Những giá trị đặt biệt ở di tích danh thắng Nhẫm Dương-Hải Dương

29/07/2015 09:34

Theo dõi trên

Là một danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử văn hóa, tôn giáo, nhân chủng học và điểm du lịch hấp dẫn…vậy mà, di tích cấp quốc gia Nhẫm Dương (Duy Tân-Kinh Môn-Hải Dương) dường như bị bỏ quên!

 
Cảnh quan quần thể Di tích danh thắng Nhẫm Dương

Thế “rồng uốn voi phục”

Theo cổ truyền, Nhẫm Dương xưa có tên là Trũng Nhẫm, Thung Nhẫm - một vùng đất trũng và đẹp bởi những núi đá, núi đất chạy dài theo thế rồng uốn voi phục. Nhẫm Dương thuộc địa phận huyện Kinh Môn - Hải Dương, với nhiều hang động được hình thành do sự biến đổi của tự nhiên từ hàng triệu năm trước.

Tại quần thể di tích còn có ngôi chùa, tên chữ là Thánh Quang tự, được khởi dựng từ thời Trần. Đến thế kỷ XVII, chùa là nơi tu hành của Thủy tổ Thiền phái Tào Động-Việt Nam.

Hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên ở đây hùng vĩ, là những kiệt tác hiếm có của Hải Dương và cả nước. Khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2003.

 

 
Các di vật phát hiện tại các hang động ở Nhẫm Dương

Di tích khảo cổ học quan trọng!

Dãy núi Nhẫm Dương với một hệ thống gồm 26 hang động lớn nhỏ đang ẩn chứa những điều bất ngờ, thú vị. Bất ngờ bởi những hóa thạch phát hiện được đã minh chứng rằng, dãy núi này có thể là nơi tụ cư của người Việt thời tiền sử.

Trong đó có hang Thánh Hóa và hang Tối là quan trọng nhất.

Hang (động) Thánh Hóa nằm ở chân núi sau chùa Nhẫm Dương. Trong những năm 1996 - 1997, trong hang tìm thấy nhiều tượng Phật chất liệu đá. Đặc biệt, từ năm 1999 đến năm 2001, Sư thầy Thích Diệu Mơ-trụ trì chùa và nhân dân đã phát hiện nhiều vật lạ, đã gom lại và báo cho cơ quan chuyên môn. Bảo tàng Hải Dương đã tới và có những nhận định: trong hang có chứa nhiều di vật cổ. Năm 2000 và 2001, Bảo tàng Hải Dương phối hợp với Viện Khảo cổ, Viện Nghiên cứu địa chất, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Lân Cường - Nhà nhân chủng học... đã tiến hành thám sát, điền dã, nghiên cứu và kết luận: Hang Thánh Hóa là di tích khảo cổ học quan trọng. Tại đây, đã tìm được di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím...và  đặc biệt có khá nhiều răng Pôngô (tên loài vượn người sống cách đây trên 1 vạn năm), cả dấu tích của quá trình biển tiến, cùng nhiều xương hóa thạch còn trên vách đá. Theo giám định cho thấy, những hóa thạch và di vật đó cách ngày nay từ 5 vạn đến 3 vạn năm…

Tại hang Tối, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như: rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Hang Tối có khả năng là di chỉ có niên đại thuộc hậu kỳ đá cũ. Tại khu vực núi Nhẫm Dương, Sư thầy Thích Diệu Mơ còn tìm thấy rìu đá, các công cụ bằng đá cuội, lõi khoan, hòn mài, đá mài và rìu thuộc thời đại đồ đá mới, những viên đá tảng, gạch trang trí hoa văn thời Trần...

Các công trình nghiên cứu khảo cổ đã khẳng định: hang Thánh Hóa và hang Tối là các di chỉ khảo cổ học quan trọng không chỉ của quốc gia mà còn của quốc tế, cần được bảo vệ và khai quật để nghiên cứu.

 
 
Sư thầy Thích Diệu Mơ mua khỉ về nuôi rồi thả lên núi

Những giá trị về lịch sử văn hóa

Thứ nhất,theo văn bia hiện còn, Chùa Thánh Quang được khởi lập từ thời Trần, niên hiệu Thiệu Bảo, Kỷ Mão nguyên niên (1279).

