Những cây báng ở đền Qủa Sơn

30/12/2016 21:35

Theo dõi trên

Bao đời nay, người dân xứ Nghệ vẫn truyền tụng: “Nhất Cờn, nhì Qủa, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nằm ở vị trí thứ hai trong bốn ngôi đền thiêng nhất ở Nghệ An, đền Qủa Sơn (ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương) là điểm đến của nhiều du khách hành hương về đây để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an…



Lễ trồng cây báng - Ảnh: TL

Linh thiêng rừng báng Đình Bảng

Ông Nguyễn Huy Hỷ - Trưởng BQL di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Qủa Sơn dẫn chúng tôi đi thăm một số cây báng quanh đền. Ông Hỷ đưa tay chỉ về phía cây báng cao chừng 5 - 6 mét, tán lá tỏa rộng, ríu rít tiếng chim ca và cho biết: “Những cây báng lâu năm như thế này còn lại ít lắm, hầu hết là mới trồng gần 1 năm nay. Mà lạ lắm, các loài chim bay về đây đều chọn cây báng để làm tổ!”

Theo nghiên cứu khoa học, báng là một loài cây thân họ gỗ, dáng cao, tán lá tỏa rộng, lá to như lá bàng. Ở một số dân tộc người ta hái lá báng non là thực phẩm. Cây báng chỉ xuất hiện ở những nơi có độ cao khoảng 1000 mét so với mực nước biển.

Người dân Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thường có câu:  … “Bao giờ rừng báng hết cây/Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”. Sở dĩ có câu ca như vậy là bởi Đình Bảng xưa nổi tiếng với rừng cây báng cổ thụ. Người xưa còn gọi Đình Bảng là Kẻ Báng (trong tiếng việt cổ, “kẻ” nghĩa là “làng”). Cây báng đã trở thành biểu tượng của quê hương Đình Bảng, trở thành tên chợ, tên đình như chợ Báng, giếng Báng, miếu Báng, đình Báng… Đây cũng là quê hương của nhà Lý, nơi sinh ra Lý Thái Tổ, người sáng lập Thăng Long - Hà Nội.

Chuyện kể rằng, trước khi dời đô về Đại La, Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về thăm quê, bái yết lăng Thái Hậu. Vua Lý Thái Tổ khi đi qua rừng báng thấy cảnh đẹp, cây cối xanh tốt, chim muông bay lượn, ông cảm động muốn được sau này yên nghỉ ở đây. Ông đã chọn khu đất rừng có thế liên hoa bát diệp (hình bông sen tám cánh) làm lăng mộ gọi là Sơn Lăng Cấm Địa – Thọ Lăng Thiên Đức. Các vua Lý và nhiều bà hoàng sau khi mất đều đưa về chôn cất ở đây.


Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Ông là người con Hà thành hiển thánh trên đất Nghệ. Sau 21 năm làm tri châu, ông đã biến vùng đất nghèo nàn, biên viễn Nghệ An thành một trọng trấn vững chắc, phồn thịnh. Sau khi mất, tên tuổi của ông đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ ông và phong ông là thành hoàng làng. Ngôi đền Qủa Sơn (xã Bồi Sơn, Đô Lương) là nơi đặt ngai vị và di tượng thờ Ngài và hai em trai là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương.

Theo lời kể của ông Hỷ: “Rú đền Qủa Sơn 30 – 40 năm về trước là một khu rừng thiêng với nhiều cây báng cổ thụ bao quanh. Nhưng đến khoảng 20 năm trước chỉ còn lại một cây báng cổ thụ to khoảng 5 người ôm, cao vài chục mét. Hiện trong khu vực đền có 5 cây báng. Trước mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang có một cây báng cao chừng 5 - 6 mét. 

Không biết ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt của tiền nhân mà mặc dù mộ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang không nằm trong quần thể Sơn Lăng Cấm Địa – Thọ Lăng Thiên Đức nhưng quanh mộ và đền thờ ông cũng có rất nhiều cây báng. Phải chăng, cây báng ở quê hương Đình Bảng luôn phủ mát, che chở cho những người con phương xa. Và dù ở xứ Nghệ xa xôi nhưng Lý Nhật Quanh luôn một lòng nhớ về quê hương, nhớ về rừng báng cổ thụ, nơi những người thân của ông yên nghỉ. Để rồi, những cây báng hiện còn lại ở đền Qủa Sơn mãi xanh tươi, tỏa bóng bên dòng Lam giang. 
 


