Nhận diện đặc trưng di tích kiến trúc thời Trần (Thế kỷ 13 - 14, khu G) địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ

12/03/2024 22:32

Theo dõi trên

Đặc điểm nổi bật của kiến trúc trong mỗi thời kỳ là chỉ dấu cho việc nghiên cứu các di tích kiến trúc thuộc cùng thời kỳ. Qua đó, phác thảo được phần nào diễn trình lịch sử của kiến trúc trong kinh thành Thăng Long.

1. Vài nét về địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ

Khu vực khai quật nằm ở phía Tây Nam của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, được xác định rõ là một bộ phận nằm trong khu Hoàng thành Thăng Long. Để đảm bảo tính kết nối và tính thống nhất trong công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị tổng thể khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu vực Đường hầm và bãi xe ngầm và Vườn Kính Thiên cần phải được đặt kí hiệu khảo cổ học cùng với việc phân định vị trí hố khai quật tại từng khu dự kiến khai quật. Trên tinh thần đó, sau khi khảo sát, Viện Khảo cổ học đã đặt kí hiệu khu khai quật này là khu G (tại khu di tích 18 Hoàng Diệu đã đặt các kí hiệu các khu vực từ A đến E), đồng thời phân định khu vực khai quật thành 21 hố, kí hiệu từ G01 đến G21. Việc đặt kí hiệu và phân định vị trí từng hố khai quật như vậy nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác đo vẽ, ghi chép, lập hồ sơ tư liệu khoa học cũng như cho công tác nghiên cứu xây dựng hồ sơ khai quật và công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật trong suốt quá trình khai quật.

Khu vực khai quật được ký hiệu là khu G, thể hiện tính liên tục trong các khu khai quật thuộc địa điểm 18 Hoàng Diệu. Phạm vi khu vực khai quật bắt đầu từ đường Bắc Sơn, liền với khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (Khu E) được khai quật năm 2008 - 2009, cách khu C hiện nay khoảng 10m về phía nam, kéo dài đến khu vực vườn hoa Kính Thiên.

Toàn bộ khu vực khai quật nằm cách trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện nay khoảng 200m về phía Tây và cách nền điện Kính Thiên khoảng 300m về phía Nam. 

Hiện trạng, khu vực khai quật nằm trong khoảng vị trí:

Phía Bắc: giáp Nhà Quốc hội, và khu C

Phía Tây: giáp Bộ Ngoại giao

Phía Nam: giáp đường Điện Biên Phủ

Phía Đông: giáp nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo bản đồ thời Lê, niên hiệu Hồng Đức, toàn bộ khu vực 18 Hoàng Diệu hiện nay nằm trong trung tâm của Cấm thành thời Lê, với trục trung tâm là cửa Đoan Môn và nền điện Kính Thiên với thành bậc chạm rồng bằng đá hiện còn.

2. Khái quát tầng văn hóa xuất lộ di tích

Tại địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm trên tổng thể diện tích khai quật đã xác định được 4 tầng văn hóa nằm chồng xếp lên nhau có niên kéo dài từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Các tầng văn hóa nằm trật tự từ trên xuống dưới  được nhận diện như sau:

- Tầng văn hóa 1 (TV01): có niên đại thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18), độ dày không đồng đều nhau, độ dày từ 0,3 – 1,2m.

- Tầng văn hóa 2 (TV02): gồm 2 lớp văn hóa, dày trung bình 0.8m - 1.0m: Lớp văn hóa TV.02-A có niên đại thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 - 18) và TV.02-B có niên đại thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16).

- Tầng văn hóa 03 (TV03): Đây là tầng văn hóa thuộc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), dày trung bình 0,4 - 0,5m., tuy nhiên trong phạm vị địa điểm khai quật tầng văn hóa này gần như bị phá hủy toàn bộ, dấu tích còn nhận diện được trong phạm vị hố khai quật G03 với lớp nền đầm kết cấu bằng các lớp đất sét màu nâu sẫm hoặc màu vàng xen kẽ lớp cát mỏng đầm chặt, có lẫn một số mảnh gạch, ngói màu đỏ tươi. 

Bên cạnh đó trong phạm vi địa điểm khai quật Đường hầm và bãi xe ngầm trong lớp văn hóa này đã phát hiện được 42 di tích (hiện tượng khảo cổ học) với các loại hình di tích: di tích kiến trúc, nền móng kiến trúc, ao/hồ, mộ táng, hố đất đen.v.v... Trong đó tại phạm vi hố khai quật G03 đã phát hiện nhận diện được 16 móng cột, qua nghiên cứu hiện trường và các nguồn tư liệu thu thập từ hiện trường hố khai quật (bản ảnh, bản vẽ) các móng cột này tạo thành một mặt bằng nền móng kiến trúc có kết cấu chịu lực, phần lớn các móng cột được làm, gia cố từ các loại vật liệu gạch, ngói vụn.

