Những bức tranh kiều của hoạ sĩ Lê Trí Dũng

15/07/2019 11:39

Theo dõi trên

Không phải bỗng dưng mà trong tuần lễ Trưng bày tranh Ngựa tại Nhà đấu giá Chọn khai mạc vào 17h 30 ngày 12/7 /2019, hoạ sĩ Lê Trí Dũng đã trịnh trọng ra mắt công chúng bức tranh khổ đại 1m8 x 1m 8 vẽ acrylic trên toan mang tên “Quân doanh Từ công” vừa hoàn thành dịp tháng 5/2019.

 
Bức tranh “Quân doanh Từ công“ của hoạ sĩ Lê Trí Dũng tại sảnh chính của Nhà đấu giá

Hầu hết các bức tranh Ngựa của anh phóng bút thể hiện đều rực rỡ sắc màu, dáng kiêu hùng tung bờm căng vó phi nước kiệu rong ruổi trên đường thiên lý, nên riêng bức tranh lấy tích từ Truyện Kiều này của Lê Trí Dũng, giống như môt dấu nhấn khơi gợi trí tưởng tượng của mọi người về hai nhân vật quen thuộc Từ Hải - Thuý Kiều lâu nay trong tác phẩm văn nổi tiếng của thi hào Nguyễn Du!

Thật ra, những ai từng yêu thích và chơi tranh của hoạ sĩ Lê Trí Dũng suốt mấy chục năm qua, đều biết sự thay đổi đa dạng về đề tài và chất liệu thể hiện hội hoạ trong sáng tác mỹ thuật là hành trình lao động không mệt mỏi, để thích ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ ngày một nâng cao của công chúng trong quá trình hội nhập với thế giới! Bất chợt được xem lại nhiều bức tranh sơn mài của hoạ sĩ Lê Trí Dũng, mới giật mình vì phát hiện ra rằng, anh vẽ ngựa trong tranh sơn mài của mình từ rất sớm, ít nhất là trong bức tranh “Vùng biên ải“ năm 1985.

Không biết có phải đây là bức tranh đầu tiên mang hình dáng con ngựa trong tranh của Lê Trí Dũng không! Lý thú hơn, hình ảnh manh nha đôi nhân tình Từ Hải - Thuý Kiều nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du lần đầu tiên xuất hiện trên tranh sơn mài khổ lớn có tên “Tình yêu“ năm 1993 nhưng chưa có bóng dáng chú ngựa Ô truy cong bờm phía sau tranh!

Năm 1995, vậy mà chỉ hai năm sau đó, hoạ sĩ Lê Trí Dũng đã xoay chuyển vẽ trên giấy Dó bức tranh khá chi tiết về hai nhân vật văn học nổi danh “Từ Hải - Thuý Kiều“ trong đêm yến tiệc trùng phùng, chàng ngồi nghe nàng đàn hát, đối ẩm chén rượu thề, ngả nghiêng mê say trong Quân doanh, có bóng dáng con ngựa Ô truy phía xa xa!

 
 
