Theo nghĩa Hán - Việt thì Thanh là trong, Minh là sáng. Thanh minh là sáng sủa, trời đất bắt đầu kết thúc những ngày tháng mưa xuân, tiết trời mù mịt chuyển sang trong sáng hơn. Ông bà ta xưa kia chọn Tết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. Đây là dịp để người người, nhà nhà thể hiện lòng thành kính với ông bà đã khuất. Đó là nét đẹp truyền thống và là mong muốn đền đáp công đức sinh thành, luôn ghi nhớ cội nguồn của bao thế hệ con cháu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày Thanh minh ý nghĩa và đẹp như thế đã được khắc họa đầy thi vị, yên bình qua những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Theo thời gian, câu thơ còn là lời nhắc nhở con cháu nhớ về ngày tảo mộ tổ tiên trong tiết tháng 3.
Tảo mộ là nét đẹp truyền thống, kính nhớ tổ tiên của mọi người
Lễ vật tươm tất trong ngày tảo mộ
“Gia đình tôi luôn giữ nét đẹp truyền thống là đi tảo mộ ông bà vào dịp Tết Thanh minh.Thường mẹ chồng tôi luôn chọn ngày nào có mặt đầy đủ tất cả thành viên mới chuẩn bị lễ vật đi tảo mộ. Ngày thường do bận rộn với công việc nên mọi người ít có thời gian đi thăm mộ ông bà. Nhưng Tết Thanh minh, ai không sắp xếp được thời gian đi, mẹ chồng tôi buồn lắm. Lễ vật cúng ông bà khá đơn giản. Chỉ là hoa quả, bánh trái thông thường nhưng quan trọng là bánh hỏi thịt heo quay. Mẹ tôi nói, đó giờ đi tảo mộ, không bao giờ quên món ấy. Mỗi lần tảo mộ như vậy, cả nhà tôi đều dành cả ngày trên phần mộ ông bà dọn dẹp. Phụ nữ lau quét phần mộ sạch sẽ, bày biện mâm cúng. Đàn ông năng nổ dọn cỏ quanh đó để tránh chuột bọ trú ẩn, cắn phá. Trẻ nhỏ tung tăng chạy nhảy, vui đùa trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Sau nghi thức khấn cúng, gia đình tôi xúm xít bày biện món ăn, ăn uống vui vẻ trước khi ra về. Với chúng tôi, đây không khác gì bữa cơm đoàn viên vì có mặt đông đủ thành viên. Mọi người thỏa thích vui đùa, chuyện trò những vui buồn cho nhau nghe. Vậy nên, Tết Thanh minh chính là ngày lễ không thể thiếu với gia đình tôi vào hàng năm” - chị Kim Liên (32 tuổi, ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Với những người con xa xứ, không về được vào dịp Thanh minh để thắp nén nhang trên phần mộ ông bà, đó là nỗi niềm ray rứt. Có lẽ, ông bà cũng không nỡ trách hờn con cháu việc ấy. Bởi lẽ, việc mưu sinh xứ người chẳng dễ dàng gì. Họ hầu như chỉ có dịp về thăm quê cha, đất mẹ vào dịp Tết Nguyên đán mà thôi. “Tôi rời quê đi Bình Dương làm thuê 6-7 năm rồi. Đây là lần đầu tôi tranh thủ được thời gian về tảo mộ dịp Thanh minh. Những năm trước, tôi chỉ tảo mộ khi về đón Tết Nguyên đán. Ngày xưa, mẹ tôi luôn chuẩn bị lễ vật tảo mộ trước đó 1 ngày vì sợ thiếu này, thiếu kia và không quên dặn: “Sau này mấy đứa đừng quên ngày này, nhớ dẫn con cháu về cho chúng biết cội nguồn!. Với những năm không về được, tôi chỉ biết lặng nhìn về quê nhà, thắp nén nhang lòng, tỏ nỗi niềm để ông bà cảm thông” - cô Võ Thị Phỉ (56 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, Thoại Sơn) tâm sự.
Không rộn ràng, trống kèn náo nhiệt nhưng Tết Thanh minh mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Nó nhắc nhở bao người con phải luôn kính nhớ tổ tiên. Rảo bước giữa tiết trời Thanh minh, cơn gió mới mơn trớn trên nhành cây, kẽ lá, đâu đó lại thấy có đoàn người dìu dắt nhau đi tảo mộ mới thấy lòng ấm áp đến lạ!
Phương Lan
Theo An Giang