Những cuộc chiến trên một dòng sông

16/10/2014 23:55

Theo dõi trên

Trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, dòng sông Lô đã ghi dấu bao chiến tích hào hùng của dân tộc. Ở thời bình, sông Lô gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội.



Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi chiến công tại bến Bình Ca

Nhưng theo dòng chảy của con nước, đôi khi dòng sông quặn mình lên giận dữ. Từng khối đất màu mở ở những bãi soi dọc đôi bờ bị con sóng xô vào lôi ụp xuống sông. Người ta bảo, sông Lô nổi giận bởi phải chứng kiến lớp người hậu thế đang mải mê tranh giành của cải dưới lòng sông…

1. Hơn 60 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ (Km15 bờ tả sông Lô, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn còn vang mãi. Trận chiến ấy quân đội ta đã đập tan “gọng kìm” giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc. Đó là kỳ tích oanh liệt của các chiến sĩ pháo binh Việt Nam, cùng nhân dân xã Phương Khoan bắn chìm tàu Pháp trên sông Lô - Thu Đông năm 1947.

Chiến thắng ấy đã đem lại niềm tin, động lực vô cùng to lớn cho quân và dân ta. Bởi, lúc bấy giờ lực lượng pháo binh của ta mới hình thành. Thời điểm này, mất pháo là mất đầu. Khi ấy, bộ đội ta phải đặt pháo cách xa bờ sông Lô đến 2km. Từ cự ly này nhìn tới tàu địch nhỏ như bàn tay. Hai trận đánh trong ngày 14 và 18 – 10 - 1947 pháo bắn toàn trượt. Tàu LCT (loại tàu trước đây quân Anh đổ bộ sang Pháp, có độ thép dày, chỉ có đại bác và pháo mới bắn được) cứ chạy đi chạy lại nghênh ngang. 

Nhiều người dân lấy làm nản lòng trách bộ đội để giặc đi vào hậu phương ta như đi chợ. Rồi pháo được đưa xuống sát bờ sông, bắn ở cự ly 800m. Ở cự ly gần, ngắm như súng trường, bắn thẳng, nên ngay trong trận đánh ngày 23 – 10 - 1947, pháo binh ta đã bắn tan xác hai tàu chiến Pháp. Trường ca Sông Lô của nhạch sĩ Văn Cao ra đời từ đó.

Chiến thắng Khoan Bộ giòn giã, chiến công đầu tiên trên phòng tuyến Sông Lô đã thổi một luồng sinh khí mới và làm nức lòng toàn quân. Từ trận thắng đầu tiên này đã, tạo đà cho những chiến thắng to lớn tiếp theo.

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng cháy sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca
("Ta đi tới" - Tố Hữu)

Bến Bình Ca đã được nhà thơ Tố Hữu mô tả đẹp như thế. Đó là một khúc sông mà bên hữu ngạn là xã An Khang, huyện Yên Sơn, bãi bờ bằng phẳng. Bên tả ngạn là xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương núi cao chất ngất, dốc đứng như thành.
 
Đó cũng là nơi ra đời Tiểu đoàn Bình Ca với những chiến công lừng lẫy trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ở đó có Tượng đài chiến thắng Bình Ca nằm trên ngọn núi Đền (núi Cột Cờ) đã được dựng lên để ghi nhớ thời khắc hào hùng của lịch sử.

Tượng đài là một bức phù điêu tạc hình mũi tàu giặc bị đánh đắm cùng những khối hoa văn sóng nước. Ở chính giữa là hình lá cờ truyền thống ghi lại bức thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về sự kiện chiến thắng Bình Ca: “Trận Bình Ca - Tiểu đoàn 12 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.

Chếch về phía mép sông Lô có một tấm bia nữa, bia chiến thắng: “Tại đây, ngày 12/10/1947, trung đội 12 thuộc đại đội 4 của tiểu đoàn 42 dùng súng badoka Việt Nam bắn chìm pháo thuyền LCVP của Pháp”...