- Tầng văn hóa 4 (TV04): có niên đại thời Lý (thế kỷ 11 - 13), dày trung bình 0.4m - 0.6m. Đáng lưu ý, tại các vị trí tìm được các kiến trúc thời Lý ở các hố G01-G02 và G07-G08, tầng văn hóa thời kỳ này nằm cách bề mặt hiện tại khoảng 0.8m và dày đến trên 2.0m. 

- Tầng văn hóa 5 (TV05): đây là tầng văn hóa của thời kỳ Đại La (Tiền Thăng Long) thế kỷ 7 - 9, dày trung bình 0.5m - 1.5m. Trên tổng thể khu vực khai quật, tầng văn hóa này ổn định trong khoảng từ hố G01 đến G03 và trong đó tìm được các di tích kiến trúc, tuy nhiên ở các hố còn lại của khu khai quật, tầng văn hóa thời kỳ này được nhận diện qua các di tích hố đen, hoặc hồ ao với các di vật tiêu biểu đặc trưng của thời kỳ (Phạm Văn Triệu, 2023).

Như vậy, có thể thấy, tầng văn hóa xuất lộ các di tích kiến trúc thời Trần mang những nét đặc trưng tiêu biểu của thế kỷ 13 - 14, phổ biến trên toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

3. Di tích kiến trúc thời Trần 

Dấu tích móng nền kiến trúc

Dấu tích móng nền kiến trúc thời Trần được nhận diện rõ nét nhất trong phạm vi hố G03 với lớp nền đầm kết cấu bằng các lớp đất sét màu nâu sẫm hoặc màu vàng xen kẽ lớp cát mỏng đầm chặt, có lẫn một số mảnh gạch, ngói màu đỏ tươi. 

a1-2534634674578548548-1710256708.jpg
Mô hình người mô phỏng di tích kiến trúc 12 VH.TR.KT001 (nhìn từ hướng Nam). Nguồn VKCH 

Dấu tích mặt nền kiến trúc

Mặt nền bên trong kiến trúc đều đã phá hủy hiện không còn nhận diện được dấu tích của một khoảng nền nào trong kiến trúc 12.VH.TR.KT001. Trong mặt bằng di tích kiến trúc 12.VH.TR.KT001 toàn bộ các công trình phụ trợ kiến trúc cũng như mặt nền đều bị phá hủy không còn dấu tích.

Mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật: 12VH.TR.KT.001

Hiện trạng xuất lộ di tích: di tích được nhận diện thông qua hệ thống móng cột trong hố khai quật G03 với 16 móng cột, tạo thành hai hàng chạy dài theo chiều Bắc - Nam, rộng theo chiều Đông - Tây

Phạm vi di tích: các móng cột phân bố trong khoảng phạm vi diện tích 297m2 (Chiều Bắc - Nam: 33m, chiều Đông - Tây: 9m), trong khoảng ô lưới tọa độ từ X:  - 93 đến X:  - 126 và từ Y:  - 277,5 đến Y:  - 278,5

Quy mô kiến trúc thể hiện qua số lượng gian trên mặt bằng kiến trúc đã được xác định, theo đó kiến trúc hiện còn.

a12-23534634673477-1710256795.jpg

Mặt bằng chi tiết kiến trúc: 16 móng cột đã xuất lộ phân bố đăng đối xếp thành 2 hàng. Theo chiều Đông - Tây có 8 hàng tạo thành 7 khoảng cách: gian chái phía bắc rộng 2,9m, khoảng cách các gian còn lại rộng trung bình từ 3,7m đến 4,4m. Lòng kiến trúc rộng 8,5m. Các móng cột hình vuông, kích thước trung bình 0,8m, được gia cố bằng gạch chữ nhật và đá lót ở đáy hố móng. 

Các móng cột chia thành 02 hàng thẳng chạy song song theo hướng Bắc - Nam, mỗi hàng có 8 móng cột. Đây là một phần của kiến trúc có 7 gian và 2 chái. Khoảng cách trung bình các gian được tính bằng khoảng cách giữa hai tâm móng cột khoảng 4m. Độ rộng hai chái khoảng 3m. 

