Nhớ Nhạc sĩ Lê Yên
09/08/2016 09:17
Nếu còn sống thì sang năm (30/7/2017) là ông tròn bách liên, tính theo tuổi mụ. Tôi nghe tên tuổi nhạc sĩ Lê Yên lâu rồi mà chưa được gặp ông, một nhạc sĩ đàn Violon tay trái rất tài và sáng tác cũng hay. Tôi thích nhất là bài hát Bộ đội về làng của ông và tôi đã từng hát trong tốp ca ở Đoàn văn công thanh niên xung phong Trung ương “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng như còn nhớ mãi/ Các anh đi biết bao giờ trở lại…”
Cả giai điệu và lời ca đều theo dòng âm nhạc dân gian quá đẹp, có sức lay động trái tim người nghe và nghe rồi thì nhớ mãi. Em trai của ông là nhạc sĩ Lê Lôi ở Đài Tiếng nói VN cũng có nhiều ca khúc hay nhưng chưa có tác phẩm nào vượt nổi bài Bộ đội về làng của Lê Yên. Có thể nói Lê Yên với “Bộ đội về làng” là một danh xưng phổ cập trong cộng đồng người Việt Nam, trừ những người không mang tâm hồn Việt.
Đầu năm 1973, sau khi ở Rumani về nước, tôi được Bộ Văn hóa điều về làm đạo diễn Nhà hát tuồng LK5 và tình cờ gặp hai nghệ sĩ lớn đang công tác ở đây, đó là nhạc sĩ Lê Yên và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Chúng tôi được phân ở cùng một tổ, nên thường đàm đạo với nhau về nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật phương Tây. Từ đó tôi hiểu được quan điểm nghệ thuật của Lê Yên là bảo tồn và phát huy truyền thống âm nhạc dân tộc, nên đã hợp tác với nhau ngày càng chặt chẽ ở đoàn tuồng LK5.
Ở đây, ông còn hỗ trợ nhạc sĩ Nguyễn Viết về kỹ thuật sáng tác âm nhạc tuồng và đào tạo nhạc sĩ Đào Duy Kiền trở thành chỉ huy dàn nhạc. Chúng tôi cùng ăn cơm tập thể và cùng đi về bằng xe chuyến Hà Nội-Mai Dịch chen lấn vô cùng khổ sở! Những vở tuồng tôi dựng ở Đoàn tuồng LK5 đều do nhạc sĩ Lê Yên viết nhạc, nên tôi thường xuyên gần gũi trao đổi với ông, mà càng gần nhau càng thấy rõ và quan điểm đức tính của nhau. Không hiểu sao, nhạc sĩ Lê Yên lại rất quý tôi, nên thường thổ lộ cho tôi những chuyện vui buồn cả nỗi oan thời ở Paris từ năm xửa, năm xưa. Khi ông còn ở trường nhạc nay là Nhạc viện Hà Nội.
Tôi quý nhạc sĩ Lê Yên nên ngoài hợp tác làm vở, còn cùng hoạt động nghệ thuật ở nhiều nơi và ở đâu, tôi cũng tìm cách giới thiệu, tôn vinh nhạc sĩ Lê Yên bởi ông thực tài nhưng có phần khiêm tốn và tự ti. Ông không chỉ sáng tác hay mà còn nói chuyện âm nhạc trên Đài TNVN cũng rất hấp dẫn. Ông còn nhân cách hóa cây đàn Violon nói chuyện âm nhạc dân tộc rất hay. Báo Văn hóa đã đăng nhiều kỳ cuộc trò chuyện này. Có thể nói nhạc sĩ Lê Yên là nhà truyền bá âm nhạc. Vì ông vốn là nhạc công, nhạc sĩ sáng tác lại nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc, nên kiến thức dồi dào.
