Phụ nữ và những em nhỏ vật lộn mưu sinh nơi dòng suối đục cạn
Cuộc bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, nơi đầu nguồn suối Li - Leng (Hồng Thủy) khô cạn có hơn chục trẻ em và phụ nữ nghèo hì hục đào bới, xục xạo trong đống đất đá giữa trưa hè nắng “cháy lưng”…
Vội gánh mưu sinh
Khuôn mặt bạc phạch như “tàu lá chuối” do say nắng và đói vì sáng chưa có gì bỏ vào bụng, cô bé Hồ Thị Hành (12 tuổi) ở thôn 4 xã biên giới Hồng Thủy (A Lưới) thều thào bên đống đất đá dày đặc bị xới tung ngổn ngang, khắc khổ cho biết: “Cháu đói lắm chú ơi. Sáng “mắt nhắm, mắt mở” theo mẹ mà chưa được hột cơm nào bỏ vào bụng cả. Ở nhà thì càng đói thêm, theo mẹ may ra kiếm cái gì đó ăn...” Hành còn nói, nhà đông anh em, không có cái ăn nên cô bé đã “bỏ” lại con chữ sang bên hơn 1 năm nay rồi.
Bên cạnh, cô bé Hồ Thị A Mơ (thôn 5) đang miệt mài lục lọi đống đất đá, A mơ năm nay mới hơn 9 tuổi, nhà có 4 anh em, bố mẹ không nghề nghiệp nên cháu sớm dừng lại việc học, bước theo chân mẹ cha gồng lưng mưu sinh. “Cháu nghỉ học gần 2 năm rồi. Nhà hết tiền, nhiều bữa đỗn sắn chấm ớt…nên mẹ cho cháu nghỉ. Cháu đi theo mùa, mùa đót, lá dong… thì cháu vô rừng bứt đót, hái lá dong không thì theo mẹ lên nương làm rẫy ngô…”, A Mơ nhanh nhảu nói.
Tại dòng suối đục cạn, không ít em nhỏ lưng trần “cháy da”, không mũ, nón… đang phơi mình giữa cái nắng gắt của mùa hè. Cặm cụi bới đống đất đá dày đặc hoặc gồng mình gánh cái boong (cái chảo) to tướng chất đầy đất đá nặng trĩu… xuống dòng suối Li - Leng được ngăn lại để đãi vàng. Khi trời đứng bóng, trên khuôn mặt phờ phạc của những cậu bé, cô bé Pa Cô nơi xã biên giới Hồng Thủy tại “công trường” bỏ in đậm sự mệt mỏi, đói lả, rệu rã khi từ sáng tới trua chưa được miếng nào bỏ bụng. Nhiều em ở đây chia sẻ giọng rệu rã: “Mệt lắm chú ơi. Nghỉ học không lên rẫy thì tụi cháu ra suối mò ốc, bắt ếch, cua… thấy người lớn làm vàng cháu cũng sắm sửa “đồ nghề” theo luôn…”. Nói xong lại gãi gãi kẻ chân và tay bị mưng mủ, lở loét… rồi lại cặm cụi vào đống đất với ánh mắt hi vọng hạt “cám vàng” đậu trong cái boong, tối về có cơm nóng hổi...
“Hè về hoặc là mùa mưa lũ, nhiều em nghỉ học theo mẹ cha lên nương rẫy trồng bắp, đi đào vàng… Chúng tôi phải xuống tận nhà động viên gia đình cho con đi học tiếp, nhưng nhiều khi có em đi học mà cả buổi ngáp ngắn ngáp dài, bài vở bỏ đó không ngó ngàng gì cả...”, thầy giáo Hồ Xuân Hải, Giáo viên Trường Tiểu học & THCS Hồng Thủy bùi ngùi, nói.
