Những tác phẩm đỉnh cao của văn học thời Lý

29/08/2019 23:37

Theo dõi trên

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vương triều Lý là một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất. Trải qua 216 năm xây dựng và phát triển của nhà Lý (từ năm 1010 đến năm 1225), nhất là những năm thuộc thế kỷ XI, công cuộc xây dựng đất nước tiến hành trên quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và của quốc gia phong kiến độc lập.

Dưới triều Lý, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác văn học, nhà Lý đã đạt được những thành tựu to lớn, với nhiều tác phẩm đỉnh cao, mà giá trị tư tưởng, đường hướng / kế sách xây dựng và phát triển đất nước, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của nó đã vượt thời gian, trường tồn cho đến tận ngày nay. 
 
 
Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý (Bắc Ninh). Nguồn: Internet

Văn học thời Lý là văn học thành văn, viết bằng chữ Hán, phương tiện sáng tác và lưu hành chủ yếu là giấy mực. Do nhiều nguyên do khác nhau, mà nguyên do chủ yếu là chiến tranh, thật đáng tiếc là di sản văn học viết thời Lý (và cả thời Trần và các triều đại phong kiến sau đó) còn lại đến ngày nay không nhiều. Trong sách “Thơ văn Lý - Trần” (Ủy ban KHXH Việt Nam – Viện Văn học – Nxb KHXH, H, 1977, Tập 1) – tập sách tập hợp hầu như tất cả di sản văn học viết thời Lý thu thập được đến năm 1977, tính từ khi nhà Lý thành lập (năm 1010) đến khi tiêu vong (năm 1225), có 67 tác giả (đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh); trong đó: 10 tác giả khuyết danh; còn 57 tác giả hữu danh, trong đó phần lớn (70%) là nhà sư. Nền văn học thời Lý đã hình thành 5 loại hình, là: thơ ca, biền văn, tản văn, tạp văn và truyện kể. Trong đó, thơ ca, cụ thể là thơ Đường luật, viết bằng chữ Hán là loại hình có nhiều tác phẩm nhất. Về tác phẩm (không tính 17 tác phẩm khuyết danh), đến nay văn học thành văn thời Lý chỉ còn 109 tác phẩm; trong đó, chiếm phần nhiều là tác phẩm thơ Đường luật. Cụ thể, 39 nhà thơ – thiền sư trong tổng số 57 tác giả hữu danh, hiện còn lại 70 tác phẩm văn học viết; trong đó: văn (bài văn ngắn và bi ký) có 11 bài; kệ có 25 bài; thơ có 34 bài.

Nghiên cứu kĩ toàn bộ di sản văn học thành văn thời Lý, mặc dù số lượng tác phẩm còn lại không nhiều so với thời gian tồn tại khá dài của vương triều (216 năm, là một trong hai triều đại tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam), và các tác phẩm lại viết bằng chữ ngoại lai – chữ Hán, hầu hết người đọc phải tiếp cận tác phẩm thông qua các bản dịch, nhưng tôi thấy, nền văn học ấy, ở cả hai loại hình thơ và văn đã có nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao cả về nội dung và nghệ thuật xây dựng tác phẩm.

1. Những tác phẩm đỉnh cao ở thể loại thơ ca (thơ Đường luật) 

1.1. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” (Núi sông nước Nam)

Tác giả bài thơ Đường luật này là Lý Thường Kiệt (1019-1105). Tên thật của ông là Ngô Tuấn, tên tự là Thường Kiệt, vốn dòng dõi họ Ngô, là cháu sáu đời của Ngô Quyền, có công trạng lớn với 3 triều vua nhà Lý (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông) được ban Quốc tính (họ vua – họ Lý), lấy tự làm tên - Lý Thường Kiệt.  Bài “Nam quốc sơn hà” được Lý Thường Kiệt làm khi ông chỉ huy quân và dân Đại Việt quyết chiến trên phòng tuyến chiến lược sông Như Nguyệt, ngăn không cho quân xâm lược nhà Tống tiến vào Thăng Long.  Bài thơ vang đúng lúc trên khắp mặt trận, đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần quân sĩ hăng hái chống giặc, góp phần  không nhỏ vào việc đánh bại quân Tống trận Như Nguyệt: 
 
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
 
Dịch nghĩa:
 
“Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành trên sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược  kia dám tới xâm phạm ?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong”.
Dịch thơ (Lê Thước – Nam Trân):
“Núi sông Nam Việt vua Nam ở,
Vằng vặc sách Trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao (xâm) phạm đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ / sẽ bị đánh tan tành !”
 