Khoảng cách giữa hai hàng móng cột chạy song song theo chiều Bắc - Nam là 8,5m. Theo chúng tôi, đây chính là độ rộng lòng kiến trúc, còn phần kẻ và bẩy, phần hiên trước, hiên sau thì không tìm hiểu được vì hạn chế về diện tích khai quật. 

Các móng cột về cơ bản bị đào phá nhiều, chỉ còn lại một phần đáy móng cột với các viên gạch hình chữ nhật đỏ và xám xếp liền nhau nằm trên nền đất sét vàng, lẫn cát vàng thời Lý.

a33-367457848-1710256882.jpg
Mô hình giả định di tích kiến trúc  12.VH.TR.KT 001. Xử lý BV: Lưu Văn Hùng, Nguyễn Trung Thành

Về cơ bản vật liệu đầm móng cột là sử dụng các viên gạch hình chữ nhật đỏ và xám thời Đại La đến thời Trần, trong đó có tái sử dụng nhiều viên gạch hình chữ nhật thời Lý, màu đỏ tươi loang đất sét màu vàng trắng. Đa số là gạch không trang trí hoa văn, gạch dày trung bình 4cm - 6cm. Ngoài ra móng cột còn được đầm bởi một số mảnh ngói đỏ và xám thời Đại La và thời Lý cùng với sỏi cuội nhỏ. Các viên gạch sử dụng đầm hố móng được xếp xen kẽ liền nhau thành từng lớp từ đáy lên trên, một số di tích có lõi đất ở giữa, xung quanh xếp kè các viên gạch với nhau. 

Hố móng có dạng hình lòng chảo, được đào vát 2 cạnh, mở rộng ở bên trên và thu hẹp dần về đáy hố. Đất đầm móng cột là đất sét thuần, mịn, màu nâu vàng có pha cát nhỏ. Kích thước trung bình của các di tích móng cột: 60cm đến 80cm.

a-65647785858998-1710257025.jpg
Mặt bằng hiện trạng di tích kiến trúc 12.VH.TR.KT 001. Nguồn: VKCH

Qua bảng kê trên chúng ta có thể thấy, khoảng cách giữa các móng cột theo chiều Bắc Nam là không đều nhau, có thể bước đầu có các giải thích như sau:

Thứ nhất, các di tích móng cột hiện trạng chỉ còn lại phần đáy của móng cột, toàn bộ phần phía trên đã bị phá hủy cho nên khoảng cách giữa các phần đáy móng cột không phải là khoảng cách giữa các hàng cột trong kiến trúc của di tích. Căn cứ vào hiện trạng của di tích, có thể khoảng cách giữa các móng cột lúc chưa bị phá hủy là khoảng 4m.

Thứ hai, khoảng cách giữa 02 cặp móng cột: MT.007 - MT.008 (MT.291 - MT.005A) và MT.016 - MT.017 (MT.292 - MT.005B) lại quá lớn: 10.1m. Có thể giải thích rằng giữa hai cặp Móng cột này còn có ít nhất 1 móng cột khác nữa nhưng đã bị mất hoặc bị phá hủy không còn dấu vết.

Bảng kê khoảng cách các móng cột theo chiều Đông Tây (Từ Tây sang Đông):

aa-23563464574788-1710257117.jpg

Qua bảng kê trên chúng ta thấy khoảng cách giữa các móng cột theo chiều Đông Tây là tương đối đều, khoảng 4,5m.

Theo khoảng cách Đông Tây, chỉ còn lại hai hàng móng cột; hàng móng cột nằm giữa chỉ còn dấu vết của một móng cột có ký hiệu MT.009 (12VH.G03.MT.019 theo ký hiệu hố khai quật ). Móng cột này nằm song song theo chiều Đông Tây với 02 móng cột có ký hiệu MT.008 và MT.017 (theo ký hiệu hố khai quật lần lượt là 12VH.G03.MT.005A và 12VH.G03.MT.005B).

Căn cứ mặt bằng hiện trạng xuất lộ các di tích móng cột, cũng như về vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng chúng tôi nhận thấy đây là kiến trúc tương đối lớn với 03 hàng chân cột chạy dài theo chiều Bắc Nam và rộng theo chiều Đông Tây. Hiện tại, bước đầu có thể xác định kiến trúc có 7 gian và 2 chái. Khoảng cách trung bình các gian được tính bằng khoảng cách giữa hai tâm Móng cột khoảng 4m, cùng với đó kiến trúc thời Trần 12VH.TR.KT001 vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu.