Tranh sơn mài “Từ Hải - Thuý Kiều“ năm 1993

Có thể nói, đây là hình mẫu độc đáo quen thuộc được hoạ sĩ Lê Trí Dũng phóng bút khai thác rất nhiều mô típ khác biệt cùng đề tài này trong Truyện Kiều, trên các chất liệu đa dạng thuở ấy như bìa đen, giấy Dó bồi trên croki, sơn mài, hết khổ dọc lại dàn ngang. Khi thì anh vẽ chỉ khuôn mặt Kiều - Từ Hải làm tâm điểm của vòng quay 12 con giáp, lúc thì mặt nàng Kiều giữa hai gương mặt Đỏ - Đen mang nét đối tỷ của Từ Hải - Hồ Tôn Hiến, lúc lại là cỗ xe phong trần đang rong ruổi giữa bụi hồng trần cuồn cuộn bay... Năm 1998, hoạ sĩ Lê Trí Dũng vẽ hai bức tranh “Quân doanh Từ công“, một bức theo khổ dọc 1m4 x 1m 1 đã được bà Tan - người Hông công yêu thích đã chọn lựa cùng nhiều bức tranh tĩnh vật hoa của anh vào bộ sưu tập tranh của tập đoàn PAN PACIFIC! Và bức tranh thứ hai theo khổ ngang 1m 1 x 1m4 anh bỏ quên trong hòm sẳt suốt 20 năm sau mới tình cờ lục ra thấy. Khi biết tin này, bức “Quân doanh Từ công“ thứ hai này đã được nhà sưu tập tranh Thiều Quang nổi tiếng phía Nam nhờ tôi thương lượng trao đổi với hoạ sĩ Lê Trí Dũng để được đón nhận cùng với 6 bức tranh khác cùng về đề tài ”Từ Hải - Thuý Kiều” của anh đã vẽ trong gần hai chục năm qua! Năm kia nghe nói, hoạ sĩ Lê Trí Dũng suýt nhận lời vẽ bộ tranh minh hoạ Truyện Kiều cho một nhà xuất bản với các nhân vật quen thuộc anh vẫn thể hiện trên tranh lâu nay! Không may dự án lỡ dở, nên hai bức tranh duy nhất anh vẽ thử để minh hoạ Truyện Kiều, hoá ra lại là bức tranh vẽ hai chị em Thuý Kiều - Thuý Vân và bức tranh tả cảnh minh hoạ cho câu thơ lục bát:

“Cỏ non xanh rợn chân trời!
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa!“
 
Ở nước ta, các nhân vật trong Truyện Kiều của thi hào dân tộc Nguyễn Du đã trở thành đề tài quen thuộc được thể hiện qua sáng tác của các hoạ sĩ nổi tiếng lâu nay trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Công Thành, Nguyễn Quân... Bởi vậy, lần giở lại dấu tích những chặng đường sáng tác hội hoạ của Lẻ Trí Dũng, sự hiện diện các nhân vật quen thuộc như Từ Hải - Thuý Kiều trong nhiều sáng tác bằng chất liệu mới mẻ acrylic trên toan trưng bày lần này, cũng đánh dấu sự bứt phá đáng ghi nhận ở vào tuổi 70 vẫn đầy sung sức như anh!
 






 
Bức vẽ “Từ Hải - Thuý Kiều - Hồ Tôn Hiến“ năm 1999 của hoạ sĩ Lê Trí Dũng

Tuần lễ trưng bày tranh Lê Trí Dũng - Văn Chiến

Lúc 18h tối 12/7/2019, tại Nhà đấu giá Chọn 63 Hàm Long, đã tưng bừng khai trương Tuần lễ Trưng bày Tranh Ngựa Lê Trí Dũng và Tranh sơn mài, sơn khắc Văn Chiến với sự tham dự của đông đảo công chúng yêu mỹ thuật thủ đô, cùng sự hiện diện của nhiều hoạ sĩ đồng nghiệp, các nhà sưu tập tranh, giới phóng viên báo chí truyền thông đến chia vui trong sự kiện khởi đầu loạt hoạt động nghệ thuật tại chọn.

Đến dự Lễ cắt băng đỏ khai trương phòng Trưng bày tranh, có Nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, lão hoạ sĩ cao niên Mai Long... Người dự đã thể hiện thiện cảm, sự trân trọng sức lao động nghệ thuật của hai hoạ sĩ Lê Trí Dũng và Văn Chiến, qua gần 40 tác phẩm trưng bày tại không gian sang trọng của Nhà đấu giá Chọn.

Triển lãm vẫn tiếp diễn mọi ngày từ 8h30 - 17h cho đến 20/7/2019 sẽ kết thúc.
 
Trương Nhuận

Bạn đang đọc bài viết "Những bức tranh kiều của hoạ sĩ Lê Trí Dũng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.