Những thành tựu quan trọng trong công cuộc bảo tồn di tích Cố Đô Huế

12/06/2017 15:45

Theo dõi trên

Sau chiến tranh, việc bảo tồn các di sản, di tích văn hóa Huế gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực to lớn của Nhà nước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và đặc biệt của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công cuộc bảo tồn này đã được triển khai và đạt kết quả to lớn.

Đẩy mạnh đầu tư trong công tác bảo tồn và trùng tu các di tích, di sản    

Đầu tiên là công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Đây là một trong những hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn di sản Huế trong những năm qua, cũng là lĩnh vực được đầu tư lớn nhất về kinh phí và chất xám. Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống xuống cấp, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa v.v. nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.



Khung cảnh Đại Nội khi về đêm ở Huế.

Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, làm tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.

Tiếp đó, là công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tính từ năm 1982 đến nay, Trung tâm đã triển khai hàng chục công trình nghiên cứu khoa học về Di sản văn hóa Huế (vật thể và phi vật thể), tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, tổ chức đào tạo nhân lực...

Trong đó có những công trình đạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương. Nghiên cứu phục hồi, tái hiện một số lễ hội cung đình quan trọng của triều Nguyễn như lễ Tế Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô - Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến Sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình...

Tiếp đến là công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản. Trong những năm qua, phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ và tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm. Nổi bật như việc trồng lại vành đai xanh lăng vua Minh Mạng, tôn tạo phục hồi cảnh quan vườn Cơ Hạ, xây dựng vườn ươm tại Văn Thánh và vườn ươm tại lăng Cao Hoàng để cung cấp cây giống, hoa kiểng cho toàn bộ hệ thống di tích…




Dòng sông Hương đã được chỉnh trang và tôn tạo lại.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường Thành phố Huế đã được quan tâm, nhất là các trục đường trong Kinh Thành, đường đến một số điểm di tích. Đặc biệt là việc chỉnh trang, tôn tạo hai bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào đã phục vụ tốt đời sống dân sinh và nhu cầu chỉnh trang đô thị.

Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế

Trong những năm qua, cố đô Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, tổ chức trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Với lợi thế là cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp hàng loạt các nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia, và mới đây nhất là Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.




Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko cùng đoàn Nhật Bản đến thăm Huế.

Với các tổ chức quốc tế, Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản (Quỹ Toyota Foundation, Japan Foundation, Trường đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ… thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa.

Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (hợp tác với Đại học Waseda) đã thực hiện được hơn 20 năm qua (1994 - 2016), dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và UNESCO để thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã nhạc cung đình Huế (2005 - 2008).

Huế cũng đã có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đơn vị, bộ ngành trong nước để thực hiện các dự án quy hoạch, bảo tồn và đào tạo nhân lực; tiêu biểu như Đại học Huế, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Bảo tồn Di tích, Công ty Tu bổ Di tích Trung ương, Viện Âm nhạc Việt Nam…

Đồng thời, qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ của Di tích Huế đã được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành.

Khai thác và phát huy giá trị các di sản

Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.

Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ phí tham quan trong 10 năm (từ năm 1996 đến 2016) đã đạt hơn 1.536 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng, và hiện nay tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, ổn định. Chính nguồn thu phí này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.




Khách du lịch đến tham quan cố đô Huế ngày càng tăng.

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức hoạt động quảng bá và kích cầu du lịch, nhằm thu hút ngày càng tăng số lượng du khách đến thăm cố đô Huế, tham quan các di sản văn hóa. Từ nền tảng cơ sở hạt nhân là du lịch di sản, doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ có sự tăng trưởng với tốc độ nhanh và ổn định. Từ năm 2012 - 2016, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của Thừa Thiên Huế đã đạt mức 2.500 đến 3.200 tỷ đồng/năm, đạt tỷ trọng từ 48% - 53% GDP của toàn tỉnh.

Di sản văn hóa cũng trở thành hạt nhân cho các hoạt động và sự kiện văn hóa của vùng đất cố đô. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, cùng với Festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt, có tiếng vang và sức thu hút to lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.

Với những thành tựu to lớn đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trên, những người làm công tác bảo tồn cũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động Hạng Ba (1996), Hạng Nhì (2001) và Hạng Nhất (2006), trong nhiều năm liền đã nhận được Cờ Thi đua xuất sắc về ngành Bảo tồn Bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều tập thể và cá nhân trong Trung tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, Bằng khen của các Bộ ngành trung ương.

Hiện nay Trung tâm đang nỗ lực thực hiện đề án đổi mới mô hình đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy. Trong giai đoạn trước mắt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch đầu tư công Trung hạn (2016-2010) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 27 dự án trùng tu di tích, huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa cho công tác trùng tu bảo tồn; thực hiện thành công “Đề án nâng cao chất lượng phục vụ trong địa bàn khu di sản Huế” và “Đề án xã hội hóa hoàn toàn các hoạt động dịch vụ”; bên cạnh đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản.


Phan Thanh Hải

Nguồn: tamnhin.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Những thành tựu quan trọng trong công cuộc bảo tồn di tích Cố Đô Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.