Nhớ ai câu hát xứ Dừa

25/11/2016 14:44

Theo dõi trên

Trở lại xứ Dừa, nghe trong gió dường như dáng ai đứng, làm nên miền cổ tích bên dòng Hàm Luông. Con sóng đong đưa nhịp sinh sôi bất tận. Ta như lọt thỏm giữa những tàu dừa rẽ cánh quạt che mát.


Những đốm nắng như hoa đang tưới tẩm sự bình yên và phát triển của một vùng quê. Im nghe giọng hát của cô bé nhà ai vẳng ra lại nhớ đội quân tóc dài, lại nhớ phong trào Đồng khởi, lại nhớ rầm rập những bước chân tiến về phía trước dẫu máu trào, lệ đổ vẫn hiên ngang tạc dáng thành đồng cho quê hương xứ sở một bài ca xanh mượt ngày nay. Ta lắng nghe Bến Tre trở mình cùng tỉnh bạn nơi đất chín rồng.

Kẹo dừa deo dẻo, thơm, bùi làm người nhớ mãi mùi nước cốt của nó, người đi còn vương vấn bàn tay ai chăm chỉ tháng ngày. Những chàng trai, cô gái lớn lên trong tình yêu của bình yên và hạnh phúc đang kể cho nhau nghe điệp khúc ông bà họ từng kể. Chính những lời ru xưa đã nuôi lớn họ, làm nên một tình yêu sâu thẳm.

Tôi ngồi cà phê bên một quán ven đường nghe âm thanh bình yên quá đỗi. Con đường nông thôn mới xóa đi bao trơn trượt lầy lội mà ngày nào đó những cái chặc lưỡi thầm mơ. Bến Tre giờ đâu còn chon von giữa đôi bờ thương nhớ. Rạch Miễu nối tình yêu thêm đẹp giữa Tiền Giang và Bến Tre. Cầu Hàm Luông nối đôi bờ Minh - Bảo, cầu Cổ Chiên thì nối Trà Vinh với Bến Tre. Bao nhiêu thơ họa cho sự in bóng nước trên những chiếc cầu nối bến bờ vui. Bao nhiêu nụ cười cho cuộc vận mới. Những đứa trẻ thong dong trên cầu là niềm vui của những ông bà cụ đang kể cho nhau nghe mỗi buổi điểm tâm bên tách trà thơm khói. Họ tin ở lớp trẻ. Họ tin đất mọc hoa và không thôi trổ hương. Chính niềm tin ấy mà làm nên những khúc ca sáng ngời.

Bỗng dưng ngồi đó mà không để chờ một ai, không để đợi một ai, chỉ là ngồi và im nghe đất trời Bến Tre hôm nay khoác màu áo mới đẹp và dịu dàng, thôn nữ mà kiêu sa, dễ gần mà khả kính.

Những con đường tít tắp hàng cây xanh, chỉ mong còn mãi những lá phổi tươi non thoang thoảng hương ấy. Những ánh mắt hiền từ, bao dung mà khả quyết làm mình nhớ mãi giọng ca của ca sĩ Thu Hiền, day dứt làm sao đoạn thương, đoạn nhớ: “Ơi! Những cây dừa để lại cho ta bóng quê. Ơi! Tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre. Mỗi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghe”… Nghe mà rưng nhớ, nghe rồi đố ai dứt lòng bỏ quê đành đoạn, nghe rồi nhớ mẹ, thương cha và những ngày xưa năm cũ dưới bóng quê quá đi thôi.

Rồi một cơn mưa chiều phủ đầy xứ Dừa. Tiếng mưa ấy đưa con nước chờn vờn sóng cho những cụm lục bình thêm lung linh những đọt bông tim tím, cho ai thêm nhớ ai quá chừng. Những người trong quán nước bắt đầu kể cho nhau nghe mùa vụ, thời sự, chuyện học hành con cái, chuyện những chàng trai, cô gái đang tình nguyện làm những việc của tuổi trẻ đong đầy bao khát vọng đẹp. Cuộc sống vẫn đẹp dẫu cái xấu, cái ác vẫn luôn rình rập, vẫn không ngưng thập thò. Tiếng ca vẫn cất lên dẫu mưa thì buồn, nhất là những ai xa xứ. Bỗng chuông điện thoại rung lên: “Trời mưa này nghe vọng cổ rồi làm vài xị đế nghen mậy! Uống rượu dừa thử đi, ngây ngất mặc sức làm thơ nghen!”. Tôi cười ừ à nhận lời gặp gỡ ông bạn ấy. Nhưng đến chỉ là cùng hòa dòng vui với nhau chứ giờ thì nghe và chỉ nâng trà ngang mày nhớ Đường thi một bờ thương cũ… tôi ơi! Mai rời nơi này mà bỗng thương nhớ câu hát để còn luyến ái làn tóc ấy trong gió đầy mây thu.

(Theo Báo Đồng Khởi)

Trần Huy Minh Phương
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ ai câu hát xứ Dừa " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.