Bài thơ tuy ngắn, gọn, chỉ có 4 câu, nhưng đã đánh trúng và đánh thẳng vào tư tưởng độc tôn, bành trướng, ngạo mạn vốn đã trở thành thâm căn cố đế trong đầu óc các vị vua Phương Bắc; làm toát lên khí phách, tư thế  hiên ngang và quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta. Trong bài thơ, Lý Thường Kiệt đã nhân danh cả dân tộc ta, tuyên bố với các thế lực Phương Bắc (và cả thế giới) rằng dân tộc ta đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định nền Độc lập thiêng liêng và quyền bình đẳng của dân tộc. Đồng thời, ông cũng phát đi một cảnh báo với quân xâm lược phương Bắc, cả dân tộc Việt Nam sẽ quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược: “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” ! Bài thơ đã được ghi vào lịch sử như Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta sau  hơn một nghìn năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ. Bản Tuyên ngôn độc lập đó không phát ra  sau khi giành được độc lập, mà sau khi dân tộc ta đã lớn mạnh, đã vượt qua nhiều thử thách và đã xây dựng được cho mình một đất nước đàng hoàng với cuộc sống độc lập và tư thế hiên ngang. Cùng với tư tưởng chiến lược “tiên phát chế nhân” chủ động tiến công “ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của chúng”, đặt nền tảng để xây dựng nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam; Cùng với  những chiến công hiển hách trong đánh Tống, bình Chiêm, bài “thơ thần” “Nam quốc sơn hà” đã đưa Lý Thường Kiệt trở thành nhà tư tưởng, nhà chính trị kiệt xuất - bậc Hiền tài Văn - Võ toàn tài của dân tộc. Lịch sử đã suy tôn ông là Anh hùng dân tộc kiệt xuất, Danh tướng nổi tiếng thế giới. 
 
1.2. Bài thơ “Thị đệ tử” (Bảo với đồ đệ)
 
Bài thơ Đường luật này là của Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018). Ông chính là người đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế,  khai mở triều đại nhà Lý. Nếu như trước đó, Thiền sư Vạn Hạnh dùng thể thơ sấm – thể thơ dùng tín ngưỡng để vận động cho Lý Công Uẩn lên ngôi một cách ngấm ngầm, thì bài thơ “Thị đệ tử” đã thể hiện tài năng thơ ca-chính trị thực sự của Quốc sư Vạn Hạnh.  Với bài thơ này, ông là người khai mở nền văn học viết thời Lý. Đúng như cái cách ông – một Thiền sư đã thông đạt cả Tam giáo dấn thân vào đời sống đương thời, suy nghĩ và hành động / nhập thế, nhúng tay trực tiếp để xoay vần thế cuộc khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, trong bài thơ này ông thể hiện quan niệm nhân sinh tích cực, lạc quan trước cuộc sống, tinh thần nhập thế của thi sĩ – thiền sư. Trong quan niệm của nhiều tôn giáo / nhiều người, chết (tử) thật đáng sợ, là một nỗi lo. Nhưng với Thiền sư Vạn Hạnh, đời người ngắn ngủi, như “bóng chớp” là Có mà cũng là Không. Vì thế, không được sợ hãi, hãy hành động. Trước khi nhập tịch, ông bảo học trò: 
 
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Thảo mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
 
Dịch thơ (Ngô Tất Tố):
 
“Thân như bóng chớp Có rồi Không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.
 