4. Kết luận 

Các di tích có niên đại thời Trần tại địa điểm Đường hầm vã bãi xe ngầm có số lượng không nhiều (chỉ có 42 di tích) so với một số thời kỳ khác có niên đại như thời Đại La, thời Lý...Loại hình di tích cũng không thật sự phong phú chủ yêu bao gồm: di tích kiến trúc, di tích nền kiến trúc, di tích dải gốm/cụm gốm, di tích hố đất đen...Tuy nhiên các kết quả khai quật thu được đã góp phần chứng minh  sự tồn tại liên tục của các công trình kiến trúc tại khu vực Đường hầm và bãi xe ngầm từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, cũng như góp thêm tư liệu nghiên cứu di tích thời Trần tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

va-23634673474788-1710257227.jpg
Mô hình giả định bộ mái di tích kiến trúc 12 VH.TR.KT001. Xứ lý bản vẽ: Lưu Văn Hùng, Nguyễn Trung Thành

4.1. Đặc trưng của di tích kiến trúc thời Trần

Trong 175 năm tồn tại và phát triển, các thành tựu có được từ thời Lý đã được nhà Trần kế thừa, bổ sung đưa lên tầm vóc mới. 

Kinh thành Thăng Long giai đoạn này không ngừng được mở rộng, bên cạnh việc củng cố, cải tạo, sửa sang các công trình có từ thời Lý, các cung điện khác cũng được bổ sung xây dựng phục vụ cho việc triều chính. Các tài liệu ghi chép, trong thời Trần có 7 đợt xây dựng được tiến hành trong Hoàng cung, đã có 12 cung, 12 điện trong tổng số 96 công trình được xây dựng.

Năm 1230, nhà Trần đã qui hoạch lại khu trung tâm của Hoàng cung cho phù hợp với thiết chế chính trị, ở 2 bên của điện Thiên An là các cung Thánh Từ, nơi Thượng Hoàng ở, và cung Quan Triều, nơi vua ở, cùng với nhiều các công trình kiến trúc xung quanh. Sau đó còn có nhiều đợt xây dựng, tu bổ, cải tạo nữa được tiến hành, trong đó quy mô nhất vào các năm 1289 và năm 1371.

- Các di tích thời Trần ở khu vực 18 Hoàng Diệu được nhận diện như sau:

Trên toàn bộ khu vực khai quật 18 Hoàng Diệu, chưa xuất lộ công trình kiến trúc nào hoàn chỉnh của thời Trần.

Tuy nhiên, tại một số vị trí khu vực khai quật, di tích nền móng kiến trúc thời Trần được nhận diện với những đặc điểm chung, gồm 2 giai đoạn.

+ Giai đoạn 1: giai đoạn này có thể là thuộc đầu thời Trần, dấu tích của di tích kiến trúc được nhận diện trên mặt bằng các di tích kiến trúc thời Lý. Ở đó, các vật liệu xây dựng thời Trần được tìm thấy. Chính vì vậy, khả năng giai đoạn này về cơ bản các di tích nhà Trần kế thừa từ thời Lý, có chăng chỉ là việc cải tạo, sửa chữa, thu hẹp hoặc mở rộng kiến trúc thời Lý đó mà thôi.

Do vậy, mặt bằng kiến trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng nền móng kiến trúc giai đoạn này về cơ bản giống với thời Lý. Khả năng, giai đoạn này ở khoảng trước 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

+ Giai đoạn 2: các di tích thời Trần giai đoạn này có sự khác biệt hoàn so với thời Lý cũng như thời Trần giai đoạn 1, với những nét như sau:

Mặt bằng kiến trúc: hình chữ nhật, với nhiều loại hình: móng cột, giếng nước, tường bao, sân nền,... nằm chồng đè lên các di tích nền móng kiến trúc thời Lý. 

Vật liệu xây dựng: tại các móng cột, vật liệu nhìn thấy phổ biến là các mảnh gạch và ngói vụn, xen vào đó là đất sét.

Kỹ thuật xây dựng: các móng cột giai đoạn này phát hiện được có kích thước nhỏ hơn, trung bình khoảng 0,8m x 0,8m.

- Tại địa điểm đường hầm vã xe ngầm đã xuất lộ đầy đủ mặt bằng của 01 di tích nền móng kiến trúc ở hố G3 với nhiều điểm riêng, khác với các di tích thời Trần đã phát hiện được tại khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Kiến trúc này có những đặc điểm sau:

+ Mặt bằng: hình chữ nhật, dài theo chiều Bắc Nam: 33m, rộng theo chiều Đông Tây: 9m.

+ Kết cấu: mỗi vì có 02 móng cột (có thể là 3 móng cột vì trong hàng đầu tiên phía Nam có 03 móng cột).

