Những khám phá bất ngờ về "đệ nhất danh trà"... Tân Cương

10/03/2016 16:43

Theo dõi trên

Tân Cương là một trong những địa danh trà nổi tiếng nhất Việt Nam. Nhưng trà Tân Cương có từ bao giờ? Ông tổ trà Tân Cương là ai? Những yếu tố nào đã tạo cho trà Tân Cương hương vị đặc biệt đến độ được người đời tôn vinh là "đệ nhất danh trà"?. Thực tế, đã rất nhiều người lầm tưởng trà Tân Cương là của Trung Quốc và ông tổ trà Tân Cương là người Trung Quốc.

“Nhấp một lần thôi nhớ cả đời
Uống chè như uống giọt trăng rơi
Chạm môi chút đã thành thương nhớ
Thoáng chút hương đưa đến bồi hồi”

Như một nàng công chúa kiều diễm tài sắc vẹn toàn, Tân Cương từ bao đời nay đã trở nên nức tiếng khắp mọi miền, làm mê đắm bao trà nhân trọn một đời yêu, say cái tinh tuý, thơm tho của hương trà đất Việt. Cái sắc màu sóng sánh vàng ong, cái hương cốm ngạt ngào như chõ sôi nếp cái hoa vàng, và nhất là cái hậu vị ngọt bền như tấm tình nồng hậu, đằm thắm của con người Tân Cương khiến bất cứ ai, dù chỉ một lần chạm môi cũng “phải lòng” mê mẩn.
 


Tác giả trên cánh đồng chè Tân Cương

Kỳ 1: Đi tìm dấu tích... "ông tổ" trà Tân Cương

Trong túi hành trang về với đất Tân Cương, cùng với lỉnh kỉnh những vật dụng máy ảnh, máy ghi âm, bộ đồ trà độc ẩm..., chúng tôi còn mang theo nhiều câu chuyện đượm chất huyền thoại mà trong những dịp “chén tạc chén thù”, các bậc trà nhân đất Hà thành đã say sưa kể. Nào là Tân Cương đã có lịch sử hơn ba trăm năm tuổi. Người Trung Hoa đã có công đem cây trà từ địa danh Tân Cương tận xứ Tàu xa tít đến trồng ở đây nên mới đặt tên là Tân Cương. Nào là hương vị của thứ trà đặc sản “độc nhất vô nhị” trên cõi thế này thì miễn chê. Nhấp một ngụm trà, đi xa vạn dặm vẫn thấy hương cốm vấn vít, cổ họng ngọt lịm như đường phèn... Gặp cụ Cường, 81 tuổi, người được xem là “cuốn biên niên sử” của làng, tôi mới dặt dè đem những chuyện đó ra kể. Ai ngờ, vừa dứt lời, cụ Cường đã trừng mắt quát: “Láo! Láo quá! Ai dám bảo anh là đất Tân Cương chúng tôi đã có vài trăm năm? Ai dám bảo ông tổ trà Tân Cương là người Trung Quốc?” Rồi như không ghìm được cơn tức giận đang cuồn cuộn trong lồng ngực, cụ phăm phăm nói, mắt sáng quắc: “Xưa kia, Tân Cương là một vùng rừng núi hoang vu. Năm 1919, sau khi đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, một số binh lính Việt Nam được tuyển mộ sang Pháp mãn hạn trở về, được nhà nước bảo hộ Pháp cho phép lên Tân Cương lập đồn điền khai khẩn đất hoang. Năm 1921, vùng Tân Cương đã có vài chục nóc nhà, trong đó có những ông đồ như cụ đồ Hai, cụ đồ Nhĩ... Là những nhà nho nên các cụ được ông Nghè Tuân là Tuần Phủ, người đứng đầu một tỉnh, kết bạn. Do không muốn bị phụ thuộc và cũng do khoảng cách khá xa với các xã lân cận nên dân Tân Cương xin với ông Nghè cho lập ra một xã riêng. Ông Nghè chuẩn y, cho tiến hành các thủ tục thành lập xã mới, lấy tên là Tân Cương. Sau khi xã được thành lập, ngày 10 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1922) nhân dân Tân Cương mời cụ Nghè Sổ về cắm hướng đình và đình được chính thức khởi công xây dựng, hơn một năm thì xong. Để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ, dân Tân Cương đã suy tôn ông Nghè Sổ làm thành hoàng làng và thờ sống. Ngày khánh thành đình, cụ Nghè không về được nhưng cho lính khiêng bức hoành phi câu đối về tặng. Tấm hoành phi được viết bằng chữ Nôm, đặt giữa đình có ba chữ “Đại thắng lợi” và đôi câu đối: “Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thuở. Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên”.