Về bài thơ "Thị đệ tử" của thiền sư Vạn Hạnh, Giáo sư Đinh Gia Khánh cho rằng bài thơ đã thể hiện tư tưởng triết học Phật giáo Thiền tông. Mọi vật, mọi việc luôn luôn biến động, vô thường. Con người cũng không thoát khỏi lẽ vô thường ấy được. Vì không hiểu rằng vô thường, biến động là sự tất yếu của pháp tướng mà lại muốn có sự vĩnh hằng, ổn định cho nên mới đau khổ, sợ hãi. Bậc tu hành đã đạt tới trình độ "nhậm vận" thì có thể hòa đồng nội tâm và ngoại giới, vượt lên trên giữa cái ta và cái không phải là ta. Và như thế là không lo ngại trước sự thay đổi, không sợ sự biến động, vô thường nữa. "Nhậm vận" như thế là biết trở về với tự tính, an nhiên nằm trong sự vận động của bản thể, một sự vận động vĩnh cửu, vô thủy vô chung, trong đó đời người chỉ đáng coi là một ánh chớp rất ngắn ngủi, trong đó sự thịnh hay sự suy cũng mong manh và nhỏ nhoi như giọt sương bám ở đầu ngọn cỏ kia. Và theo giáo lý Thiền Tông thì thân xác của con người cũng chỉ là pháp tướng, là một dạng thức tồn tại của bản thể; thân xác ấy có chết đi thì chẳng qua cũng chỉ là kết thúc một dạng thức tồn tại mà thôi, chứ bản thể có mất đi đâu mà lo sợ, buồn thương. Tư tưởng triết học Phật giáo Thiền tông đã nhuần thấm ở Thiền sư Vạn Hạnh là như vậy và có ảnh hưởng sâu sắc trong Phật giáo cũng như xã hội đương thời. Không chỉ trong những lúc xã hội kỳ loạn lạc cuối thế kỷ X, lời dạy của nhà tu hành đã gây được nhiều tiếng vang. Khá nhiều nhà sư thời Lý là những người Hành động – những người Sẵn sàng giúp vua cứu dân – là quan niệm sống của khá nhiều nhà sư thời kỳ này. Thái độ Tích cực trước cuộc sống như vậy chính là tư tưởng của Phật giáo thời Lý – Trần. Tinh thần tích cực nhập thế là một truyền thống lớn của Phật giáo ở nước ta. Quan điểm triết học của thiền sư Vạn Hạnh và cách hành xử của ông đối với chính trị, xã hội thời Tiền Lê và đầu nhà Lý cho thấy rõ tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần ấy, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
1.3.  Bài thơ “Đáp nhân tri túc chi vấn” (Trả lời người hỏi về hai chữ “Tri túc”)
 
Tác giả bài thơ này là nhà sư Nguyễn Trí Bảo (?-1190). Ông là em ruột của thân mẫu Thái úy Tô Hiến Thành. Ông là một nhà lý luận xuất sắc của đạo Thiền, “nói ngang nói dọc như lửa tóe trong đá”. Tác phẩm còn lại của ông chỉ là một đoạn trả lời người hỏi về hai chữ “tri túc” (“Đáp nhân tri túc chi văn”) có kèm theo một bài kệ. Khi được hỏi thế nào là “tri túc”, sư Trí Bảo trả lời: “Xét lẽ thì người xuất gia cũng như kẻ tại gia (đều phải) dừng lại ở chỗ “tri túc”. Nếu đã biết thế nào là “tri túc” thì bên ngoài không xâm phạm đến người, mà bên trong không hại đến mình. Dù nhỏ mọn như ngọn cỏ thôi mà người không cho, thì mình cũng không nên lấy. Huống chi vật khác là thuộc người khác (sở hữu), nếu ta tơ tưởng tới nó thì rốt cuộc không từ đó mà sinh lòng trộm cắp hay sao? Cho đến vợ con của người, nếu ta tơ tưởng tới họ thì chẳng cũng từ đó mà sinh lòng tà dâm hay sao? Ai nấy hãy nghe bài kệ của ta:
 
“Bồ Tát đối với tiền của phải biết dừng, biết đủ,
Trong quan hệ với người thì nhân từ tha thứ, không sinh lòng tranh đoạt.
Một ngọn cỏ mà người không cho, ta cũng chẳng lấy,
Không màng của người, đức sáng như ngọc.
Bồ Tát đối với thê thiếp cũng phải biết dừng, biết đủ, sao lại sinh lòng thèm muốn vợ người khác?
Vợ của người thì người đùm bọc,
Nỡ nào mình lại nẩy tà tâm !”
 
Hai chữ “tri túc” bắt nguồn từ câu nói của Lão Tử: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất dãi” (nghĩa là: Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết dừng lại (đúng lúc) thì không nguy). Người “tri túc” là người biết “đủ”, biết “dừng lại” đúng lúc. Ngược lại, người không biết “tri túc” là người không biết thế nào là đủ, không biết khi nào phải dừng, lòng tham không đáy. Đồng quan điểm với nhà sư Trí Bảo, nhà sư Trí Thiền (?-?) đã dạy bảo Thái úy Tô Hiến Thành và Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa phải “Đuổi ngoài nghìn dặm niềm tham muốn”. Điều này được ông để lại trong bài thơ “Thị Thái úy Tô Hiến Thành, Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa” (Bảo Thái úy Tô Hiến Thành và Thái Bảo Ngô Hòa Nghĩa):
 
Dịch nghĩa: 
 
“Đã ấp ủ trong lòng ý muốn thoát ra ngoài cõi tục,
Nên khi nghe lời huyền diệu là chân thành tin theo.
Hãy trừ bỏ và đuổi sự tham muốn ra ngoài nghìn dặm,
Hàng ngày chứa chất trong lòng cái lẽ nhiệm mầu (chỉ cái Tâm bản thể rất vi diệu)”
 
Dịch thơ (Ngô Tất Tố):
 
“Như muốn lìa xa cõi bụi hồng,
Vẳng nghe lời diệu, hãy vui lòng.
Đuổi ngoài nghìn dặm niềm tham muốn,
Để lẽ huyền vi chứa trong lòng.”
 