Sau chiến thắng ấy, Tiểu đoàn 42 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đổi tên thành Tiểu đoàn Bình Ca, lập nên những chiến công hiển hách.
Hai trong số những chiến công lẫy lừng bên dòng sông Lô lịch sử ấy sẽ mãi là niềm tự hào của những người con bên dòng chảy của dòng nước ngọt ngào mà hùng vĩ…

2. Bên dòng sông Lô huyền thoại ấy, thời xưa còn là bến đỗ để mỗi khi những đoàn thuyền cập bến người ta dừng lại bên những gốc cây gạo cổ thụ nghỉ chân. Trong ký ức của ông Nguyễn Tiến Tùng, 83 tuổi, một người dân ở xã Phương Khoan: Trước đây, khi Khoan Bộ kết nghĩa với một làng khác ở tận Tuyên Quang, mỗi khi làng có hội hè, tiệc tùng mời “đàng anh” đến dự, thì bến đỗ bên hai bờ sông Lô là nơi mà hai bên gặp nhau và giao lưu văn hóa. 

Cũng cách đây từ rất lâu, khi những tàu cuốc khai thác cát chưa “đổ bộ” vào hai bên bờ của dòng sông Lô, có rất nhiều những cồn cát nhô lên thành bãi rộng lớn, phẳng phiu. Đó là nơi mà mỗi khi người dân địa phương đi chăn trâu, bắt cá lên ngồi nghỉ ngơi. Là sân chơi tuổi thơ một thời của thế hệ những người đi trước thả diều, đá bóng. Thời ấy, dòng sông Lô trong vắt…

Rồi tất cả trở thành dĩ vãng, không còn những bãi cát bồi bên sông. Dòng Lô trở thành đại công trường dưới nước. Tiếng máy móc ầm ầm hò hét cổ vũ cho những “cánh tay sắt” móc sâu xuống lòng sông lấy cát. Hai bên bờ soi mênh mông ngô, khoai một thời cũng dần dần bị thu hẹp.

Dòng Lô không còn bình yên. Nghe nói cát lấy từ sông Lô là loại cát đẹp nhất, có giá nhất. Nhiều doanh nghiệp một thời đi thu gom, mua lại đất bờ soi của người dân để tận thu khai thác cát. Bến lở, nước sông ngày càng đục hơn. Các doanh nghiệp chạy đua để lấy những hợp đồng khai thác mỏ, những tàu cuốc của “cát tặc” ngày đêm dày xéo lên sông.

Khi hầu hết các bãi bồi, bờ soi bên dải sông Lô bị biến dạng, những “tấc vàng” của người dân bị con nước lôi ùm xuống sông. Nhìn những khối đất màu mỡ làm ra những hạt ngô chắc mẩy, lặc lè người dân tiếc đứt ruột. Họ bắt đầu nghĩ tới việc giữ đất.

Rồi những lá đơn kiến nghị được gửi lên chính quyền thôn, chính quyền xã… Đơn cứ gửi, tàu cuốc vẫn cứ tiến sát vào bờ. Những cánh tay sắt cứ với dài, ngoạm cả vào bờ xôi, ruộng mật.

Bất đắc dĩ, người dân hè nhau ra đuổi tàu. Họ dùng đất, đá, chai, lọ… ném xuống tàu xua đuổi. Dân ném, tàu đi. Nhưng khi dân về, tàu lại tới, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Những cuộc chiến nối dài giữa người dân và “cát tặc” ngày càng trở nên khốc liệt hơn…

3. Do nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc khai thác cát, rất nhiều những tàu cuốc đã hoạt động “chui”. Cuộc tranh giành khoáng sản cát trên dòng Lô giang ngày càng nóng bỏng.

