Những hành trình di sản tháng Ba

21/02/2017 15:42

Theo dõi trên

Kết nối du lịch cà phê với các chương trình tham quan thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, những tour “Hành trình di sản” đang được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nỗ lực xây dựng với mong muốn mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách trong nước và quốc tế về một vùng đất xanh, giàu bản sắc...

Với “Nồng nàn Đắk Lắk tháng Ba”, “Ban Mê – Lễ hội Cà phê”, “Hành trình khám phá Buôn Ma Thuột và không gian văn hóa cồng chiêng”, “Buôn Ma Thuột – Cao nguyên vẫy gọi”..., các chương trình Coffee tour của các đơn vị: Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Viettravel, Lữ hành Phạm Gia, Bazan Xanh, Simexco Đắk Lắk, Long Phú tourisrt, Trung tâm lữ hành quốc tế Đam San... hứa hẹn mang nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Thời gian mỗi tour từ 1 ngày 1 đêm đến 4 ngày 3 đêm, bắt đầu từ ngày 10-3 đến ngày 13-3, giá dao động khoảng 1,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng. Các chương trình tour sẽ giúp du khách khám phá gần như toàn bộ những điểm đến, khu du lịch hấp dẫn của Đắk Lắk như: Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, Làng cà phê Trung Nguyên, Bảo tàng tỉnh, Đình Lạc Giao, Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên... (TP. Buôn Ma Thuột); Cầu treo, Nhà sàn cổ, mộ vua săn voi Khunjunop... (Buôn Đôn); thác Dray Nur (Krông Ana); Nhà máy chế biến Cà phê Ngon (Cư Kuin); Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi (Krông Pắc); Hồ Lắk với Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc truyền thống...



Cưỡi voi vượt sông, một sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.

Đơn cử như tour 4 ngày 3 đêm của Trung tâm Lữ hành quốc tế Đam San, một trong những tour giúp du khách có thể khám phá gần như hầu hết các điểm du lịch của Đắk Lắk. Ngày thứ nhất (10-3), buổi sáng tham quan khám phá không gian Tây Nguyên tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam cùng với hoạt động tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; buổi chiều, tham quan thác Dray Nur, một trong những ngọn thác hùng vĩ của Tây Nguyên; buổi tối về lại Buôn Ma Thuột cùng hòa mình vào không gian lễ hội, tham dự Lễ Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 tại Quảng trường 10-3. Ngày thứ 2, du khách sẽ đi tham quan khám phá những nét đặc trưng của thủ phủ cà phê Việt Nam, với điểm dừng chân đầu tiên là Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nghe giới thiệu về lịch sử phát triển của ngành cà phê cũng như tận mắt chứng kiến quy trình trồng, chăm sóc chế biến cà phê và các nông sản đặc trưng của Đắk Lắk, Tây Nguyên.

Sau đó, tiếp tục đến tham quan nhà máy chế biến sản xuất cà phê nhân xuất khẩu tiêu chuẩn quốc tế của Công ty TNHH Dakman Việt Nam và ghé showroom cà phê An Thái để thưởng thức, khám phá nét văn hóa đặc trưng Cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều cách chế biến đặc sắc hấp dẫn. Buổi chiều, khởi hành đi Buôn Đôn, tham quan buôn Trí, một làng đảo trên cao nguyên, đi cầu treo làm bằng tre vắt qua những cây si cổ thụ trên dòng Sêrêpôk hùng vĩ; ngắm kiến trúc nhà cổ của người Lào, tìm hiểu bản sắc văn hóa nhà mồ của người M’nông, huyền thoại Vua săn voi Khunjunop nức tiếng một thời, sau đó quay về Buôn Ma Thuột, khám phá những giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. Ngày thứ 3 là ngày trải nghiệm nét đẹp hoang sơ của Hồ Lắk, cũng là nơi diễn ra hội đua voi, thuyền độc mộc truyền thống. Ngày cuối cùng của tour, tham quan phố núi, thưởng thức cà phê, trong đó có nhiều quán cà phê miễn phí phục vụ du khách trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội...

Sự chú trọng trong nâng cao chất lượng tour tuyến, dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, những “Hành trình di sản” hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm về giá trị văn hóa, lịch sử liên quan mật thiết đến cà phê và cồng chiêng cũng như được hòa mình vào không khí tưng bừng của Lễ hội.

Bên cạnh Coffee tour, với giá khoảng 500.000 đồng/khách, những City tour gói gọn trong 1 ngày tạo thêm lựa chọn cho những ai có nhu cầu khám phá về giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc bản địa, cũng như hòa mình vào đêm hội diễn tấu cồng chiêng ở Buôn Ma Thuột. Những điểm đến được kết nối trong tour gồm: Làng cà phê Trung Nguyên – thế giới cà phê thu nhỏ với những nét độc đáo, đặc trưng riêng biệt của vùng Tây Nguyên; Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên; Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam - nơi diễn ra cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; Buôn Akô Dhông – buôn trong phố với những nét đặc trưng về văn hóa nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê; Đình Lạc Giao – ngôi đình đầu tiên của người Việt ở Buôn Ma Thuột; Nhà Đày Buôn Ma Thuột; Bảo tàng tỉnh; tham quan Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; trang trại cà phê Chồn của Công ty TNHH MTV Kiên Cường...




Diễn tấu cồng chiêng, một trong những nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn khách du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tour du lịch “Hành trình di sản” được xây dựng một cách bài bản, quy mô trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 sẽ góp phần đưa du lịch cà phê trở thành một lợi thế cạnh tranh và tạo sức hút nội tại mạnh mẽ để phát triển du lịch của địa phương.        

     Lê Hương

Nguồn: Đắk Lắk Online
Bạn đang đọc bài viết "Những hành trình di sản tháng Ba" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.