Biết cái tài và hiểu rõ cái tâm trong sáng, không tham của nhà sư Trí Thiền, các vua Lý Anh Tông (1138-1175) và Lý Cao Tông (1176-1210) đã nhiều lần vời ông ra làm quan. Nhưng nhà sư Trí Thiền đều từ chối. Ông còn được nhiều vị quan to trong triều vì nể. Thái úy Tô Hiến Thành và Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa từng xem mình là học trò của ông. 
 
1.4. Bài kệ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng theo bước Như Lai) 
 
Bài kệ này là của Thiền sư Nguyễn Quảng Nghiêm (1122-1191), được ông làm lúc sắp thị tịch:
 
“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu sung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.”
 
Dịch nghĩa:
 
“Thoát ly được (lòng ham muốn đi vào) Niết bàn mới có thể bàn tới chuyện đi vào Niết bàn,
Sau khi sinh vào cõi vô sinh mới nên nói vô sinh.
Nam nhi tự mình có cái chí tung trời,
Đừng đi theo bước của Như Lai”

Dịch thơ (Nguyễn Đức Vân – Đào Phương Bình):

“Thoát tịch diệt xong, (hãy) bàn tịch diệt,
Sau vô sinh, (rồi) hãy nói vô sinh.
Làm trai lập chí xông trời thẳm,
Theo gót Như Lai luống nhọc mình.”
 
Có thể thấy, ngay từ tiêu đề bài thơ, nhà thơ – thiền sư đã khuyên (đệ tử) “Đừng theo bước Như Lai”, và kêu gọi “Làm trai lập chí xông trời thẳm”. Có được nhận thức ấy, chứng tỏ, tác giả đã thấu triệt vấn đề Sống – Chết (Liễu sinh tử). Ông hoàn toàn liễu ngộ, không còn phân biệt Sống - Chết như hai danh từ trừu tượng Có - Không nữa. Đừng quan tâm, đừng nói quá nhiều về Sống – Chết, hay run sợ trước cái chết, mà hãy hành động (hãy làm đi, hãy xông lên phía trước), phải phấn đấu, nỗ lực để giải thoát khỏi cái bể khổ âu lo về Sinh – Tử một cách rất tích cực. Nghĩa là phải bắt đầu phấn đấu từ cái vị trí cảnh ngộ hiện tại trở đi, nhẫn nại, can đảm, âm thầm, chớ nên mơ màng hướng theo chỗ Như Lai đi mà đi. Đó là lối sống tích cực mà nhà sư muốn truyền lại cho hiện tại và hậu thế.
 
1.5. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người)
 
Tác giả bài thơ trên là Đại sư Mãn Giác (1052- 1096). Không giống như nhiều người đứng trước sự vần xoáy của vũ trụ “Xuân qua, hoa rụng”, “sớm nở tối tàn” thường cho là tang thương, cám cảnh, u buồn nghĩ về cảnh già, về cái chết, Đại sư Mãn Giác lại nhìn cảnh ấy với một thái độ tích cực, niềm lạc quan, yêu đời: 
 
“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết 
Đêm qua, sân trước, một cành mai”. 
 
Khi có bệnh gần chết, ông đã truyền tinh thần ấy cho hậu thế qua bài kệ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người):
 
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
 
Dịch nghĩa:
 
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân về (đến / tới) trăm hoa tươi (lại nở).
Sự đời (như) dòng nước chảy (vật / việc đời đuổi nhau qua trước mắt),
Cái / Tuổi già đầu tóc phai / hiện đến / sùng sục tới từ / trên đầu
Đừng cho rằng (chớ bảo) xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.”
 
Dịch thơ (Ngô Tất Tố ):
 
“Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.”
 