Khoảng thế kỷ XVII, thì Tào Động Tông do Thiền sư Thủy Nguyệt, pháp danh Đạo Nam Thông Giác truyền vào Việt Nam. Ngài từng được vua Lê sắc phong: “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc Sư”. Đệ nhất tổ-Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt đã tu hành và viên tịch tại hang Thánh Hóa. Vì vậy chùa Thánh Quang trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam.Được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, cấp Bằng xác lập kỷ lục tôn vinh giá trị tháng 4/2015. Sinh thời, Quốc sư còn trụ trì chùa Hàm Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng tại chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn… tổ khai sáng Hồng Phúc tự (tức chùa Hòe Nhai-Hà Nội).

 

 
Các đoàn nghiên cứu về chùa Nhẫm Dương và dự Lễ hội

Vị đệ tử được Thánh tổ Thủy Nguyệt truyền tâm ấn và trở thành vị Đệ nhị Tổ của phái Tào Động là Quốc sư Tông Diễn hiệu Chân Dung. Vì vậy, Quốc sư Tông Diễn là vị khai sáng chùa Thánh Quang và cũng là vị tổ sư thứ hai khai sáng chùa Hoè Nhai. Tổ Tông Diễn, là một Quốc sư nổi tiếng thời Lê Hy Tông. Ngài từng thẳng thắn tâu với vua về những lỗi lầm trong phép trị nước, an dân và về những đóng góp của đạo Phật đối với xã tắc. Vua Lê Hy Tông thể hiện sự sám hối, bằng việc cho tạc pho tượng kép: Phật tọa trên lưng vua. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hoè Nhai và thờ ở chùa Thánh Quang.

Tháp táng xá lợi của cả 2 vị tổ đều ở Nhẫm Dương, hiện vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Thứ hai, hệ thống hang động ở Nhẫm Dương là di tích cách mạng quan trọng gắn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Những năm 1948, 1949, 1951, tại động Thánh Hóa, hang Tĩnh Niệm đã có nhiều đơn vị bộ đội về đóng quân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Công Hòa đã về và dùng hang làm Trụ sở chỉ huy của Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Cũng tại đây, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của huyện và của tỉnh. Hang Tối, Hang Ma, Hang Mạt, hang Đình, hang Lợn, hang Bò Lê, hang Thóc, Thung Xanh là nơi trú ẩn bí mật của nhiều cán bộ cách mạng, nơi trú quân của bộ đội, căn cứ đóng quân của du kích và từ năm 1965 đến năm 1973, là nơi sơ tán của Viện Quân y 7 - Quân khu III.

Thứ ba, về những giá trị văn hóa phi vật thể: Nhẫm Dương là chốn tổ của Thiền phái Tào Động-Việt Nam. Ngày hóa của Thánh tổ Thủy Nguyệt là khởi nguyên Lễ hội chùa Nhẫm Dương, diễn ra hằng năm từ mồng 5 -7/tháng Ba (Âm lịch).Phần lễ, với nhiều nghi thức trang trọng.Đặc biệt là Lễ rước Thánh Tổ có quy mô lớn. Phần Lễ, vẫn bảo tồn như nguyên bản và phục hồi các trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, đánh cờ, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đu tiên và hát nhà tơ (ca trù), hát văn, hát múa sênh tiền… thu hút hàng chục vạn lượt du khách khắp nơi tìm về…

Với những giá trị đặc biệt của một khu di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ học quốc gia, từ xưa ca ngợi là “danh lam cổ tích”, rất cần phải có quy hoạch tổng thể để phục vụ cho nghiên cứu về địa chất địa mạo, khảo cổ, về lịch sử văn hóa-tôn giáo và phát triển du lịch văn hóa tâm linh-sinh thái…Trước mắt, tỉnh Hải Dương cần: treo biển bảo vệ các cây cổ thụ; sớm xây dựng nhà trưng bày các di vật khảo cổ và tổ chức khai quật tiếp; sớm khoanh vùng bảo vệ toàn bộ di tích, tránh bị xâm hại bởi việc khai thác nguyên vật liệu; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Nhẫm Dương là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giúp du khách hiểu sâu về các giá trị của di tích nổi tiếng này.

Theo Hồng Lụa (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Những giá trị đặt biệt ở di tích danh thắng Nhẫm Dương-Hải Dương" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.