Nhọc nhằn nghề... “đi bạn”

13/12/2015 22:03

Theo dõi trên

Họ đến từ những miền quê nghèo ven biển bãi ngang hoặc ở vùng cửa lạch, vì gia cảnh nghèo khó không đủ khả năng đóng cho mình một chiếc thuyền nên đành “đi bạn” với các chủ tàu, thuyền khác để kiếm miếng cơm nuôi gia đình. Hằng ngày, họ làm tất cả những công việc nặng nhọc cho một chuyến đi biển nhưng chỉ nhận được những đồng thù lao ít ỏi. Đó là hoàn cảnh chung của những ngư dân đang hành nghề “đi bạn” miệt biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong (Quảng Trị).



Họ làm hết những công việc nặng nhọc trên tàu nhưng được trả tiền công rất thấp

Muôn kiểu… “đi bạn”

Hầu hết, những người con sinh ra từ biển, lớn lên nhờ biển đều gắn bó cuộc đời mình với biển cả. Nhưng vì một vài lý do khách quan hay chủ quan nào đó, họ không thể sắm được những con tàu vượt sóng ra khơi mà phải xin đi cùng, hỗ trợ và phụ giúp những chủ tàu ra khơi đánh bắt hải sản trên ngư trường quê hương để kiếm sống. Những ngư dân nặng lòng với biển, muốn vươn khơi bám biển nhưng không có vốn liếng đề đóng tàu, thuyền riêng của mình được các chủ tàu, thuyền gọi tới cùng đi biển, phụ giúp những công việc thường làm của ngư dân khi ra khơi đánh bắt tôm cá rồi sau đó số tiền thu được sẽ được chủ tàu trích ra chia cho các ngư dân trên tàu, người dân nơi đây thường gọi là nghề “đi bạn”.

Những ngư dân “đi bạn” với các chủ tàu, thuyền rất đa dạng và phong phú về hoạt động nghề. Có người làm việc trên những con tàu công suất hàng trăm mã lực, ra tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng có người “đi bạn” với những chiếc thuyền đánh bắt gần bờ với công suất máy nhỏ. Với những tàu công suất lớn, hoạt động chủ yếu là dùng lưới bùng nhùng và lưới vây để đánh bắt các loại cá lớn như cá ngừ đại dương, cá thu, cá cờ, cá nghéo…

Cùng ngồi trò chuyện với tôi trên bờ biển trong ánh nắng chiều, anh Trần Quang Khải (sinh năm 1991), chủ một chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất 410CV ở thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) cho hay: “Tàu của tôi thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Thành viên trên tàu gồm có 7 người. Nghề này cũng tùy thuộc vào mùa và thời tiết nữa. Mùa hè, mỗi chuyến tàu tôi thu được từ 50 - 60 triệu đồng, còn mùa đông thì cao hơn, từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến. Các ngư dân “đi bạn” làm tất cả những việc trên tàu như thả lưới bùng nhùng, kéo lưới, vá lưới, ướp cá, vệ sinh tàu…”


Nhiều ngư dân có thuyền nhỏ đánh bắt tôm cá gần bờ cũng gọi từ 3 - 4 “bạn” cùng đi. Những chiếc thuyền này thường hành nghề câu mực bằng đèn và câu cá xanh, cá nục gần bờ… Mỗi chuyến đi của họ kéo dài từ 1 - 2 ngày và sản lượng tôm cá thu được cũng thấp hơn. Ông Nguyễn Dữ (50 tuổi) ở Thị Trấn Cửa Tùng chia sẻ: “Tôi đi bạn với chủ thuyền gần nhà. Hàng ngày, thuyền chúng tôi ra khơi câu cá xanh, cá nục trên chiếc thuyền 30CV rồi ngày hôm sau lại trở về. Vì đi gần bờ và thuyền nhỏ nên công việc có phần nhẹ nhàng hơn so với những “bạn” làm việc trên các tàu lớn”.
 
Lắm gian truân

Vừa qua đợt “nghỉ trăng” nên những ngư dân và chủ tàu vùng Đông Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đều ra khơi bủa lưới, chông đèn. Sau nhiều lần hẹn gặp nhưng bất thành, cuối cùng tôi cũng được trò chuyện với ngư dân Ngô Văn Hoà (65 tuổi) ở thôn An Lợi, xã Triệu An (Triệu Phong) có thâm niên gần 50 năm trong nghề “đi bạn”. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Hòa vẫn quần quật suốt ngày với biển cả để kiếm từng đồng từng cắc trang trải cuộc sống gia đình. Vừa trở về sau chuyến đi biển ngắn ngày, ông Hòa tâm sự: “Tôi vốn sinh ra trong gia đình ngư dân. Từ nhỏ, đã được ra biển cùng với các chú. Khi lớn lên, tôi đi bạn phụ giúp bủa lưới vây và đánh bắt mực bằng đèn công suất lớn cho chủ tàu ở thôn Phú Hội (xã Triệu An). Đi tàu công suất lớn nên công việc tất bật suốt ngày đêm không ngơi nghỉ nhưng thu nhật phập phù và chẳng được bao nhiêu. Chuyến nào khấm khá thì tiền công đủ nuôi vợ con, chuyến nào lỗ tiền dầu thì tôi về tay trắng. Giờ tôi già rồi, sức khỏe cũng yếu nên chỉ “đi bạn” với thuyền đánh bắt tôm cá gần bờ, công suất máy 45CV. Mỗi tháng tôi được chủ thuyền chia cho 600 - 700 ngàn đồng tiền công”. Ông Hòa còn bật mí cho tôi biết rằng, toàn thôn An Lợi có 81 hộ nhưng chỉ có 4 chủ tàu, thuyền.

