Những kẻ sống bám vào người già - Kỳ 2

14/12/2015 21:51

Theo dõi trên

Từ những cuộc trò chuyện cũng như qua nhiều ngày quan sát chúng tôi lần theo lối đi của những kẻ chăn dắt và những người ăn xin tìm đến nơi ở của họ để tiếp cận những kẻ chăn dắt.



Cụ L tìm kiếm xe ôm

Qua những cuộc trò chuyện với người ăn xin, chúng tôi nhận thấy những kẻ chăn dắt ngày càng tinh vi hơn. Người già và trẻ em được thuê về để chăn dắt núp dưới hình thức là đón cha mẹ già ở quê vào chăm sóc, con cái trong gia đình hoặc người ở ghép để qua mặt những người xung quanh.

Theo chân bà L, chúng tôi tìm về căn nhà tại P.Tam Hiệp, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai là nơi ở của con gái, vợ chồng cháu gái bà L. Con gái bà L là chị Lan đón chúng tôi và trò chuyện cởi mở, chị dặn chúng tôi nếu nói chuyện với bà L cứ bảo là người trên phường đến nói chuyện, nếu bà cứ đi ăn xin nữa thì cô ấy sẽ bắt bà đi chỗ khác ở và không cho ở cùng con gái nữa.

Theo chị Lan kể lại thì chị là con gái út của bà L, chị đi lấy chồng có được 2 người con nhưng chồng chị không may qua đời sớm nên chị sống chung cùng vợ chồng con gái và đón mẹ từ Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai để chăm sóc vì bà L thích ở với chị Lan. Chị Lan cho biết lâu lâu bà L thường mang bị cói đòi đi ăn xin, nhiều lần chị năn nỉ xin bà L đừng đi nhưng chị cứ bận việc trong bếp là bà L lại mở cửa trốn nhà ra thuê xe ôm để đi ăn xin, khi thấy cửa mở mới biết mẹ đã trốn đi.
 
Chị Lan còn nói thêm chuyện bà L từng bị bắt đưa về phường vì không có giấy tờ tùy thân làm con cái đổ xô đi kiếm vì lo mẹ xảy ra chuyện chẳng lành. Theo lời chị Lan thì bà L đi ăn xin nhưng lại không mang tiền về mà hầu hết bị lừa lấy mất hoặc làm rơi và có khi bỏ quên, lâu lâu cũng được tiền mang về nhưng chị Lan chưa bao giờ đụng vào tiền bà L xin được. Khi được hỏi lâu lâu có người phụ nữ chở bà L đi bắt xe ôm thì chị Lan kể lại bà L muốn đi xin nhưng sợ không cho nên cứ đòi về quê hoặc đi nhà con khác ở liền bắt cháu gái chở đi bắt xe nhưng ai ngờ bà lại đi ăn xin tiếp. Chị Lan cũng tỏ vẻ ái ngại khi mẹ mình đi ăn xin còn bà L lại cho rằng mình đi xin để có tiền mua thuốc uống vì không muốn dựa dẫm vào con cái.

Tương tự chúng tôi quan sát tại nhà ông Chung (chừng 52 tuổi), bà Phương (48 tuổi), người chủ của ông T và bà T ngụ Triệu Sơn, Thanh Hóa hiện đang sống tại P.Tân Biên, Tp.Biên Hòa. Hàng ngày khoảng 4h45p sáng, ông T sẽ đi bộ ra trước đứng cách nhà chừng 400 mét đợi ông Chung dùng xe gắn máy (Wave đỏ) chở bà T đi sau. Khi ra tới chỗ ông T đứng, Chung dừng lại đón ông T cùng đi. Hai người Chung và Phương thuê nhận nhiệm vụ đứng ở cây xăng Tân Phong và cây xăng Tân Hiệp và xoay vòng thay phiên nhau theo ngày. Đến Tân Phong Chung sẽ thả bà T xuống cách cây xăng chừng 100m để bà T tự đi bộ lại cây xăng sau đó lại tiếp tục chở ông T thả cách cây xăng Tân Hiệp chừng 200m để khỏi bị nghi ngờ. Trưa khoảng 11h ông Chung lại chạy xe ra ngay cổng trường ĐH Đồng Nai cách chỗ ông T đứng xin 1km để ông T có thêm thời gian xin ở đoạn đường từ cây xăng đến trường ĐH kiếm thêm. Sau khi đón ông T, Chung lại cho xe chạy đi đón bà T tại cây xăng Tân Phong sau đó chở về nhà ăn uống và nghỉ ngơi. 14h tất cả lại tiếp tục cuộc hành trình để thực hiện công việc và cho đến 22h30p, Chung lại mới tiếp tục ra đón ông T và bà T trở về nhà.

Tiếp cận nhà Chung vào một buổi chiều, theo quan sát thì gia đình Chung có khá đông thành viên. Phương vợ Chung chẳng ngần ngại cho tôi biết gia đình bà quê Thanh Hóa do cuộc sống khó khăn nên vào Đồng Nai lập nghiệp. Hiện vợ chồng bà sống cùng 3 con trai, 2 con dâu, 2 cháu nội và cha mẹ ruột đã già. Bà Phương cho biết hiện tại con trai và dâu đều đã đi làm, cha mẹ già đã đến nhà bà con cách đó không xa để chơi còn ông bà Phương có con làm nên chỉ ở nhà chăm cháu, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập chứ không làm gì thêm.
 
