Những huyền thoại ly kỳ về di tích "Cốt cậu Bảy" (Kỳ cuối)

05/11/2021 08:59

Theo dõi trên

Một dòng giai thoại khác thì cho rằng, vào thời Pháp chiếm Nam kỳ Lục tỉnh, Cậu Bảy chính là Cử Đa - một võ quan triều Nguyễn được cử xuôi Nam mang chiếu Cần Vương qui tựu nghĩa quân kháng chiến chống Pháp, gây dựng lại cơ đồ nhà Nguyễn.

dscf0298-1636023859.JPG
Một góc quần thể kiến trúc chùa Thái Sơn

Vua Gia Long tiếp tục bôn đào xuôi Nam. Trước khi rời đi, vua Gia Long giao cho Lê Sĩ Triệt nhiệm vụ nhang khói cho Thiên Hương đồng thời chiêu binh chờ vua phục quốc. Khi vua Gia Long vừa rời khỏi, quân Tây Sơn tràn lên núi. Lê Sĩ Triệt lánh sang núi Yên Ngựa tìm đến ngọn núi cao nhất ẩn thân âm thầm tuyển mộ binh lính rèn luyện đao kiếm. Để che dấu tông tích, Lê Sĩ Triệt tự xưng là Cậu Bảy.

Để qua mắt Tây Sơn và thu hút quần chúng, Lê Sĩ Triệt dùng tâm linh chiêu mộ đệ tử dạy phép thuật. Dần dà, ông cũng chiêu mộ được một đội quân khá hùng hậu, hàng đêm thao diễn rầm rộ. Nhằm tránh sự dòm ngó của người ngoài cuộc, ông cho thuộc hạ phao vu những tin đồn huyền bí.

Từ những tin đồn huyền bí, nhiều dòng giai thoại xuất hiện trong dân gian. Trong đó có chuyện, Bà (Lý Thị Thiên Hương) và Cậu (Lê Sĩ Triệt) thường xuyên đấu phép cùng nhau. Cậu hóa phép cho núi Yên Ngựa ngày càng cao lên. Bà dùng phép biến hóa thành hàng ngàn con gà sang núi Yên Ngựa bới dinh trại chỉ huy của Cậu. Hai người bay qua lại giữa núi Bà, núi Cậu để đánh phép thuật. Từ những trận tỉ thí thư hùng của hai người đã tạo nên những dấu tích kỳ bí vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay. Đó là vùng núi Cậu, có rất nhiều tảng đá có lằn ngang dọc như gà bới. Rải rác trên các tảng đá núi Bà lẫn núi Cậu vẫn còn những dấu chân khổng lồ của 2 người. Ở núi Bà có 2 dấu châu khổng lồ, 1 dấu nằm trên tảng đá gần điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, 1 dấu nằm trên tảng đá phía mạn Bắc núi.

Ở cụm núi Cậu có ít nhất 7 dấu chân "tiên" nằm rải rác. 2 dấu nằm ở phía suối Trúc (còn gọi là hồ Than Thở Dầu Tiếng), 2 dấu nằm gần miếu Cậu và 3 dấu nằm dưới mạn sườn núi Ông Cậu. Những người dân địa phương khẳng định, còn rất nhiều dấu chân "tiên" bị lá mục che khuất.

Một dòng giai thoại khác thì cho rằng, vào thời Pháp chiếm Nam kỳ Lục tỉnh, Cậu Bảy chính là Cử Đa - một võ quan triều Nguyễn được cử xuôi Nam mang chiếu Cần Vương qui tựu nghĩa quân kháng chiến chống Pháp, gây dựng lại cơ đồ nhà Nguyễn. Ông đã cùng lãnh tụ Trần Văn Thành lập mật khu kháng chiến Láng Linh - Bảy Thưa. Sau khi căn cứ kháng chiến Láng linh - Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành tử nạn, Cử Đa di chuyển khắp vùng rừng núi phía Nam dùng tâm linh tiếp tục tuyển mộ nghĩa quân. Cử Đa đã để lại dấu tích khắp vùng núi Tà Lơn, Thất Sơn, núi Bà Đen và  núi Cậu.

dscf0291-1636023918.JPG
Dấu chân khổng lồ trên phiến đá sau chùa Thái Sơn.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954. Núi Cậu là căn cứ hoạt động cách mạng. Nơi đây được gọi là "Định Thành căn cứ" để phân biệt Định Thành tạm chiếm lúc bấy giờ.

Giai đoạn này có một luồng giai thoại khác xuất hiện. Giai thoại này cho rằng, chính lực lượng cách mạng kháng chiến vùng Dương Minh Châu đã tạo nên những truyền thuyết kỳ bí để tạo khu vực cấm, nhằm giữ bí mật trạm giao liên trên núi Ông Cậu. "Cậu Bảy" là mật danh của một cán bộ giao liên ẩn dưới áo "ẩn sĩ luyện phép tiên". Đến giai đoạn chống Mỹ, vào tháng 5 năm 1951, thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Phân liên khu Miền Đông, vùng cao su gồm 22 làng nhập lại thành huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Huyện Ủy Dương Minh Châu chỉ định cấp ủy, chi bộ thị trấn Dầu Tiếng gồm 5 đồng chí, đồng chí Trần Văn Lắc phụ trách khu vực ấp 4 Bàu Sình lên đóng quân trên Núi Cậu.

