Những phong tục truyền thống ngày Tết ở Việt Nam

31/12/2016 10:02

Theo dõi trên

Người Việt là một trong những dân tộc ở Đông Nam Á giữ được rất nhiều phong tục, nét văn hóa cổ truyền đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán.

Trang trí, sửa soạn nhà cửa ngày Tết

Với quan niệm “Tống cựu nghênh tân”, người Việt ta có thói quen dọn dẹp sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, hoặc đồ cũ không dùng tới, để dành chỗ đón cái mới, quần áo mới, vật dụng mới… Trong nhà đặt các lọ hoa với đủ màu sắc tươi mới như cúc vàng, hoa đào, hoa mai… hoặc những cây quất với những trái quất vàng ươm làm rực một góc không gian.



 
Ảnh: travel.com.vn

Chơi hoa

 
Thú vui chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống trong Tết cổ truyền - Ảnh: 2ngaydep.com
 
Mỗi dịp xuân về, chúng ta đều đón Tết vào đầu năm mới âm lịch. Không khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết.

Không phải ai cũng làm công việc này vì tính chuyên nghiệp trồng hoa cảnh rất cao, tuy nhiên, chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất có ở Việt Nam.

Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa. Nhưng đáng tiếc có một số loài hoa quý như thủy tiên, hoa quỳnh, thường được giới thượng lưu ngày xưa xếp vào loại hoa đón Tết cao cấp, xem hoa nở để đoán vận may, thì đến nay hầu như không còn mấy ai biết đến trong ngày Tết. Thời gian thay đổi thì các thú vui ngày Tết cũng có những đổi thay, song truyền thống hoa Tết đại chúng ở Việt Nam ngày nay còn có thêm nhiều loại như hoa lan, hoa cúc, hoa tulíp… được phát triển từ trong nước và du nhập từ nước ngoài vào.

Tục cúng ông Táo

Tục cúng Ông Táo Thường lệ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, từ thành thị đến thôn quê, khắp nơi trong nước ta dân chúng làm lễ tiễn đưa Ông Táo. Người xưa cho rằng ngày ấy vua Bếp lên chầu Trời để tâu việc làm ăn, cư xử của gia đình trong năm. Qua đó nói lên tình cảm và lý trí của nhân dân ta đối với công việc bếp núc, nhằm đánh giá cao việc chăm sóc dinh dưỡng của đời sống con người và đánh giá lại việc ăn ở của mình trước khi bước sang năm mới.

Gói bánh chưng và bánh tét:




Ảnh: travel.com.vn


Gói bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp. Ngày nay việc gói bánh chưng bánh tét trong những ngày tết vẫn là một phong tục vô cùng đẹp của dân tộc Việt Nam ta.

Lễ cúng Tổ tiên

Là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết.

Tục xông đất đầu năm

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm, người khách đầu tiên đến thăm gia chủ trong năm mới là người “xông đất”, là sứ giả do sự may mắn đưa đến. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới.

Do đó, mọi người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng hơn cả. Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong ngày Nguyên Đán để long trọng mang lại giúp họ sự tốt lành suốt năm mới.

Chúc Tết và lì xì

Sáng mồng một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người thêm một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).

Đi lễ đầu năm



Ảnh: travel.com.vn

Dịp Tết là dịp để mọi người cùng nhau đi trẩy hội, đi lễ đầu xuân để cầu mong cho cả gia đình năm mới được mạnh khỏe, bình an, công việc suôn sẻ, may mắn, phát đạt và tràn đầy hạnh phúc. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam.

Khi những phong tục tập quán truyền thống phần nào đã thay đổi, mai một đi ít nhiều do cuộc sống hiện đại hối hả “cuốn” chúng ta đi thì chỉ có những dịp Tết đến xuân về, chúng ta mới có cơ hội duy trì những phong tục đẹp từ xa xưa. Hãy dành chút thời gian để dọn nhà cửa, sắm Tết, đi chợ hoa hay tảo mộ cùng gia đình, bạn sẽ cảm nhận được không khi Tết không phải đến từ không gian bên ngoài, mà từ trong mỗi chúng ta.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Những phong tục truyền thống ngày Tết ở Việt Nam " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.