Những di tích in dấu chân Người

22/06/2017 10:08

Theo dõi trên

Lúc còn sống và làm việc, Bác Hồ đã dành cho Quảng Bình tình cảm vô vàn mến thương và sự ưu ái đặc biệt. Bởi hơn ai hết, với tầm nhìn xa của một vị lãnh tụ, nhà chiến lược quân sự thiên tài, Bác Hồ đã thấy được tầm quan trọng của mảnh đất nắng gió miền Trung này. Ngày 16-6-1957, quân và dân Quảng Bình vui sướng, vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ vào thăm.

Dẫu rằng thời gian Bác lưu lại nơi đây là quá ít ỏi, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của mỗi người dân Quảng Bình, nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, Người đã để lại cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, những lời dạy bảo ân cần và tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Những địa điểm Bác về thăm Quảng Bình nay đã trở thành những di tích lịch sử cấp Quốc gia:



Địa điểm Hội trường Tỉnh ủy, nay là Bảo tàng tỉnh- nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ cốt cán của tỉnh ngày 16-6-1957.

Địa điểm Sân bay Lộc Đại Đồng Hới: Là nơi đầu tiên đón Bác đến Quảng Bình. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 16-6-1957, chiếc máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay. Các cán bộ của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Bình  và đông đảo nhân dân đã vui mừng phấn khởi đón Bác về thăm.

Địa điểm Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh: Rời sân bay, xe chở Bác về trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh (nay là địa điểm trụ sở Công an tỉnh). Bác đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bác quan tâm thăm hỏi đến cán bộ, nhân viên của mọi cấp, mọi ngành. Bác còn hỏi thăm đoàn đại biểu dân tộc Vân Kiều, Khùa, Mày, các đoàn đại biểu trí thức, tôn giáo. Bác mong muốn tất cả hãy ra sức cố gắng, đoàn kết một lòng để xây dựng quê hương cũng như làm tròn trọng trách là hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam anh hùng.

Địa điểm Hội trường Tỉnh ủy(nay là khuôn viên Bảo tàng tỉnh): 15 giờ ngày 16-16-1957, Bác đã có cuộc gặp mặt với 500 cán bộ cốt cán tại Hội trường Tỉnh ủy. Bác đã chuyển lời thăm hỏi ân cần của Trung ương Đảng, Chính phủ đến cán bộ và nhân dân Quảng Bình cùng Đặc khu Vĩnh Linh. Bác đã biểu dương cán bộ và nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến và những năm đầu hòa bình cũng như trong cải cách ruộng đất.

Địa điểm sân vận động Đồng Hới: Đây là nơi cán bộ và nhân dân Quảng Bình tổ chức mít tin đón Bác vào lúc 16 giờ ngày 16-6-1957. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhưng rất đổi thân tình. Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ gửi đến toàn thể đồng bào lời chào thân ái. Bác biểu dương những thành tích mà cán bộ, nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã đạt được trong thời gian qua. Bác giao nhiệm vụ trước mắt là hãy ra sức cố gắng để làm tròn trọng trách đối với hậu phương lớn của miền Nam.




Địa điểm Bác Hồ tắm biển Nhật Lệ trong dịp Người về thăm Quảng Bình ngày 16-6-1957. Ảnh: Minh Qúy.

Địa điểm Nhà nghỉ Sư đoàn 325 và bãi tắm Nhật Lệ (Nay nằm trong khuôn viên Công ty thủy sản Đồng Hới- Phường Hải Thành): Đây là địa điểm cuối cùng mà Bác đến trong chuyến hành trình thăm Quảng Bình của Bác. Sau khi tắm biển Nhật Lệ, Bác dự buổi liên hoan văn nghệ cùng cán bộ chiến sỹ Sư 325 đến 21 giờ 30 mới kết thúc. Bác cũng căn dặn các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc vị trí trách nhiệm của mình mà ra sức học tập, rèn luyện, đoàn kết một lòng xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đến 4 giờ sáng ngày 17-6-1957, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325 đã có mặt đông đủ để tiễn Bác về Hà Nội. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đứng dọc hai bên đường vẫy tay chào Bác. Sân bay Lộc Đại là nơi vinh dự đón Bác lại lưu luyến tiễn Bác ra đi.

Di tích các địa điểm Bác Hồ về thăm Quảng Bình là nơi ghi dấu sự kiện trọng đại nên có ý nghĩa và giá trị to lớn đối với cán bộ và nhân dân tỉnh ta. Thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Người đối với Quảng Bình. Đó chính là nguồn động viên lớn lao cho mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh ta vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Di tích giúp ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, học thêm về tác phong gương mẫu, giản dị, sâu sát, gần gũi của một vị Chủ tịch nước đối với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh trong những ngày hòa bình mới lập lại.


Trần Thị Diệu Hồng

Nguồn: Báo Quảng Bình
Bạn đang đọc bài viết "Những di tích in dấu chân Người" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.