+ Quy mô: theo hiện trạng, quy mô kiến trúc gồm 9 gian.

+ Kỹ thuật xây dựng: các hố móng xuất lộ đều thuộc phần đáy, ở đó có các mảnh gạch và ngói, có thể được dùng để lót đáy của hố móng.

+ Vật liệu xây dựng: các mảnh gạch, ngói mang những nét đặc trưng của thời Trần.

Căn cứ vào đặc điểm hiện trạng và quy mô, đây có thể nhận định đây là công trình kiến trúc kiểu hành lang?

4.2. Giá trị lịch sử - văn hóa khu vực địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ

Từ kết quả khai quật và nhận thức về di tích tại địa điểm khai quật Đường hầm và bãi xe ngầm, có thể nhận định một số giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích trên mấy vấn đề sau:

Việc nhận thức và nghiên cứu các di tích ở địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm đóng góp vào việc nhận thức chung về di tích kiến trúc tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.

Tại địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm với việc phát hiện và xuất lộ đầy đủ mặt bằng di tích ở hố G3 đã đóng góp thêm 1 kiểu mặt bằng và có thể là chức năng khác (hành lang) trong tổng thể các di tích thời Trần tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Các dấu tích kiến trúc thời Trần tại khu vực Đường hầm và bãi xe ngầm góp phần tìm hiểu lịch sử kiến trúc Kinh thành Thăng Long

Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt 216 năm vẻ vang của vương triều Lý, mở ra một triều đại mới trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại nhà Trần. Lên nắm quyền cai trị đất nước, nhà Trần vẫn duy trì, tiếp tục các công việc của nhà Lý trước đó. Tuy nhiên, trong lịch sử 175 năm tồn tại, phát huy tinh thần chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, các giá trị có được ở triều đại trước được đưa lên một tầm vóc mới. Diện mạo Thăng Long được quy hoạch, thay đổi, các công trình kiến trúc được cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới cho phù hợp. Trong đó nổi bật là hai đợt xây dựng với quy mô lớn được tiến hành trong các năm 1289 và 1371.

Tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Trần, khảo cổ học đã xác định được 30 dấu tích kiến trúc, tường bao, 2 giếng nước, 10 cống nước… Khảo cổ học cũng đã xác định dấu tích kiến trúc thời Trần ở các địa điểm 62 - 64 Trần Phú, Nam Giao, Xã Tắc… (Tống Trung Tín, 2020)

Đáng chú ý nhất ở đây là kiến trúc ký hiệu TA.KT.006 phát hiện được tại phía Bắc khu B, nằm trong phạm vi hố khai quật B16. Mặt bằng kiến trúc có dáng hình chữ nhật với 05 hàng móng trụ tạo thành 04 khoảng cách gian, dài theo chiều Bắc Nam là 15.6m trong khi đó theo chiều rộng Đông - Tây có 03 hàng chân cột tạo thành một 2 khoảng cách. Mặt bằng hiện trạng cho thấy, dấu tích còn lại của kiến trúc không còn đầy đủ, hầu hết móng trụ đã bị cắt phá, có hai móng ở vị trí góc Tây Nam của kiến trúc đã bị phá huỷ hoàn toàn bởi hố đào vào giai đoạn sau. Trên tổng số khoảng 16 móng cột đã được tìm thấy, theo chiều Bắc - Nam, phân bố thành 4 gian rộng trung bình từ 4,65m đến 4,8m; theo chiều Đông - Tây, bộ vì của kiến trúc gồm 4 cột, khoảng cách từ cột quân đến cột cái là 2,7m, khoảng cách giữa các cột cái là 6,0m.

Về kỹ thuật xây dựng móng cột, móng cột của kiến trúc TA.KT.06 đều có hiện trạng bị phá huỷ phần trên. Qua mặt cắt địa tầng móng cột số 13 (KT.06.MT.013) hiện cao hơn các móng cột khác khoảng 20cm, có kích thước theo chiều Đông Tây là 1,3m với độ sâu là 85cm được gia cố bằng 13 lớp đầm ngói vỡ và đất sét đầm nén rất công phu, phản ánh tính kiên cố, bền vững của công trình.

Như vậy kích thước mà chúng ta quan sát được từ các trụ móng nằm trên mặt nền của kiến trúc LY.B.KT.023, thực sự không phản ánh đúng kích thước của móng cột mà nó vốn có.