Tôi nhớ năm 1983, Hội diễn sân khấu dân ca toàn miền Trung tại Đà Nẵng, nhạc sĩ Lê Yên được mời tham dự. Nhiều nghệ sĩ và nhà báo biết tên tuổi Lê Yên, nên muốn được gặp, được phỏng vấn ông. Tôi phải tổ chức cho nhạc sĩ Lê Yên một cuộc tọa đàm ngay tại khách sạn. Hàng mấy chục con người đến vây ông đề nghị ông hát bài Bộ đội về làng và hỏi về cách phổ nhạc bài ca này. Ông vừa nói vừa hát minh họa kéo dài tới quá 12h trưa, đến mệt lả người, nhưng vẫn phải trả lời hàng chục câu hỏi của những người ngưỡng mộ ông về âm nhạc dân tộc, nhất là nhạc tuồng.
Sức khỏe nhạc sĩ Lê Yên không được tốt, chân lại bị đau đi hơi cà nhắc, vì vậy mà vợ ông ít khi cho ông đi xa, thậm chí có lần tôi phải đến tận nhà ông ở phố Nam Ngư cam đoan với bà thì ông mới được đi chuyến công tác dài ngày ở Bình Định vào cuối năm 1979, lúc đó tôi dạo diễn vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh cho Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn). Một ê kíp hùng hậu cùng làm vở này gồm: Trúc Đường-tác giả, Hoàng Chương-đạo diễn, Lê Yên và Nguyễn Viết: viết nhạc, Tiến sĩ Lâm Tô Lộc làm múa và họa sĩ Nguyễn Hồng làm trang trí vở diễn. Sáu người này được lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình bố trí ăn ở và làm việc tại nhà hát trong một tháng trời. Đêm muỗi vây đốt, hai ông cao niên, Lê Yên Trúc Đường phải ngồi trong màn mà sáng tác. Rất vất vả nhưng ai cũng làm việc cật lực và nghiêm túc. Cụ Tống Phước Phổ ở cạnh phòng tập quan sát và nói: Đây là một chiến dịch và cũng là một cuộc tập huấn nghệ thuật làm thay đổi tác phong làm việc của Nhà hát này! (Trước đó họ làm việc tự do, lỏng lẻo, như tập xong một lớp tuồng là chạy về nhà nấu cơm, hoặc tụm lại đnahs bài , hút thuốc lá…)
Nhạc sĩ Lê Yên thấy tôi vất vả quá, suốt ngày vật lộn trên sân khấu tuồng với nhiều diễn viên gạo cội như Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Đình Thôn, Hoàng Chinh, Tư Cá, Ngọc Cầm, Văn Thành, Quang Hạnh, Hòa Bình… nhưng họ chưa quen phương pháp làm việc của đạo diễn tây học. Thậm chí nghệ sĩ Hoàng Chinh được phân đóng vai Vua Càn Long mà tập không nổi đã có lúc cởi áo mão trả vai cho đạo diễn để rút lui. Ngày tập ba buổi (sáng, chiều và tối). Tôi mệt quá, có hôm bỏ cơm. Nhạc sĩ Lê Yên phải ra phố mua trứng vịt lộn về ép tôi ăn. Ông nói: “Chúng tôi cũng vất vả, nhưng được ngồi trong phòng mà sáng tác, còn cậu thì phải la hét, minh họa hướng dẫn, nên quá mệt, hãy cố ăn uống để lấy sức mà làm cho xong vở tuồng lớn này”.
Từ những hợp tác sáng tạo trong một số vở tuồng mà nhạc sĩ Lê Yên càng hiểu tôi và quý mến tôi, như muốn gửi niểm tin vào tôi về những dự định sáng tạo của mình.
Thời gian tôi công tác ở Viện Sân khấu Việt Nam, nhạc sĩ Lê Yên bắt đầu thực hiện dự án “Đàn Piano dân tộc”. Đây là một ý tưởng táo bạo, biến chiếc đàn Piano - nhạc cụ phương Tây với âm thanh định vị tuyệt đôi trở thành cây đàn biết nhấn nhá rung như nhạc cụ dân tộc Việt Nam để phục vụ cho sáng tác và biểu diễn âm nhạc dân tộc, từ dân ca đến tuồng, chèo, cải lương… Nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang rất ủng hộ ý tưởng này của Nhạc sĩ Lê Yên mời tôi, Viện trưởngViện Sân khấu đỡ đầu cho dự án táo bạo này. Tôi đã làm tất cả những gì về thủ tục để Bộ khoa học chấp nhận cho nhạc sĩ Lê Yên thực hiện dự án nghệ thuật của mình và tính khả thi đã thấy rõ, khi nhạc sĩ Lê Yên viết ra thành quyển sách “Đàn Piano dân tộc”. (1) Ông nói các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận… đều ủng hộ dự án này.