Qua bài thơ trên có thể thấy, khi đã có một tâm hồn vui Đạo, luôn luôn cảm thông với nguồn sống thiên nhiên / siêu nhiên tràn ngập trong không gian và thời gian thì làm gì còn lo nghĩ đến Sống - Chết, quá khứ và vị lai, bất cứ lúc nào cũng hiện tại, mà chỉ có hiện tại thôi, vì là hiện diện của Đạo thì một khoảnh khắc cũng là cả một vĩnh cửu vô thủy vô chung rồi vậy. Cho nên bảo biết sống lúc đang sống là đầy đủ không phải lo nghĩ đến cái đã qua cũng như cái gì sắp tới. Đấy là sống với đức tin, tin tưởng vào nguồn sống trường cửu đại đồng, sống nhậm vận, nội giới với ngoại giới đồng điệu, con người sống hòa hợp với thiên nhiên, cho nên tự tin và lạc quan “lạc thiên tri mệnh” vui với thiên nhiên và biết mệnh vận. Trong di sản thơ Đường luật, một tác giả cùng thời với Đại sư Mãn Giác (1052- 1096), chỉ sinh trước Mãn Giác 6 năm, mất sau Mãn Giác 4 năm, là Thiền sư Chân Không (1046-1100), cũng có một bài kệ trong đó có 2 câu cũng mang hơi hướng như 2 câu cuối của Đại sư Mãn Giác. Khi có học trò hỏi: “Khi sắc thân đã bại hoại thì ra sao?”, Thiền sư Chân Không đã đáp: “Xuân qua lại ngỡ xuân tàn / Hoa dù rụng nở vẫn hoàn tiết xuân”.
 
Thiền sư Chân Không cũng nổi tiếng với bài thơ “Cảm hỏi” thể hiện quan điểm “vô vi”: “Vui nhất vô vi, ai cũng hiểu / Vô vi, nhà ở chính nơi này”. Vô vi là quan điểm của Lão Tử, sống thuận theo lẽ tự nhiên, không gò bó, trói buộc, làm mất bản chất của mình.
 
2. Những tác phẩm đỉnh cao thuộc thể loại văn
 
Như đã đề cập đến ở trên, trong di sản văn học viết thời Lý, tác phẩm thuộc loại hình văn / mảng văn (biền văn, tản văn, tạp văn và truyện kể) còn lại không nhiều. Song, trong số tác phẩm văn còn lại ấy, ta vẫn nhận thấy có một tác phẩm, thực ra chỉ là một đoạn văn ngắn, nhưng theo tôi nó đã đạt đến đỉnh cao về tư tưởng chính trị, con đường xây dựng và phát triển đất nước gửi gắm trong bài văn đó. 
 
Xưa nay, khi đánh giá về mảng văn thời Lý, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều tới tác phẩm “Thiên đô chiếu” (Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn. Vào năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm đầu (1010), Lý Thái Tổ cho Kinh đô cũ của nhà Đinh, Tiền Lê ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) là nơi “ẩm thấp chật hẹp”, ông tự tay viết “Chiếu dời đô”. Dịch nghĩa: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh 5 lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng 3 lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời?

Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi Trung tâm, mưu toàn nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh.  Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đô. Huống gì thành Đại La, Kinh đô cũ của Cao Vương (Cao Biền): ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”
 
Từ khi ra đời đến nay, quanh tác phẩm này, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khen (trong khen có chê) – chê (trước khi chê có khen) khác nhau. Tôi đồng ý với những ý kiến “chê”, đúng ra là phê phán tác giả “Thiên đô chiếu” nhiều nhất: 
 
Thứ nhất, Chiếu dời đô chưa nêu bật được tinh thần tự hào dân tộc. Cụ thể, bài văn  không đề cập đến truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc mà các triều vua Đinh, vua Lê trước đó đã gây dựng. Bản chiếu cũng không nêu vai trò của kinh đô Hoa Lư, nơi Lý Công Uẩn ngồi ngai vàng, lên ngôi Hoàng đế một cách quá dễ dàng, nghiễm nhiên thừa hưởng Kinh đô nhà Tiền Lê với “…nhiều cung điện lộng lẫy, trong đó có những cung điện cột dát vàng, dát bạc, mái lợp bằng ngói bạc”. Đáng nói hơn, trong bản chiếu, Lý Công Uẩn đã không hề lấy những tấm gương sáng “Con Hồng cháu Lạc” đã đấu tranh dựng nền độc lập, tự xây dựng nên Kinh đô của mình, mà lại lấy việc làm / cách làm (dời đô) của các triều đại cường quyền đế quốc phương Bắc làm tấm gương. Lý Công Uẩn cho rằng phải dời đô, trước hết là bởi… bên Tầu họ làm thế: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh 5 lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng 3 lần dời đô” để noi theo. Tư tưởng này còn được bản chiếu lập lại lần nữa, khi cho rằng dời đô đến Đại La vì…đó là nơi Cao Biền - kẻ xâm lược/đô hộ nước ta …đã chọn (thì là đúng): “Huống gì thành Đại La, Kinh đô cũ của Cao Vương (Cao Biền)”.
 