Từ việc nghiên cứu so sánh với các di tích khác thời Trần trên khu vực 18 Hoàng Diệu, nhất là với kiến trúc KT006 thì có thể nhận thức được sự khác biệt về kỹ thuật xây dựng và kết cấu kiến trúc trên một số vấn đề:

Thứ nhất, về vật liệu xây dựng móng cột, nếu như ở KT006, các móng cột của kiến trúc đều được xây dựng bằng ngói và đất sét, trong đó có việc đầm thành từng lớp rất kiên cố với 13 lớp đầm, vật liệu ngói của lớp đầm bị vỡ mủn dạng bột, cho thấy người ta đã đầm rất kỹ và chặt, xen giữa các lớp ngói là những lớp đất sét. Đây là kỹ thuật xây dựng chịu ảnh hưởng của kỹ thuật xây dựng móng cột của thời Lý trước đó.

Ngược lại, ở di tích kiến trúc KT001 khu vực 36 Điện Biên Phủ, vật liệu quan sát được trong các hố móng (ngay cả đối với các móng cột còn nguyên vẹn nhất ở phía Nam) rất không đồng nhất, ở đó gồm các loại: mảnh gạch, ngói và đất, nhưng chúng không được đầm kiên cố thành từng lớp, đất sét không tinh mịn, đáy hố móng có hiện tượng đặt lót các mảnh gạch có kích thước lớn. Điều đó cho thấy, đây là hiện tượng mới trong kỹ thuật xây dựng móng cột kiến trúc, hoàn toàn chưa được tìm thấy trong các kiến trúc thời Trần tại khu vực 18 Hoàng Diệu. Có thể, kiến trúc KT001 tại 36 Điện Biên Phủ là minh chứng cho sự thoái trào của kỹ thuật xây dựng kiến trúc thời Trần tại Hoàng thành Thăng Long.

Thứ hai, về quy mô và kết cấu kiến trúc. Rõ ràng, kiến trúc TA.KT006 thời Trần tại hố khai quật B16 có quy mô lớn hơn, kết cấu bộ vì khác với di tích TR.KT001 tại 36 Điện Biên Phủ.

Xét về quy mô, rõ ràng kiến trúc ở khu B là lớn hơn với phần đã xuất lộ là 286m2, phần còn lại hoặc chưa xuất lộ, còn nằm trong vách hố khai quật, hoặc đã bị phá huy. Còn đối với TR.KT001 thì mặt bằng đã xuất lộ toàn bộ với không gian diện tích khoảng 297m2.

Xết về kết cấu: Kiến trúc thời Trần khu B có kết cấu bộ vì có 4 chân cột tạo thành 3 khoảng cách, trong đó khoảng cách 2 là lòng kiến trúc là 6,0m. Còn kiến trúc ở 36 Điện Biên Phủ có kết cấu bộ vì 3 chân cột tạo thành 2 khoảng cách đều nhau.

Như vậy, kiến trúc của thời Trần phát hiện được ở khu G đã cho thấy có nhiều sự khác biệt so với các kiến trúc khác đã phát hiện được tại 18 Hoàng Diệu, đó có thể là minh chứng cho sự thoái trào về kỹ thuật xây dựng công trình kiến trúc, nhất là kỹ thuật xây dựng các móng cột.

Tại Khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu vực điện Kính Thiên, cuộc khai quật đã làm xuất lộ nền móng của di tích kiến trúc thời Trần với dấu tích quan trọng là nền móng là các móng cột được xây dựng bằng các loại vật truyền thống như sỏi, đất sét và ngói vụn. Khác biệt với các di tích thời Trần tại 18 Hoàng Diệu và khu vực 36 Điện Biên Phủ.

Có thể thấy, trên cơ sở kiến trúc Thăng Long thời Lý, thời Trần chỉ việc tôn cao thêm lên hoặc gia cố thêm trên các móng nền của di tích Lý, thậm chí dựng lại luôn vị trí của nền móng cũ như việc sử dụng lại kiến trúc Bát Giác thời Lý. Việc tôn cao nền móng để xây dựng kiến trúc thời Trần trên nền móng thời Lý được thấy ở khu B (18 Hoàng Diệu), móng nền ở đây đã tôn cao thêm 0,36m, ở phía Nam khu di tích Chính điện Kính Thiên được tôn cao thêm 0,30m - 0,50m. 