Lực lượng cách mạng nơi đây đã được Hồ Chủ Tịch đã khen tặng trong thư chúc tết năm 1966:

“… Mừng miền Nam rực rỡ chiến công

Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng…”

Trong giai đoạn này, khu kháng chiến này thành lập 8 đội công an lấy Núi Cậu làm mật cứ. 8 đội này có mật danh là các “C”, về sau đổi thành các B gồm 3 đơn vị: B21, B26, B28. Đồng chí Trần Văn Lắc làm thủ từ ngôi miếu thờ Cậu để qua mắt mật thám đối phương.

Sau khi nhiều đời thủ từ, một người có mật danh là “thầy Sáu” tiếp tục đến đây "tu luyện" để đảm nhiệm vai trò giao liên. Thầy Sáu chính là hòa thượng Thích Đạt Phẩm, thế danh là Đinh Văn Trên.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hòa thượng Thích Đạt Phẩm đã tôn tạo, xây dựng miếu Cậu Bảy. Ông còn xây dựng dưới chân núi Ông Cậu một quần thể kiến trúc chùa Thái Sơn thành điểm hành hương thu hút rất đông khách du lịch tâm linh.

tuong-bo-tat-dia-tang-tren-nui-osore-nhat-ban-jizo-osorezan-jpatokal-1636024131.jpg
Tượng Bồ Tát địa tạng trên núi Osore Nhật Bản Jizo - Osorezan - jpatokal

Quần thể kiến trúc chùa Thái Sơn ngày nay có tổng diện tích hơn 5 hecta nằm trên mạn sườn núi, gồm các hạng mục như: Cổng Tam Quan; Ngôi Đại Tháp cao 36m có 9 tầng; Tượng quan Thế âm cao 12m; Chánh điện; Điện ngọc… cũng được xây đựng theo lối kiến trúc cổ lầu.

Trên mái ngôi miếu thờ Cậu có ghi danh hiệu của Cậu Bảy là Tán Dương. Căn cứ vào các tài liệu tín ngưỡng phương Đông, không có vị Phật, vị thánh nào mang hiệu Tán Dương. Có lẽ do cách nói sai chính tả của người miền Nam, người ta đã nhầm lẫn giữa hiệu Tán Dương và Táng Vương.

Theo truyền thuyết phương Đông, Táng Vương chính là Táng Vương Bồ Tát, tức Địa tạng Vương Bồ Tát. Vị này có nuôi 1 con thần thú tên là Đế Thính. Đế Thính có hình dáng con hổ hung tợn nhưng tâm tính là con ngựa hiền lành. Đế Thính có khả năng "nghe thấy" được mọi diễn biến trên mặt đất, dưới lòng đất 50 dặm. Hiện nay, nơi trước cửa miếu Cậu Bảy vẫn còn tượng 1 ông hổ trong tư thế mọp người lắng nghe. Có thể, ngày xưa, người tạo nên hình ảnh Cậu Bảy đã tự xưng mình là Táng Vương để có lý do truyền đạt thông tin tình báo quân sự của địch quân cho lực lượng kháng chiến?

Cậu Bảy núi Cậu không thể là linh thần Hoàng Bảy. Bởi vì ngày giỗ linh thần Hoàng Bảy là 17 tháng 7 âm lịch. Còn giỗ Cậu Bảy núi Cậu là mùng 7 tháng 5 âm lịch.

Ngày giỗ, các tín đồ tổ chức cúng linh đình, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về núi Cậu lễ bái. Trong số đó đó hàng trăm pháp sư trong nước lẫn ngoài nước đến xin Cậu chứng quả đắc đạo, thăng cấp. Rất nhiều nghệ sỹ cải lương tên tuổi cũng như các nghệ nhân "bóng rỗi" cũng đến ca hát ngợi ca công đức tâm linh của Cậu. Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn mang tính tự phát chứ chưa được lễ hội hóa một cách bài bản.

hinh-ve-dia-tang-bo-tat-o-goryeo-han-quoc-vao-cuoi-the-ki-14-14c-1636024028.jpg
Hình về địa tạng Bồ Tát ở Goryeo Hàn Quốc vào cuối thế kỷ 14

Dù giai thoại hay truyền thuyết mang tính tâm linh huyền bí, xét về khía cạnh lịch sử, Cậu Bảy đáng được nghiên cứu về truyền thống cách mạng một cách nghiêm túc.

Xét về khía cạnh văn hóa, di tích Cậu Bảy cần được nhìn nhận như 1 địa chỉ du lịch tâm linh chính thống. Danh hiệu Cậu Bảy đã gắn liền với địa danh cụm núi, bỏ rơi di tích này chìm vào quá khứ là hoang phí một mảng lớn văn hóa tín ngưỡng của địa phương./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Những huyền thoại ly kỳ về di tích "Cốt cậu Bảy" (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.