Thứ hai, với việc Lý Công Uẩn phê phán sai khi cho rằng vua Đinh, vua Lê - những vị vua anh hùng dân tộc đã mang lại nền độc lập cho dân tộc để chính Lý Công Uẩn thừa hưởng - định đô ở Hoa Lư, và  “không chịu dời đô là tự theo ý riêng mình, vì vậy mà vận mệnh ngắn ngủi”, là đi ngược lại với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong khi vua Đinh, vua Lê, trước đó là Vua Hùng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền đã tự xây dựng Kinh đô của nước mình (Phong Châu, Cổ Loa, Mê Linh) của riêng mình mà không theo một hình mẫu nào của Trung Quốc, thể hiện tài năng và khát vọng độc lập, ý chí tự cường, cố gắng (bằng việc làm) để không lệ thuộc vào Trưng Quốc, không bị “Hán hóa” không hề được Lý Công Uẩn nhắc đến, đề cao và lấy đó làm tấm gương để xây dựng nền độc lập, đưa đất nước phát triển. Ngược lại ta thấy, Lý Công Uẩn chỉ chê trách (hoàn toàn sai), cho các vua Đinh, vua Lê thiển cận.
 
Ngoài những ý kiến trên, tôi xin góp thêm 2 ý kiến “chê” Thiên đô chiếu nữa của Lý Công Uẩn. 
 
- Ý kiến thứ nhất: Lý Công Uẩn cho rằng chọn Đại La để đóng đô là bởi nơi đây là “ở vào nơi trung tâm trời đất”, theo tôi cái nhìn địa lý ấy chỉ đúng vào thời điểm năm 1010 và một khoảng thời gian không nhiều sau thời khắc lịch sử đó. Địa giới thời Lý, trên thực tế lúc Lý Công Uẩn làm Thiên đô chiếu, Đại La- Thăng Long, đúng là ở trung tâm của Đại Việt, bởi biên giới Đại Việt với Chiêm Thành ở phía Nam đang là Đèo Ngang (Quảng Bình hiện nay). Sau này, cương vực đất nước theo thời gian càng mở rộng không ngừng về phía Nam, để rồi định hình chữ S như hiện nay, với bờ biển dài hơn 3200km thì về địa lý, Thăng Long, với cái nhìn địa lý học đâu còn là trung tâm đất nước nữa. Rõ ràng chọn Đại La-Thăng Long để định đô của Lý Công Uẩn năm 1010 là chưa có Tầm Nhìn “cho con cháu muôn đời”.
 
- Ý kiến thứ hai: Trong bài chiếu Lý Công Uẩn cho rằng vùng đất Đại La - Thăng Long “đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt”, chính là “thắng địa” để định đô, theo tôi là thiếu hiểu biết về địa chất và tình hình lũ lụt ở vùng đất này. Thủa đó, theo tôi, đây vẫn là vùng cửa biển, đất bồi phù sa, là mồi ngon cho Thủy tề. Lý Công Uẩn (và những quân sư / nhiều khả năng là Thiền sư Vạn Hạnh) đã không biết (hay cố tình không biết) Cao Biền khi xây thành Đại La đã khó khăn, vất vả thế nào, khi thành cứ xây ban ngày, đến đêm thành lại bị san bằng. Thời đó (có thể trong đó có cả Lý Công Uẩn) người ta cho rằng do Thần / Linh khí thần Long Đỗ của nước Nam ghét Cao Biền chiếm đất nên Thần phá. Ngày nay, đọc lại truyện cũ nhuốm mầu huyền thoại đó, ta biết ngay việc xây thành Đại La không phải do thần linh/ người / đặc công hủy phá mà, do thủy triều. Bởi biển gần lắm, trên Phố Hiến (Hưng Yên) ngày nay. Và, vùng đất Cao Biền xây thành Đại La lúc đó mới chỉ là bãi nổi giữa sông Hồng gần cửa biển mà thôi. Trên thực tế, sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, Nhà Lý đã phải rất tốn công của để đắp đê bảo vệ kinh thành khỏi nạn hồng thủy (mà dấu tích những con đê ấy chính là La Thành hiện nay).  Trong lịch sử 1.000 năm, Thăng Long - Hà Nội đã hứng chịu hàng nghìn trận lụt lớn, nhất là thời Lý, Trần. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm 1078 nước tràn vào đến cửa Đại Hưng (tương ứng khu vực Cửa Nam hiện nay), năm 1128 kinh thành bị lụt lớn, năm 1243 kinh thành bị ngập nhiều chỗ, năm 1248 nước sông Hồng lên to, đê vỡ làm kinh  thành bị lụt, năm  1265 nước ngập phường Cơ Xá (tương ứng với khu vực ngoài đê từ Phú Thượng xuống cảng Hà Nội hiện nay) tràn vào trong thành, năm 1270 nước to đi lại trong thành phải dùng thuyền...”. Nguyên nhân gây ra lụt lội ở Thăng Long thời Lý, Trần cũng như thời kỳ sau, chủ yếu là do vỡ đê, vì đê thời kỳ này thấp, lại được đắp theo kiểu tam giác nên không chống chọi được với sức rất lớn của nước sông Tô Lịch và sông Hồng mỗi khi nước biển dâng. 
 