Tiếp xúc với hàng xóm của Phương, chúng tôi nhận thấy gia đình Phương che giấu khá kín thân phận của ông T và bà T người mà vợ chồng Chung Phương thuê về đi ăn xin. Chị H cùng quê với Chung, Phương cho biết gia đình Phương sống khá thân thiết với mọi người. Phương tuy có chồng nhưng vẫn đón cha mẹ ruột đã già từ quê vào chăm sóc. Chị H và những người hàng xóm ca ngợi vợ chồng Phương hết lời vì sự hiếu thuận với cha mẹ và không ai ngờ rằng ông bà già sống trong nhà Phương lại chính là công cụ kiếm tiền của vợ chồng Phương.

Theo chiếc xe buýt chở ông già mù, bà già, ông gù cùng cậu bé chừng 14 tuổi, chúng tôi tìm về căn nhà trọ (gần kề đường Phát Triển thuộc P.Tân Biên, Tp.Biên Hòa) nơi mà những con người này đang sống với kẻ chăn dắt. Mới đầu tiếp xúc qua khe cửa nhận thấy một cụ ông gù đang nằm trong góc nhà tôi mới lân la hỏi chuyện, mới đầu người đàn ông có vẻ dè chừng nên cho biết mình tên Mập, “cứ gọi Mập cho thân thiện”. Mập cho biết mình đang sống cùng cha già và đã ly hôn vợ nên bôn ba vào Đồng Nai kiếm sống rồi đón cha già vào. Tôi khen ngợi Mập hết lời vì là đàn ông mà chăm sóc cha già thì rất tuyệt vời.

Sau một hồi trò chuyện Mập không còn vẻ cảnh giác nữa mà bắt đầu mở lòng cho tôi biết mình tên Thành (SN 1970 ngụ Quảng Xương, Thanh Hóa), đời Thành khổ đi khắp đất nước nhưng lại chọn nơi này dừng chân. Thành đến Đồng Nai cách đây đã 10 năm và hành nghề xe ôm, mỗi ngày Thành kiếm được chừng 500 – 1 triệu đồng vì Thành nói Thành sống lâu trong nghề nên có mối còn nếu chạy bình thường thì chẳng có tiền sống.
 
Thành cho biết lúc đầu Thành nói dối chứ thật ra Thành đang sống với 4 người nữa, đều là dân tứ xứ. Thành thương nên cho họ về ở cùng để chia tiền phòng. Thành thuê hai phòng sát, có cửa thông từ 1 sang 2 cho thuận tiện, phòng 1 thuê để xe, chỗ ăn cơm, bếp nấu, phòng 2 để ngủ và sinh hoạt. Mỗi tháng những người ở chung sẽ đóng cho Thành 200 tiền phòng và mỗi ngày 40 ngàn tiền cơm ăn. Khi tôi hỏi về ông gù thì Thành cho biết ông gù cũng như những người khác đều làm nghề bán vé số, ông gù kiêm luôn nhiệm vụ nấu ăn cho mọi người nên 2 – 3 ngày ông gù mới hành nghề 1 lần và có thể kiếm được 300 – 400 ngàn vì có nhiều người thương vừa mua vé số vừa cho ông gù tiền.
 
Theo lời Thành nói thì do Thành thương người nên cho mọi người về sống cùng mình mà không tính toán gì, cảnh nghèo giúp đỡ nhau chứ không có vụ lợi trong đó. Nhưng tìm hiểu sự thật mới thấy rằng Thành thật sự là 1 tên chăn dắt có kinh nghiệm trong nghề. Mỗi sáng Thành thường chở những người sống trong căn nhà trọ của Thành đến điểm làm việc sau đó Thành trở về nhà đi chợ, trưa thì những người Thành thuê đi xin phải tự đi xe buýt về, ăn uống nghỉ ngơi xong lại phải tự đi xe buýt. Riêng chiều sẽ không về mà tự ăn uống và 23h, Thành sẽ đến các địa điểm đón “quân” trở về nhà.

Hiện nay có nhiều kẻ sống bám vào mồ hôi, nước mắt của những người già, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin cũng như sự đói khổ của những người ở quê rồi về thuê họ mang vào các tỉnh miền Nam để làm ăn. Nhưng đến xứ người những cụ già mới vỡ lẽ mình bị thuê đi ăn xin nhưng khi nhận ra đã quá muộn vì chủ ép đi ăn xin, nơi đất khách quê người không hiểu pháp luật. không biết nương tựa vào ai, chỉ chờ đợi dịp Tết để được trở về quê hương. Ngẫm thấy những kẻ thanh niên trai tráng có sức khỏe lại sống bám vào người già thật là đáng lên án trong xã hội hiện nay. Nhưng càng ngày chúng càng tinh vi, nhiều chiêu trò và khó bị phát hiện.

Kỳ tới: Giải cứu hai cụ già bị ép đi ăn xin
 
Mỹ Yên Nghệ

Bạn đang đọc bài viết "Những kẻ sống bám vào người già - Kỳ 2" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.