Người dân Khu 5 (thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô) vẫn không thể quên buổi tối kinh hoàng bị “cát tặc” xả súng tấn công khi ra giữ đất…

Ngày 17/10/2012, thấy nhiều tàu cuốc đang khai thác cát vào khu vực bãi Soi làm sạt lở đất và ảnh hưởng tới đất nông nghiệp. Người dân Khu 5, thôn Hùng Mạnh đã tổ chức một số thanh niên cùng trưởng thôn ra giữ đất. 

Vì đi đầu cầm đèn pin để soi đường nên anh Nguyễn Văn Trung (SN 1976) đã bị “cát tặc” bắn trúng và bị đạn hoa cải găm đầy vào phần bụng và phần đùi phải đi cấp cứu.

Anh Nguyễn Xuân Tỉnh (SN 1989) cũng bị đạn hoa cải bắn vào gối và bị thương nhẹ, một số người khác may mắn đã chạy thoát thân. May mắn không người dân nào thiệt mạng.

Vụ nổ súng nói trên của “cát tặc” đã làm người dân nơi đây rất bất bình và lo lắng về độ manh động và hung hãn của “cát tặc”. Trong số vỏ đạn còn sót lại ở hiện trường, người dân cho rằng có cả vỏ đạn của loại súng K54.

Theo nguồn tin của một người lái đò tên Trắc thì vào buổi tối hôm đó có 8 đối tượng “đầu xanh, đầu đỏ” mang theo hung khí và ép buộc ông này trở họ đi từ bên Phú Thọ sang bến sông thuộc xã Bạch Lưu…

Trước đó, ngày 4 - 4 - 2012 người dân của thôn Anh Dũng (xã Bạch Lưu) cũng đã bị “cát tặc” nổ súng tấn công khiến 4 thanh niên bị thương nặng. Còn rất nhiều những vụ ẩu đả, đấu súng khác vẫn diễn ra bên dòng sông Lô này…

Liên quan đến sự việc, Cục CSHS xác lập chuyên án 912CT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh, điều tra làm rõ các ổ nhóm đối tượng liên quan. Tại đây, lực lượng công an đã bắt quả tang 27 đối tượng đang tham gia khai thác cát trái phép, thu giữ trên tàu 1 khẩu súng, hàng chục dao kiếm các loại. 12 đối tượng liên quan đã bị triệu tập về trụ sở cơ quan công an để điều tra, làm rõ vai trò, xử lý theo quy định pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 7/9/2014 “ông trùm” khét tiếng trên sông nước Vũ Xuân Tuấn, tức Tuấn “Hùng” (SN 1979, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) bị bắt. Tuấn “Hùng” đã gây ra hàng loạt các cụ đâm chém, đấu súng như phim trên dòng sông Lô. Đây được xem là đối tượng cầm đầu nhóm “bảo kê” cát tặc trên dòng sông Lô thuộc địa phận hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ trước đó.

Vậy sông Lô đã trở lại bình yên? Theo phản ánh của người dân xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Hàng ngày, họ vẫn thấy một dãy tàu bè neo đậu dọc bờ sông vươn những vòi bạch tuộc xuống lòng sông hút cát. Mặc dù họ có nghe loáng thoáng trên loa đài rằng mùa nước nổi, bão lũ này người ta cấm khai thác.

Còn dọc bờ sông phía tỉnh Tuyên Quang, bãi soi Dù Dì thuộc xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương đã bị những chiếc tàu cuốc móc cho tan hoang. Giờ chúng vẫn nghênh ngang neo đậu, mặc sự xua đuổi của người dân bên bờ…

Có người bảo, giờ lách luật hết, không cho khai thác thì lại được cấp giấy “khai thông dòng chảy”, thế là vô tư hoạt động chẳng ngại gì. Cát vẫn mất, bờ vẫn sạt lở, dân vẫn bất bình. Có người nói, “bảo kê” cho cát tặc phải là “bàn tay to lắm”, chứ đâu chỉ mấy thằng đầu gấu kia thôi, chả thế mà máu của dòng sông vẫn chảy…
 
Đức Hạnh

Bạn đang đọc bài viết "Những cuộc chiến trên một dòng sông " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.