Nguyễn Đình Nghĩ một đời trả nợ cho Đà Lạt
Sáng thành phố ngàn hoa, hơi thu vẫn tràn trề, nét se lạnh còn đọng rõ trên đôi má hồng của những thiếu nữ áo dài thuở tới trường. Có một người hằng ngày vẫn đi tìm hơi thở nồng nàn của phố để trả nợ, món nợ không vay. Tôi hẹn gặp gã ở quán cà phê cóc cuối một con hẻm nhỏ đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt. Tôi vốn không thích những chốn sang trọng, nghi thức và tốn kém, được cái, gã cũng thế. Cứ xuề xòa với nhau cho đời thoải mái, phóng khoáng, nghi thức là thứ ràng buộc bất định khiến người ta dễ rơi vào cứng nhắc, khô khan.
Là Trưởng Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, Nguyễn Đình Nghĩ ít khi chịu ngồi một chỗ. Tuổi đã gần 60 nhưng anh thích mình là con sóc để thoăn thoát “xê dịch”, nay ở đường này, rồi mai lại góc phố bên kia hơn là hưởng sự an nhàn, nghỉ ngơi. Phần lớn thời gian trong ngày, Đình Nghĩ dùng để rong ruỗi, hết phố đến làng, chán miền xuôi gã tìm đường lên trên bản thượng, để nhìn đời, suy ngẫm và sáng tác. Một ánh mắt đẹp, một đôi môi căng mọng, một điệu ru con, hạt sương đêm còn sót lại, hay cơn gió sắt se thoảng qua miền cao nguyên mà gã bắt gặp dọc đường cũng đủ để tạo thành nguồn cảm hứng bất tận cho những nốt nhạc phiêu bồng, lãng du. Sự trải nghiệm chính là nguồn “nguyên liệu” thô để gã “gột nên hồ” trả nợ cho Đà Lạt. Bao năm nay rồi, cứ như thế, Đình Nghĩ liên tiếp viết ra những hình ảnh đẹp đến nao lòng người và nhận đầy ắp giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam (hơn 10 năm liên tiếp). Từ hoa Langbiang, say trăng, đến điệu ru mặt trời, trở về đồi cỏ cháy, điệu gian giao, ngàn năm mây trắng… với sự thể hiện thành công của những ca sĩ tên tuổi, như Tuyết Mai, Mỹ Lệ, Mai Khôi, Nguyên Thảo, Hoàng Nghiệp... Gã nói, còn phải viết, viết để trả nợ cho Đà Lạt, món nợ không vay.
Thật ra, Nguyễn Đình Nghĩ vốn sinh ra ở Huế, lớn lên bên cạnh dòng sông Hương diễm lệ và hào hoa. Từ nhỏ, Đình Nghĩ đã được kế thừa truyền thống của gia đình về dòng nhạc tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái, đó là Nhã nhạc Cung đình Huế. Gã cũng là người khá may mắn khi được đào tạo bài bản về thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Huế rồi Học viện Âm nhạc Hà Nội. Thói phiên bồng, lãng tử của chàng trai xứ Huế đã đẩy anh tới, bắt duyên, kết nợ với Đà Lạt, vùng đất xưa nay vốn là nơi thường lui tới, tá túc của những văn nghệ sĩ danh tiếng lừng lẫy, thời “thơ mới” có nữ sĩ Tương Phố, đến Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, rồi về sau có Nhất Linh, Hoàng Nguyên, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Phạm Duy, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, Đinh Cường, Lê Uyên - Phương… Họ đến để trải nghiệm, khắc khoải với tiếng gọi nghệ thuật, tìm cảm hứng, suy tưởng, sáng tác và biểu diễn. Đà Lạt thời hào hoa, tao nhã, vốn không thích hợp cho những tay phàm phu tục tử. Những trí thức nghệ sĩ lưu lạc, đặt chân tới miền đất này tá túc từ trước tới nay là để chiêm nghiệm, và mặc định mình là kẻ mắc nợ Đà Lạt, một đời ray rứt, thậm chí khổ đau với trần thế để sáng tác, dày công biểu diễn mà trả nợ đời, trả cho Đà Lạt những gì vốn xứng đáng được nhận.
Chính vì vậy, sau hai năm chọn vùng đất này cư ngụ, được Đà Lạt “cưu mang”, chàng trai bên dòng sông Hương diễm lệ Nguyễn Đình Nghĩ đã cho ra đời ca khúc nức tiếng “Hoa Langbiang”, và nay được coi là bài ca truyền thống của người Cil dưới chân núi Langbiang: “Em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Lang Biang/ Sông Krông Nô xanh màu mắt em quê hương buôn làng Kon Đố!... Chim Chơ Lang hát chào mùa xuân như nói buôn làng em đó/ Ôi Lang Biang qua rồi thương đau hôm nay hoa nở khắp lối...”. Thực ra, về học thuật, chẳng nơi nào có loài hoa mang tên gọi Langbiang cả. Hoa Langbiang thực chất là chỉ người con gái đẹp, cụ thể là những thiếu nữ người Cil ngày ngày lên rẫy với chiếc gùi truyền thống trên lưng. Bài hát đầu tay được sáng tác năm 1982 của nhạc sĩ Đình Nghĩ chính là tôn vinh những cô gái đẹp ở cao nguyên Langbiang huyền thoại của xứ Lạc Dương. Đã có lần tôi hỏi già làng K’Đam của người Cil dưới chân núi Mẹ về bài hát “Hoa Langbiang”. Ông nói ít nhất 80% người Cil dưới chân núi Langbiang thuộc lòng bài hát này. Đương nhiên, “Hoa Langbiang” của Đình Nghĩ không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, mừng mùa lúa mới, lễ hội của người Cil gắn liền với điệu múa dân gian hoang dã truyền thống.