Cây báng lâu năm tỏa bóng trước mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Hành trình đưa cây báng trở về trên quê hương nhà Lý

Rừng báng ở Đình Bảng nay không còn nữa. Đầu thế kỷ XX người Pháp muốn phá rừng báng làm đồn điền nên lấy cớ chống quân Đề Thám trí trong rừng ép dân làng phải chặt hết cây. Các cụ nguyên lão trong làng tổ chức đấu tranh với chính quyền Pháp, dành được quyền chia đất làm ruộng sau khi phá rừng. Những cây báng cuối cùng của rừng báng xưa đã bị đốn mất từ 100 năm về trước. Những bậc cao niên trong làng chỉ còn nhớ về “rừng báng ở Thọ Lăng” qua lời cha ông kể lại. Lớp trẻ lớn lên không ai biết đến hình dáng cây báng như thế nào. Để tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa quê hương, Thiếu tướng Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Bắc, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, một người con quê hương Đình Bảng đã quyết tâm đi tìm lại cây báng. Ông nhờ bạn bè ở khắp mọi miền quê, vào tận rừng sâu, rảo tìm trên các trang mạng… Một lần về Ba Vì (Hà Nội), ông được bạn mời ăn một món rau rừng lạ, rất ngon. Đồng bào Mường nơi đây gọi đó là rau páng. Linh tính mách bảo đây là cây mình đang tìm nên ông mang theo một cành páng về Hà Nội nhờ chuyên gia xác định tên khoa học. Kết quả xác định loài cây này có tên là Gùa, tên khoa học là Ficus callosa Willd. 

Rồi một hôm, trong đám cưới con gái ông Lương Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Bắc trao đổi với một số cán bộ huyện là người Thái về cây báng. Mọi người đều cho biết cây này người Thái gọi là co pảng. Được biết, người Thái thường trồng nó quanh nhà để lấy lá ăn. Sau tiệc cưới, họ đi lấy mẫu cây về thì thấy đúng là cây páng của đồng bào người Mông ở Ba Vì. Đi đến đâu ông cũng cố để mắt tìm kiếm và dò hỏi về cây báng. Như có người đưa đường dẫn lối, ông Bắc đã tìm thấy cây này ở nhiều nơi, từ đồng bằng đến trung du miền núi. Đặc biệt, ông thấy nó có nhiều ở một số nơi tâm linh như đền Trung ở Ba Vì (Hà Nội), Đền Qủa Sơn (Nghệ An), chùa Thiên Mụ, chùa Trà Am bên núi Ngự Bình, lăng Minh Mạng, Quang Miếu cổ trước Kỳ Đài ở Huế. 

Sau khi xác định được đúng cây báng của làng năm xưa, Nguyễn Quang Bắc mời đoàn cán bộ phường Đình Bảng, BBL di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Đô lên Ba Vì tìm hiểu cây báng. Sau khi đi tham quan về lãnh đạo phường Đình Bảng quyết định tổ chức trồng cây báng ở khu vực Đền Đô và lăng Lý Bát. Đế vào dịp tết trồng cây (11/2/2012). Rừng báng đã trở về trên quê hương nhà Lý. 

Báng là cây linh thiêng và gắn bó với triều đình nhà Lý. Để tỏ lòng tri ân với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các tướng lĩnh ở Hà Nội do Thiếu tướng, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Bắc dẫn đầu, các nhà doanh nghiệp ở Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Đô Lương và đông đảo nhân dân địa phương tổ chức lễ trồng 60 cây báng ở đền Qủa Sơn. Loài cây linh thiêng, quý hiếm này rồi đây sẽ phủ kín khuôn viên nhà đền, như gắn kết quê hương Đình Bảng với xứ Nghệ nơi ông hiển thánh.

Nguyễn Lê

Bạn đang đọc bài viết "Những cây báng ở đền Qủa Sơn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.