Nhiều vị trí khai quật cho thấy mặt bằng kiến trúc thời Trần gần như ngang bằng với kiến trúc thời Lý. Ví dụ: ở khu B phía Bắc 18 Hoàng Diệu, dấu tích móng cột ngói vụn có mặt bằng ngang với mặt bằng với dấu tích móng cột sỏi kiến trúc Lý. Ở khu A phía Bắc thì móng cột sỏi thời Trần nằm trên móng cột thời Lý. Trên các nền móng xây mới hoặc sử dụng lại, các dấu tích kiến trúc thời Trần được nhận diện khá nhiều như bó nền, nền kiến trúc, sân gạch, móng cột, đường nước, cống nước, dấu tích ao hồ... Loại móng cột điển hình thời Trần ở Thăng Long được gia cố bằng sỏi và các loại hình vật liệu hỗn hợp khá gần gũi với móng cột kiến trúc thời Lý có kích thước trung bình dao động trong khoảng 1,10m - 1,50m x 1,30m - 1,60m x 0,90m - 1,30m. Loại móng cột này cũng khá gần với kiến trúc Trần ở di tích hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) (Lê Ðình Ngọc, Hoàng Xuân Tứ, Trương Huyền Sa, 2017).

Nhưng, thời Trần phổ biến hơn là loại móng cột làm bằng gạch ngói vụn, kích thước nhỏ (0,80m - 0,90m x 0,80m - 0,90m x 0,30m - 0,50m). Về kích thước, phương vị kiến trúc thời Trần nhìn chung đều tương tự như kiến trúc Lý qua số đo của một số dấu tích kiến trúc khu A và khu B (18 Hoàng Diệu), dấu tích kiến trúc hành cung Lỗ Giang (Thái Bình). Trong khi các dấu tích khảo cổ học thời Trần ở Kinh đô được nhận diện hơi ít do điều kiện mặt bằng thời Trần nằm ở bên trên mặt bằng kiến trúc thời Lý cho nên rất dễ bị hủy hoại thì một vài kiến trúc ở ngoài Kinh đô lại lưu giữ khá tốt như ở chùa Báo Ân (Gia Lâm) của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phát hiện được nền móng, bó nền, móng cột… Ðặc biệt, ở chùa Bà Tấm có một ngôi chùa thời Trần đã được xây chồng lên trên kiến trúc chùa thời Lý trước đó với hai nếp nhà đều có hình chữ nhật song song với nhau (46,00m x 14,70m) mang đặc điểm chung về kỹ thuật, kích thước, kiến trúc Trần ở các nơi khác (Nguyễn Ngọc Chất, 2015). 

Đến các giai đoạn tiếp theo, các thay đổi lớn trong quy hoạch đã làm xuất hiện các di tích kiến trúc mới nằm đan xen, chồng đè lên các di tích nền móng kiến trúc thời Lý. Trên cơ sở đó, khảo cổ học đã phát hiện và xác định được 7 di tích nền móng cung điện được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 13 cùng hệ thống các công trình phụ trợ của kiến trúc như hồ, giếng nước, hệ thống tường bao xây dựng bằng gạch, chân tường được trang trí bằng các ô hoa chanh.

Để xây dựng được các công trình kiến trúc nhà Trần đã huy động nguồn nhân - vật lực lớn. Móng nền của các di tích được đắp bằng đất sét màu nâu vàng, loang lổ các ổ sét màu vàng, vàng trắng thuộc tầng Vĩnh Phúc được khai thác, vận chuyển về Thăng Long phục vụ cho việc vượt nền xây dựng các công trình kiến trúc.

Các kiến trúc thời Trần đã bị thời sau phá hủy mạnh, dấu tích còn nhận diện được là các móng cột cho thấy vẫn tiếp thu từ nhà Lý về kỹ thuật và vật liệu, đó là việc đầm chặt sỏi, ngói và đất sét thành các lớp trong hố móng cột. Các loại vật liệu như sành và bao nung dùng trong xây dựng các móng cột của thời Lý đến thời Trần chưa tìm được hoặc có thể các vật liệu này không còn được sử dụng.

Minh chứng rõ nét cho các thay đổi mặt bằng các kiến trúc trong quy hoạch là hệ thống các tường bao được xây dựng bao quanh đơn nguyên một kiến trúc hay một quần thể kiến trúc. Các dấu tích tường bao được xây dựng nằm đè lên các móng cột của kiến trúc thời Lý và mang những đặc điểm riêng của thời Trần. Nếu như ở tường bao của thời Lý, móng tường được gia cố kiên cố bằng sỏi, ngói, đất sét đầm chặt, thân tường được xây bằng gạch bìa, thì sang đến thời Trần, móng tường không còn kiên cố nữa, thân tường rộng trung bình từ 0,95m đến 1,10m được xây dựng bằng gạch bìa, chân tường được trang trí rất mỹ thuật bằng các ô ngói và gạch bìa cách điệu hình hoa chanh. Và xuất hiện loại tường bao mang nét mới, hai bên được xây dựng bằng gạch bìa, thân tường dùng các loại vật liệu nhồi vào. Trên tổng thể, các móng tường bao thuộc giai đoạn 1 của thời Trần có sự kết nối với dấu tích ở hố D2, ở đó có thể xác định được đầy đủ dấu tích của một công trình kiến trúc với các thành phần như bó nền, móng cột, và hệ thống tường bao bao quanh mặt phía Bắc. Bước gian của kiến trúc rộng trung bình 4,8m. Và mặt bằng kiến trúc này nằm chồng lên trên một kiến trúc khác của thời Lý.