Gã đưa ngón tay lên tính nhẩm, gương mặt bỗng hốt hoảng, bàng hoàng, vậy là đã 37 năm tới Đà Lạt cư ngụ, khoảng thời gian dài đằng đẵng, vậy mà gã cứ ngỡ mới vừa đây thôi. 35 năm dấn thân vào con đường nghệ thuật, miệt mài sáng tác, Đình Nghĩ quên cả thời gian, tuổi tác, hằng ngày gã vẫn đều đặn đi tìm những nốt nhạc hay để trả nợ cho Đà Lạt. Anh cũng là người có duyên “sưu tập” các giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam và trong các cuộc thi khác. Từ năm 2006 đến nay, hầu như năm nào Nguyễn Đình Nghĩ cũng có tác phẩm đạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Một sáng tác của Đình Nghĩ
Bộ Công an cũng đã từng trao giải thưởng tác phẩm suất sắc trong Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân giai đoạn 2011 – 2015 cho anh với bài hát “Mặt trời lên đâu phải hết sương mù”, phỏng thơ Phạm Xuân Quang. Bài hát ra đời vào năm 2012 trong những ngày Đình Nghĩ tham gia trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức tại Đà Lạt. Ở trại sáng tác này, gã gặp Đại tá Phạm Xuân Quang và được nghe anh trình bày một bài thơ được sáng tác từ thời còn là sinh viên Trường Đại học An ninh. Lời thơ, nhịp điệu, ý tứ như ngân lên một giai âm, giàu chất thơ và nhạc. Tất cả trở thành sự đồng điệu, cộng hưởng của nhạc sĩ và nhà thơ. Nhạc sĩ Đình Nghĩ đã nhanh chóng chắt lọc những câu thơ hay, những ý tứ “đắt” nhất làm nên cái “thần” của bài thơ và phổ nhạc rồi đặt tên ca khúc “Mặt trời lên đâu phải hết sương mù”.
Tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ Công an nhân dân ngày đêm thầm lặng giữ yên vùng trời, vùng biển, giữ bình yên cuộc sống trên mọi miền Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trang nghiêm mà gần gũi, thân quen nhưng không kém lãng mạn được khắc họa bằng những ca từ: “Mặt trời lên đâu phải hết sương mù/ Những bóng mây đen vẫn còn đây đó/ Chiến sĩ an ninh ngày đêm còn gian khổ/ Ôi nụ hoa, nụ hoa bên trời vời vợi chiều xa lung linh xinh tươi/ Nghe mùa xuân mùa xuân dâng đời...”. Lời ca nồng nàn, da diết trên nền nhạc đệm cồng chiêng trầm hùng, âm vang đâu đây đại ngàn Tây Nguyên. Ngay trong năm 2012, bài hát trở thành 1 trong 10 tác phẩm âm nhạc xuất sắc nhất viết về ngành Công an được Bộ Công an trao giải thưởng.
Cao nguyên mênh mông không đủ để thỏa mãn chí tang bồng. Có lần gã xuôi về miền đồng bằng để lắng nghe giai điệu của biển, thổn thức với tiếng gọi trùng khơi. Nửa đêm trong hương ca đất trời, thức giấc ngỡ mình đang dạo bước ngoài đảo xa. Sóng biển vẫn vỗ đều, đó là giai điệu thiêng liêng, thôi thúc gã viết lên bản nhạc “Ơi con sóng biển chiều”. Bài hát mở đầu bằng những ca từ nhẹ nhàng gắn liền với biển ở thực tại rồi đi vào chiều sâu suy tưởng, gợi nhớ quá khứ của dân tộc: “Sóng vỗ chiều tiếng biển khát khao xanh/ Giữa hoàng hôn đại dương ôm đảo vắng/ Mây trắng xô nghiêng hồn nhiên đôi bờ… Sóng vỗ chiều nhắc điệu lý cho nhau/ Thuở hồng hoang Lạc Long là thế đấy…”. Lời bài hát lúc da diết, khi hào hùng, lúc sôi nổi khi lại chìm vào ưu tư, suy tưởng, cảm xúc tự hào về biển đảo trào dâng. Đây cũng là bài hát được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải C vào năm 2015.
Nguyễn Đình Nghĩ cùng các ca sĩ ở phòng trà Mỹ Hạnh
Trong lúc ngẫu hứng, gã ôm ngay cây đàn guitar bên cạnh, tay nâng phiếm đàn, miệng say sưa hát: “Bên rào hoang tường vi lại nở/ Đỉnh mù xa cội sim còn đọng… Con đường xanh chồi non ngào ngạt/ Hương ngọc lan bừng say muốn khóc/ Trải lòng cuối đất, đầu trời xin từng giọt bình yên/ Cỏi đào nguyên!..”. Đó là ca từ của một đoạn trong bài hát “Cõi đào nguyên”, gã viết trong dịp 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
Đến bây giờ, đã có bao nhiêu bài hát tôn vinh, ngợi ca Đà Lạt mộng mơ rồi gã không nhớ rõ, chỉ biết rằng rất nhiều, nhưng thế hãy vẫn còn chưa đủ. Hằng ngày, gã vẫn phải lang thang đi tìm những nốt nhạc đẹp, viết để trả nợ cho miền đất này, món nợ không vay.