Không biết có phải cho rằng Đại La – Thăng Long không phải là nơi “thắng địa” để định đô hay không mà, ngay thời Trần, nhà Trần đã phải 3 lần đưa vua và triều đình rút khỏi Thăng Long về Thiên Trường – Hoa Lư khi quân xâm lược nhà Nguyên kéo vào. Tiếp đến, nhà Hồ cho dời đô về Thanh Hóa (thành Nhà Hồ); tiếp đó, Quang Trung-Nguyễn Huệ sau khi đại phá quân Thanh năm 1789, giải phóng Kinh thành Thăng Long, đã có kế hoạch dời đô về Nghệ An (Phượng Hoàng Trung đô); Tiếp đến, Nhà Nguyễn đã đưa Kinh đô về Phú Xuân – Huế, để vương triều này tồn tại đến 143 năm.  Và, cho đến nay, hàng năm, cứ mùa mưa đến, là Hà Nội lại vẫn oằn mình chống lụt, lội. Người Hà Nội vẫn đêm nằm nghe “tiếng sông Hồng thở than”.
 
Nếu cần phải chỉ ra một tác phẩm văn viết trong kho tàng di sản văn học thời Lý đạt đến đỉnh cao, thực sự là “Quốc bảo” để xây dựng đất nước hiện nay và mai sau, theo tôi đó là tác phẩm “Thiên hạ hưng vong trị loạn chi nguyên luận” (Bàn về nguồn gốc của hưng vong, trị loạn của thiên hạ) của Quốc sư Viên Thông (1080-1151). Vào năm thứ 3, niên hiệu Thiên Thuận (1131), vua Lý Thần Tông triệu Thiền sư Viên Thông vào điện Sùng Khai, hỏi về lý do hưng - vong của một triều đại và kế sách trị loạn, ổn định chính trị - xã hội, ông đã trình bày quan điểm của mình, như sau: “…Cái nguyên lý trị loạn là ở các quan, dùng được người hiền thì trị an, dùng phải người không đúng chỗ thì nguy loạn…Đế vương đời trước, chưa từng chẳng vì dùng quân tử mà được thịnh trị, vì dùng tiểu nhân mà bị nguy vong vậy. Xét lý do sở dĩ như thế, không phải tại ngay trước mắt một sớm một chiều đâu, do lai phải đã từ lâu ngấm ngầm như vậy. Trời Đất không thể thình lình nóng lạnh, ắt dần dần từ tiết mùa xuân sang tiết mùa thu. Nhân quần không thể chợt làm cho hưng vong, ắt cũng phải dần dần cải ác vi thiện. Các Thánh vương đời xưa biết thế nên lấy Trời làm mực thước chăm lo tu sửa đức mình không ngừng, khuôn theo cái đức của Đất không ngừng, để sửa mình yêu người. Sửa mình là thận trọng bên trong, run sợ như dẫm trên băng mỏng. Yêu người là kính cẩn với người dưới, nơm nớp như cầm roi mục giong cương ngựa. Nếu được như thế thì không đâu không thịnh vượng, trái lại thì không đâu không loạn vong. Ấy là cái lý ngấm ngầm thịnh suy ở đấy”. 
 
Qua lời tấu trên ta có thể hiểu là triết lý chính trị / cũng là kế sách của Viên Thông đã thấm nhuần chính sách vương đạo truyền thống của Nho học là “nhân trị” - lấy Đức mà trị người của Khổng Tử: “Chính trị là làm cho ngay chính. Mình lấy điều ngay thẳng để hướng dẫn, thì còn ai dám không ngay chính”. Chính vì thế, những lời tấu của Đại sư Viên Thông rất được ý vua. Sau lời tấu ấy, Đại sư Viên Thông đã được nhà vua cất nhắc lên chức “Hữu Nha Tăng Thống Tri giáo môn công sự”. Tư tưởng trong “Thiên hạ hưng vong trị loạn chi nguyên luận” của Thiền sư Viên Thông còn nguyên giá trị trong công tác cán bộ, chọn người giữ trọng trách công việc của Đảng, của chính quyền và công tác chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.
 