Đây là tình cảnh chung của nhiều ngư dân “đi bạn” ở các địa phương vùng biển Quảng Trị. Đang khuân chuyển những khối đá lạnh lên tàu neo đậu ở cảng Cửa Việt, anh Phan Sáng (39 tuổi) ở xã Trung Giang (Gio Linh) bộc bạch: “Tôi đi bạn cho một chủ tàu ở cảng Cửa Việt với công suất máy 370CV, chuyên đánh bắt cá thu bằng lưới bùng nhùng ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trên tàu có 6 thành viên gồm cả chủ tàu và “bạn”. Mỗi chuyến tàu chúng tôi đi nữa tháng đến một tháng. Công việc của chúng tôi lập lại theo chu kỳ: 4 giờ chiều, thả lưới; đến 3 giờ sáng thì kéo lưới lên; 10 giờ trưa mới thu lưới và gỡ cá; 2 giờ chiều vá lưới và đến 4 giờ chiều lại tiếp tục thả lưới. Những việc nặng nhọc chúng tôi đều làm cả, chủ tàu chỉ chống tay sai bảo nhưng sau mỗi chuyến đi, chúng tôi chỉ được chủ chia tiền công theo tỷ lệ 7/3. Ví dụ như chuyến đó được 100 triệu thì chủ tàu được 70 triệu, 30 triệu còn lại 6 bạn thuyền chia nhau”.

Những ngư dân làm nghề “đi bạn” đặng mong kiếm được đồng tiền, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng trong số họ, hiếm người có cuộc sống khấm khá hơn nhờ “đi bạn”. Phần vì nghề biển thất thường, phần tiền công thấp. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, các tàu hành nghề “giã cào” ngoại tỉnh đã cào tận diệt nguồn thủy hải sản nên các ghe thuyền đánh bắt gần bờ càng gặp nhiều khó khăn, sản lượng bị sụt giảm trầm trọng. Do đó, chủ tàu cũng trả công cho các ngư dân thấp hơn trước.

Không chỉ những thuyền đánh bắt gần bờ gặp nhiều khó khăn mà cả những “bạn” tàu đánh bắt xa bờ cũng không mấy “sáng sủa” hơn. Anh Nguyễn Văn Lập (45 tuổi) ở thôn Phú Hội (Triệu An) “đi bạn” với tàu công suất lớn, đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. Thời gian mỗi chuyến đi kéo dài từ 3 - 4 tuần liền. Chuyến đi vừa rồi, anh được chủ tàu trả công khoảng 4 - 5 triệu đồng. Để có thu nhập thêm cho gia đình, anh và các bạn phải câu cá lúc chờ kéo lưới rồi về bán cho tiểu thương. Anh Lập tâm sự: “Tôi đi bạn với chủ tàu này cũng được gần 9 năm rồi nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn không khá lên chút nào chú ạ. Nhiều khi về nhà thấy vợ ốm, con đau mà chả làm gì được vì sau 1 tháng trời đi biển, tôi trở về chỉ với 200 ngàn lận lưng”.

Mặc dù công việc nặng nhọc, có nhiều người gặp tai nạn nghề nghiệp như bị gãy tay, gãy chân thậm chí mất mạng như trường hợp của anh H. ở Cửa Việt nhưng ngư dân nơi đây vẫn quyết tâm bám nghề. Gia đình anh H. vẫn còn bàng hoàng và xót xa khi kể lại sự việc. Hôm đó, tàu anh đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì lưới bị cuốn vào “chân vịt”. Anh H. được chủ tàu bảo lặn xuống cắt đứt lưới để tiếp tục công việc. Trong lúc anh H đang lặn xuống cắt lưới ở dưới chân vịt thì ở trên tàu, người thuyền trưởng quên mất nên nổ máy. Cái “chân vịt” khổng lồ của con tàu mấy trăm mã lực đã cuốn anh vào…

Chiều dần buông trên bến cảng Cửa Tùng, chợt lòng tôi thấy ấm hơn trong tiết trời se lạnh khi nhớ tới câu nói của ông Nguyễn Dữ khi vừa bước lên bờ: “Dù đồng tiền ít ỏi, bữa đói bữa no nhưng tôi không thể bỏ nghề ngư được. Nó đã ăn vào máu thịt rồi. Tôi vẫn tiếp tục “đi bạn” để ra khơi, để bảo vệ vùng biển của quê hương nữa chứ”. Ông cha đã có câu rằng “Có cứng mới đứng đầu gió”. Nghiệp ngư là thế đấy! Nó ăn sâu, bám rễ vào từng thớ thịt, từng hơi thở mặn mòi của những ngư dân chân chất, mộc mạc.
 
Trung Giang

Bạn đang đọc bài viết "Nhọc nhằn nghề... “đi bạn”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.