Sự thay đổi về mặt bằng quy hoạch các kiến trúc dẫn đến việc các công trình phụ trợ cũng thay đổi theo cho phù hợp.

Việc phát hiện và làm rõ được mặt bằng kiến trúc thời Trần ở địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm là đóng góp mới, rõ nét vào nhận thức chung diễn trình kiến trúc thời Trần trên tổng thể lịch sử kiến trúc của Kinh đô Thăng Long.

Bộ khung gỗ của các kiến trúc đã bị phá hủy hoàn toàn, tuy nhiên vật liệu xây dựng bộ mái và sân nền đã tìm được với số lượng nhiều. Nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Trần một mặt kế thừa từ thời Lý, mặt khác đã phát triển và sáng tạo ra những nét mới đặc trưng của thời đại. Đó là sự xuất hiện của loại gạch trang trí hoa chanh, các loại ngói mũ sen, ngói mũi lá, các phù điêu trang trí có đường nét phóng khoáng, khỏe khoắn mang đậm dấu ấn riêng của thời Trần.

Vật liệu bên dưới của kiến trúc cũng có những đặc điểm khác dễ phân biệt với thời Lý. Gạch vuông lát nền nhìn chung được làm từ đất sét có độ tinh lọc không cao, có lẫn nhiều hạt sạn nhỏ, kích thước gạch nhỏ hơn, trung bình 0,35m x 0,35m x 0,04m dùng để lát nền, xây dựng giếng nước, cống nước. Gạch bìa có đặc điểm bề mặt thường có các đường cong xuất phát từ một điểm do kỹ thuật chế tác để lại, kích thước trung bình 0,35m x 0,17m x 0,05m (dài x rộng x dày) được dùng để xây dựng các công trình phụ trợ của kiến trúc.

Như vậy, các bằng chứng của khảo cổ học từ thời Đại La đến thời Lê Trung hưng đã phán ánh sinh động, trung thực, khách quan các giá trị về mặt kiến trúc của các thời kỳ. Các di tích kiến trúc qua mỗi thời kỳ lại có những nét đổi mới riêng, nhưng vẫn kế thừa các thành tựu đạt được của các thời kỳ trước. Cũng có một số thành tựu đạt được ở thời kỳ trước bị suy thoái, biến mất khi bước sang thời kỳ mới. Đặc điểm nổi bật của kiến trúc trong mỗi thời kỳ là chỉ dấu cho việc nghiên cứu các di tích kiến trúc thuộc cùng thời kỳ. Qua đó, phác thảo được phần nào diễn trình lịch sử của kiến trúc trong kinh thành Thăng Long.

Tài liệu dẫn

Viện Khảo cổ học 2014. Báo cáo sợ bộ kết quả khai quật và xử lý di dời di tích, di vật Đường hầm và bãi xe ngầm công trình nhà quốc hội. Tư liệu Dự án.

Nguyễn Ngọc Chất 2015. Báo cáo tóm tắt kết quả khai quật chùa Bà Tấm năm 2015. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Lê Đình Ngọc, Hoàng Xuân Tứ, Trương Huyền Sa 2017. Hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) - Những khám phá khảo cổ học năm 2014 – 2015. Trong Thông báo Khoa học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

Tống Trung Tín 2020. Văn Hiến Thăng Long – Bằng chứng Khảo cổ học.

Lưu Văn Hùng 2021. Di tích kiến trúc tại địa điểm Đường hầm và bãi xe ngầm, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Luận Văn Thạc sỹ. Học Viện Khoa học xã hội.

Phạm Văn Triệu 2023. Nhận diện cấm thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê qua một số kiến trúc di tích địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ. Tạp chí Khảo cổ học, số 1/2023.

ThS. Lưu Văn Hùng - Viện Khảo cổ học
Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện đặc trưng di tích kiến trúc thời Trần (Thế kỷ 13 - 14, khu G) địa điểm đường hầm và bãi xe ngầm tại 36 Điện Biên Phủ" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.