Ngày ấy, Tân Cương đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp, đêm đêm nghe tiếng nai tác, hổ gầm. Chuyện cọp về làng bắt trâu, lợn xảy ra như cơm bữa. Dân khai phá nương rẫy, gieo trồng lúa khoai, cực nhọc trăm bề mà đói vẫn hoàn đói. Lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn sắn khoai. Thấy vậy, ông Nghè Sổ mới bàn với dân Tân Cương đem giống chè về trồng để có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, cụ Đội Năm là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương cùng một số trai tráng đã lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè. Ngày lại ngày, năm lại năm, Tân Cương chẳng mấy chốc đã choàng lên mình màu xanh mướt của các nương chè. Năm 1925, cụ Đội Năm dựng xưởng chế biến chè, mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên, rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc 3 kỳ trong nước. Chè của cụ nổi tiếng đến mức năm 1935, mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội, đoạt giải nhất. Các thương gia ấn Độ hàng năm đều nhập của cụ hàng chục tấn trà. Chính vì công lao to lớn của cụ mà dân làng Tân Cương mới suy tôn cụ Đội Năm là ông tổ trà”.

Ra thế! Vậy mà bấy lâu nay, người đời vẫn cứ truyền tai nhau về một ông tổ trà nào đó xa lắc bên Trung Hoa. Âu cũng là vì tấm tình yêu mến dành cho trà Tân Cương mà sinh giai thoại.

Để hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của “ông tổ nghề” Tân Cương, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Thuận ở xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên – hậu duệ của cụ Đội Năm. Một căn nhà nhỏ nằm đơn sơ bên những nương chè xanh ngắt. ở gian giữa, trên ban thờ, là bức ảnh cụ Đội Năm. Bên ấm trà Tân Cương hương ngát, ông Thuận bồi hồi kể về người cha yêu kính bằng một chất giọng đầm ấm. Cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên – một chiếc nôi nức tiếng về nghề mộc. Thuở nhỏ, cụ đã phải làm ăn kiếm sống tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ, cụ bị thực dân Pháp bắt đi lính, làm khuôn đúc các chi tiết máy bay. Do giỏi nghề nên được làm đội trưởng. (Do vậy dân Tân Cương gọi cụ là Đội Năm). Mãn hạn về nước, cụ cùng 11 người khác được chính quyền bảo hộ Pháp cho lên vùng Tân Cương khai khẩn đất đai, thành lập làng Tân Cương để sản xuất nông nghiệp. Vì có uy tín nên cụ đã được dân cử làm Tiên chỉ của làng Tân Cương thời đó.

Cụ là người đầu tiên đưa giống chè Phú Thọ về trồng và phát triển lên thành nghề sản xuất, chế biến. Xưởng của cụ lúc nào cũng có đến 4 – 5 chục nhân công thu hái, sao chế. Chè gói Tân Cương nhãn hiệu Con Hạc ngon nổi tiếng, bay ra cả thị trường nước ngoài. Cùng với vịêc khai khẩn đất đai phát triển nông nghiệp mà chủ yếu là trồng chè, cụ đã lập trường mời thầy dạy học cho con em nhân dân trong xã. Cụ có đầu óc tổ chức sản xuất và áp dụng cách làm nông nghiệp kiểu trang trại. Dân làng Tân Cương thời đó có biếu cụ một bức hoành và đôi câu đối viết bằng chữ Hán: “Quân tử Vũ bản”. “Di dân bất di phong di dân bất dị - Đồng tâm khai hoá khánh tương lai. Tụ nghĩa hà nan hướng tụ nghĩa hà nan – Nhất trí quán thâu minh thế viễn”.

Vốn là người giàu lòng yêu nước, sớm ý thức được con đường cách mạng nên ngay từ những ngày đầu năm 1944, gia đình cụ đã trở thành cơ sở tin cậy của tổ chức Đảng vùng Tân Cương, Bình Định. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, cán bộ xứ uỷ Bắc Kỳ phụ trách hoạt động và tuyên truyền khu vực Bá Vân, Tân Cương huyện Đồng Hỷ đã ở nhà cụ, được cụ nuôi dưỡng, bảo vệ, đưa đón... Căn gác tầng hai chính là nơi bà Tâm ăn nghỉ, hội họp kín, cất dấu tài liệu bí mật của Đảng. Nhà cụ Đội Năm còn là nơi gặp mặt, móc nối liên lạc của những người cộng sản bị giam cầm tại căng Bá Vân như ông Trần Huy Liệu, ông Hoàng Kiên (tức Lê Đình Mô, sau cách mạng là con rể cụ), ông Nguyễn Thế Dĩ sau này là cục trưởng cục đường sông... Trước khi cách mạng thành công, cụ Đội Năm bị cảm đột ngột, mất vào ngày 21 tháng 3 năm ất Dậu (1945).

Kỳ 2: Nghệ thuật sao tẩm tạo nên hương vị “độc nhất vô nhị” trên cõi thế
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Những khám phá bất ngờ về "đệ nhất danh trà"... Tân Cương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.