chính quyền cùng ban ngành các cấp liên quan tại địa phương đang đầu tư sữa chữa xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho Trường VHNT TPCT. Đặc biệt, tập thể cán bộ - diễn viên Đoàn CL Tây Đô hết sức phấn khởi vừa tiếp quản Khu làm việc và Hậu cứ mới của đơn vị hết sức rộng rãi, khang trang tọa lạc tại xã Mĩ Khánh -TPCT. Đây là niềm vui không nhỏ của những người làm nghệ thuật SKCL ở TPCT nhân ngày giỗ tổ ngành SK năm nay. Nghệ sĩ Thạch Chanh vui vẻ nói.
 

Nghệ nhân dân gian đờn ca tài tử Đào Xinh (đang công tác tại Phòng văn hóa - thông tin huyện Thới Lai-TPCT): Năm nay anh tròn 60 tuổi nhưng còn mê đờn ca tài tử lắm, hiện cư trú tại phường Châu Văn Liêm- Quận Ô Môn, đang chờ kết quả việc xét đề nghị nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú từ tháng năm vừa qua. Từ năm 11 tuổi đã lên sân khấu biểu diễn đờn ca tài tử. Sở trường tuyệt chiêu của anh là ca những bài lớn theo thể điệu Bắc. Đến nay đã đoạt 3 HCV, 3 HCB về đờn ca tài tử cấp toàn quốc; nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của TPCT và huyện; ngoài ra anh còn tham gia giảng dạy “Sân khấu học đường” tại huyện Thới Lai. Anh chân thành tâm sự nhân ngày giỗ tổ truyền thống hàng năm là dịp để anh em đồng nghiệp, khách mộ điệu nhiều thế hệ tậm tình về nghề, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo ra để hậu thế thụ hưởng. Chúng ta phải có trách nhiệm củng cố,duy trì và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống cao quý này. Nhân ngày giỗ tổ truyền thống ngành SK năm nay, xin chúc tất cả các đồng nghiệp chuyên và không chuyên, khán thính giả gần xa lời chúc tốt đẹp nhất.
 
Nguyễn Văn Bớt (Hội viên Hội SKTP Cần Thơ)

Bạn đang đọc bài viết "Những thầy giáo người Khơ - Me: Sống hết mình với SK Cải lương ở Tp. Cần Thơ" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.