Bạc mặt đãi vàng
Tại “công trường nhỏ” Li - Leng không chỉ có các em nhỏ mà còn nhiều người phụ nữ lầm lũi lặng lẽ tay cuốc tay đãi. Cái khuôn mặt lem luốc, hốc hác xanh xao người lúc nào cũng ướt sũng nước, chị Kăn Ngôn (38 tuổi) tay đãi vàng, bùi ngùi: “Chị nhịn đói, làm từ sáng tới chừ mà chưa được gì cả. Chị mới ốm dậy, người còn yếu lắm nhưng ở nhà mấy đứa nhỏ không có cái ăn nên chị gắng theo họ đào vàng chú à.” Chồng chị là “anh lính” nơi biển đảo, lâu hoắc mới 1 lần về thăm nhà rồi lại vội vàng vác ba - lô đi biền biệt ra canh nơi đảo xa, mình “thân cò” cáng đáng lo mọi thứ từ cơm ăn, áo mặc không để các con đói ăn và thiếu học…
Ngồi phơi mình dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, cụ bà Kả Hằng gần 70 tuổi vừa gãi chân vừa thở phì phò, nói: “Già làm ở đây được 5, 6 hôm rồi. Cả ngày làm mệt nhọc tìm vàng mà chưa có hột nào nhưng đi rừng thì già không đi nổi nữa. Về đêm tay chân ngứa ngáy lắm. Già lại mất ngủ, thuốc men cũng không có mà bôi. Gà gáy canh ba hôm sau lục đục sắm đồ mà đi đào tiếp…”. “Hành lí” mà cụ bà gần 70 tuổi mang theo cũng như bao phụ nữ trong bản khác chỉ là 1 cái bình nước, cái boong với 1 cái cuốc nhỏ sáng loáng và 1 một nhúm thuốc lá để hút trưa…
Chiều rụ xuống, “thợ vàng” tranh thủ lọc vàng, 3, 4 cái chén to tướng đựng vàng đầy nước được từ từ đổ vào cái boong. Tôi hỏi: “Được nhiều không. Từng này đổi ra được bao nhiều tiền?”. Chị Kăn Duy (37 tuổi) ở thôn 5, cười buồn nói: “Hiếm khi được lắm. May ra thì được 1 đến 2 li thôi. 1 li thì họ mua 20 ngàn đồng, đổi ra cũng được 4, 5 lon gạo, độn thêm sắn, khoai cũng đủ ăn tạm sống qua bữa...”.
Gương mặt rám nắng với đôi mắt híp lại của người phụ nữ đầy “sương gió”, chị Kăn Me (gần 39 tuổi) ngâm hàng tiếng đồng hồ trong nước thủy ngân đục ngầu buồn rầu kể: “Ngâm lâu ngứa ngáy toàn thân nhưng chịu thôi à. Nhiều bữa tụi chị nhịn ngứa, đói… mà vẫn về tay trắng. Như mọi mùa, xong vụ nương rẫy là chị em tranh thủ làm vàng khi thì ra suối mò cua, bắt ốc hoặc vào rừng sâu kiếm lá rừng, sắn dại… gùi về người xuôi bán mà đổi gạo nuôi các con…”.
Bóng chiều khuất dần sau ngọn núi T’Long Dong vời vợi những phụ nữ và em nhỏ Pa Cô vẫn cặm cụi đào bới, lục lọi không ngừng nghỉ tay cuốc, tay đãi vàng bên dòng suối đục ngầu vào mùa khô cạn. Hình ảnh những cô cậu bé Pa Cô rám nắng mặt mày lem luốc, gầy gộc đang hì hục cặm cụi đào bới và bóng dáng những phụ nữ “đầu tắt mặt tối”, người luôn ướt sũng nước lam lũ oằn mình mưu sinh, tối về lại thức trắng vì tay chân ngứa ngáy bị nước thủy ngân ăn và vừa trằn trọc lo toan cho ngày mới kiếm từng bát gạo nuôi nhau qua cơn đói khiến ai bắt gặp cũng không khỏi mụi lòng...