Một kỷ niệm mà không báo giờ tôi quên được đó, là có lần GS Đặng Hữu Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ, bạn đồng hương của tôi, nhờ tôi hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp cho con gái của ông là Đặng Châu Anh, sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Vì quá bận, nên tôi nhờ nhạc sĩ Lê Yên thay tôi hướng dẫn cho Đặng Châu Anh. Đến khi Châu Anh tốt nghiệp xuất sắc, GS Đặng Hữu đến cảm ơn nhạc sĩ Lê Yên bằng một chai rượu quý. Nhạc sĩ Lê Yên mang chai rượu ấy đến tặng lại cho tôi, kèm theo quyển sách “Đàn Piano Việt Nam” có ghi: “Tặng Viện trưởng Hoàng Chương người cha đẻ của công trình này”.
_________
(1)Nhạc sĩ Mác tuyên dựa theo ý tưởng sáng tạo của nhạc sĩ Lê Yên, đã sáng tạo ra cây đàn Lạc Cầm từ 1 đến 16, mất 50 năm mới thành công
của công trình này”.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên về những lời đánh giá quá cao về tôi của nhạc sĩ Lê Yên, nhưng làm sao được khi ông quá quý mình!
Không hiểu vì sao trời lại không thương người hiền, người có tài mà bắt một nhạc sĩ tài hoa như Lê Yên phải mang bệnh nan y, phải nằm suốt trong bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho đến hơi thở cuối cùng. Hôm tôi đến thăm ông lần cuối là lúc ông không còn cựa quậy, nói năng gì được nữa, chỉ chờ ngày đi xa!
Nhạc sĩ Lê Yên mất đi, nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi với thời gian. Hôm chương trình “Những bài ca đi cùng năm tháng” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, tôi thấy ca khúc “Bộ đội về làng” của Lê Yên được bầu chọn điểm cao, nhiều ý kiến của khán giả trong đó có nhạc sĩ Thụy Kha đã đánh giá đúng mức về ca khúc tuyệt vời này. Thế là nhạc sĩ Lê Yên vẫn sống trong lòng nhân dân Việt Nam và những đứa con tình thần của rông vẫn sống, vẫn đi cùng năm tháng trên thế gian này.
_________
(1)Nhạc sĩ Mác tuyên dựa theo ý tưởng sáng tạo của nhạc sĩ Lê Yên, đã sáng tạo ra cây đàn Lạc Cầm từ 1 đến 16, mất 50 năm mới thành công
của công trình này”.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên về những lời đánh giá quá cao về tôi của nhạc sĩ Lê Yên, nhưng làm sao được khi ông quá quý mình!
Không hiểu vì sao trời lại không thương người hiền, người có tài mà bắt một nhạc sĩ tài hoa như Lê Yên phải mang bệnh nan y, phải nằm suốt trong bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho đến hơi thở cuối cùng. Hôm tôi đến thăm ông lần cuối là lúc ông không còn cựa quậy, nói năng gì được nữa, chỉ chờ ngày đi xa!
Nhạc sĩ Lê Yên mất đi, nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi với thời gian. Hôm chương trình “Những bài ca đi cùng năm tháng” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, tôi thấy ca khúc “Bộ đội về làng” của Lê Yên được bầu chọn điểm cao, nhiều ý kiến của khán giả trong đó có nhạc sĩ Thụy Kha đã đánh giá đúng mức về ca khúc tuyệt vời này. Thế là nhạc sĩ Lê Yên vẫn sống trong lòng nhân dân Việt Nam và những đứa con tình thần của rông vẫn sống, vẫn đi cùng năm tháng trên thế gian này.
GS. Hoàng Chương
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ Nhạc sĩ Lê Yên" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.