Lời tạm đóng
 
1. Có thể khẳng định những tư tưởng chính trị, tư tưởng về quốc gia độc lập, chủ quyền, dân tộc bình đẳng, ý nghĩa nhân văn cao đẹp, những lời răn rạy về phương châm sống ở đời và làm người, về tu dưỡng đạo đức của những người giữ trọng trách trong xã hội cũng như người dân bình thường thể hiện trong những tác phẩm văn học đỉnh cao thời Lý vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay. 
 
Ấy là niềm tự hào, kiêu hãnh của một Quốc gia Đại Việt độc lập, có chủ quyền và khí phách kiên cường của người Việt Nam quyết chiến đấu để bảo vệ, giữ gìn nền độc lập, chủ quyền quốc gia đó trong bản hùng ca “Nam quốc sơn hà”. Kế thừa và nâng cao tư tưởng của Bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất đó, hơn 300 năm sau, người Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã viết “Cáo Bình Ngô” - Bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc:
 
“Như nước Đại Việt ta
Thật lả một nước Văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền Độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên xưng đế mỗi phương
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu”…
 
Trải qua hơn 940 năm, Bản Tuyên ngộc Độc lập – Bản Hùng ca “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vẫn như một mệnh lệnh, một lời hiệu triệu, như có cả non sông đất nước và sức mạnh của chính nghĩa thôi thúc quân và dân ta quyết đánh và quyết thắng mọi kẻ thù để bảo vệ nền Độc lập, Tự do của dân tộc ta. Trước tình hình Trung Quốc không từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông, đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính, xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế, cản trở việc khai thác dầu khí của ta, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải giữ vững khối đoàn kết, tỉnh táo, nhất quyết không khuất phục trước cường quyền, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bản hùng ca “Nam quốc sơn hà” cần được vang lên mạnh mẽ hơn nữa trên mọi miền đất nước, ở Trường Sa, Hoàng Sa.
 
Ấy là mỗi người cần phải xây dựng cho mình một lối sống tích cực, nhập thế, đừng bận tâm quá về Sinh – Lão – Bệnh – Tử, luôn giữ tinh thần lạc quan, dù cho cuộc đời thế nào, thế giới biến đổi ra sao. Trên đời này không có phép mầu nào mà chỉ có làm việc và làm việc mới đưa con người ta tới hạnh phúc / Niết bàn. 

Ấy là cần tỉnh táo trước bả vinh hoa, trước những “viên đạn bọc đường”, kiên quyết loại bỏ lòng tham đi (“Đuổi ngoài nghìn dặm niềm tham muốn”) không lấy, không nhận bất cứ cái gì không thuộc về mình. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết dừng lại (đúng lúc) thì không nguy.

Ấy là phương châm chủ yếu / cái nguyên lý quan trọng nhất / kế sách tối ưu nhất trong xây dựng và bảo vệ đất nước bền vững, lâu dài là phải biết dùng Người. Tư tưởng của Thiền sư Viên Thông trong “Thiên hạ hưng vong trị loạn chi nguyên luận” còn nguyên giá trị trong công tác cán bộ, chọn người giữ trọng trách công việc của Đảng, của chính quyền và công tác chống tham nhũng hiện nay ở nước ta. Đó là: Dùng được người hiền (quân tử) thì trị an, dùng phải người không đúng chỗ (tiểu nhân, kẻ tham lam) thì nguy loạn. Người cán bộ - công bộc của dân phải không ngừng chăm lo tu rèn đạo đức, biết giữ mình và biết sửa mình.

Tôi đồng tình với quan điểm rằng, giá trị cốt lõi và trên hết / trước hết của văn chương là phải Tải Đạo! Đạo làm Người và ở Đời. Đạo xây dựng đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân! Văn học thời Lý - thông qua một số tác phẩm đỉnh cao, đã Tải được những Đạo ấy. Chính bởi vậy, sau chặng đường dài 10 thế kỷ, và… mãi dài lâu sau nữa, văn học thời Lý sẽ vẫn còn nguyên Giá trị!
 
-----------------------------
* Bài viết sử dụng tư liệu trong sách “Thơ văn Lý – Trần”, Tập 1, Ủy ban KHXH Việt Nam – Viện Văn học – Nxb KHXH, H, 1977, sẽ tham luận tại Hội thảo “Vị trí thơ Đường luật Việt Nam thời Lý” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc – Hội Thơ Đường luật Việt Nam tổ chức tại Bắc Ninh vào cuối tháng 9 năm 2019.
 
TS. Nguyễn Minh San

Bạn đang đọc bài viết "Những tác phẩm đỉnh cao của văn học thời Lý " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.