Nhất Nam môn phái, kết tinh văn hóa của dân tộc Việt

15/08/2021 23:13

Theo dõi trên

Môn Võ “Hét” Nhất Nam đã được phát triển rộng rãi và hiện có hơn 30 nước trên toàn thế giới tổ chức tập luyện, phát triển môn võ này...


Được kế thừa tinh thần và khí phách hào hùng của cha ông, những thế hệ trẻ yêu thích võ thuật cổ truyền ngày nay đã không quản gian khó, siêng năng tập luyện và phát các môn võ thuật cổ truyền có mặt trên đất Nghệ An. 
 
Nghệ An là vùng đất tối cổ địa linh, nhân kiệt. Nơi đây kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ và những người con chân chất, mộc mạc mà cũng rất hào hoa, trượng nghĩa anh hùng. Đến với Nghệ An, qua các câu chuyện, hình ảnh được lưu truyền trong dân gian và các khu di tích, bạn sẽ như được sống lại không khí trong các thời kỳ của các bậc danh nhân như An Dương Vương, Mai Hắc Đế, Quang Trung và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có nhiều bậc danh thần như: Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Xí, Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu… Đến với Xứ Nghệ bạn sẽ được cảm nhận và khám phá những điều mới lạ, độc đáo về các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất này.
 
Thiên nhiên Nghệ An khắc nghiệt, lại là vùng đất phên dậu của bao đời nên chồng chất gian nan, thử thách. Và chính những điều đó đã hun đúc và tạo nên nhân cách con người xứ Nghệ cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó mà nghĩa hiệp, chân tình. Trên mảnh đất này, thời  nào cũng có danh nhân, vùng nào cũng có những bậc hùng tài, chí lớn đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Trải qua bao đời, người xứ Nghệ không chỉ có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử dân tộc mà đã xây dựng nên cho mình thành một vùng văn hoá độc đáo với bản sắc hài hòa, riêng biệt.
 
Ngoài sự hiện diện một nền văn hoá đương đại sống động trên đất Nghệ An ngày nay còn có một kho tàng di sản do cha ông để lại rất phong phú. Đó là khoảng 1000 di tích lịch sử văn hoá và rất nhiều giá trị văn hoá phi vật thể như: Văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, triết lý dân gian, phong tục tập quán… thì đang còn một “đặc sản” khởi phát từ xứ Nghệ, đó là môn Võ “Hét” Nhất Nam đã được phát triển rộng rãi và hiện có hơn 30 nước trên toàn thế giới tổ chức tập luyện, phát triển môn võ này.
 
Trong lịch sử, Nghệ An đã từng là tiền đồn, là hậu phương, là căn cứ cho nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, vì vậy nền võ thuật đặc biệt được chú trọng. Võ thuật đã đã giúp người xứ Nghệ khởi nghĩa chống lại nhà Đường, xây thành Vạn An, lập nên triều đình, tôn Mai Thúc Loan làm Hoàng đế. Thời nhà Lý, Nghệ An là phên dậu của nhà nước Đại Việt, nhờ có công chăm lo vỗ về của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mà đất đai được khai phá, dân tình no ấm, không chỉ ngăn chặn được giặc ngoài mà còn là điểm tựa quan trọng cho sự hưng thịnh và phát triển của đất nước.
 
Thời nhà Trần, xứ Nghệ là hậu cứ quan trọng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông ở phương Bắc và là tiền đồn ngăn chặn giặc phương Nam, mở mang bờ cõi. Nghệ An là chiến địa của nhà Hồ và nhà Hậu Trần chống giặc Minh. Thời Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân được chiêu mộ tại trấn Nghệ An là đội trung quân đã anh dũng kiên cường, xông pha mũi tên hòn đạn và góp phần quan trọng vào chiến thằng lừng lẫy đánh tan 20 vạn quan Thanh xâm lược trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Và trong những cuộc chiến trong thời đại mới thì những chiến sĩ cách mạng xứ Nghệ là những chiến sĩ kiên trung, anh dũng đã góp phần giải phóng và thống nhất nước nhà. 

Được kế thừa tinh thần và khí phách hào hùng của cha ông, những thế hệ trẻ yêu thích võ thuật cổ truyền ngày nay đã không quản gian khó, siêng năng tập luyện và phát các môn võ thuật cổ truyền có mặt trên đất Nghệ An. Đặc biệt môn võ “Hét” Nhất Nam đã được phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 nước trên toàn thế giới. Còn ở trong tỉnh, hiện nay Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Nghệ An đã làm việc và thống nhất với Sở GD&ĐT đưa môn võ cổ truyền vào tập luyên, giảng dạy trong trường học ở các cấp với hình thức tổ chức các câu lạc bộ hoặc là hoạt động ngoại khóa bứt đầu từ năm học 2017 - 2018.
 
Nét đặc trưng của môn võ cổ truyền là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Những môn sinh học võ cổ truyền, ngoài việc tập luyện các bài tập chuyên môn sẽ được học Tâm pháp để hiểu về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, và được học các bài tập Dưỡng sinh, y học cổ truyền để tìm hiểu về cơ chế hoạt động của cơ bắp, sự vận hành khí huyết của con người. Đặc biệt, võ cổ truyền có những bài luyện nội công, khí công võ thuật, khí công chữa bệnh phù hợp với từng căn bệnh, từng lứa tuổi... Vì vậy, mỗi môn sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam là đang cùng gánh vai giữ gìn những di sản văn hóa võ học dân tộc do cha ông truyền lại. 
 
Được biết hiện nay, Hội võ thuật cổ truyền Nghệ An đang tổ chức khóa đào tạo HLV với các kỹ năng Võ thuật, Y học cổ truyền thường thức để phổ biến và mở rộng hoat động vào các trường học và các cấp cơ sở đoàn...
 
An Hải

Bạn đang đọc bài viết "Nhất Nam môn phái, kết tinh văn hóa của dân tộc Việt" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.