Nhạc sỹ Văn Bền
Ngoài một thời gian dài đệm đàn cho các nghệ sỹ nổi tiếng như Út Trà Ôn, Lệ Thủy, Diệu Hiền… ông dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để dạy nhạc cho những người trẻ có niềm đam mê nghệ thuật cải lương khác. Thậm chí, nhiều học trò của ông hiện còn là giảng viên của Trường Đại học sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết đến như là người học trò xuất sắc nhất của danh cầm Văn Vĩ, một cây đàn nổi tiếng của xứ Nam kỳ cũng bị khiếm thị nhưng đường đời và đường âm nhạc của Văn Bền lại vô cùng trắc trở, gian nan. Do không có được đôi mắt như người bình thường, để học đàn, từ năm 12 tuổi ông đã tìm tới xin học nghệ với thầy Văn Vĩ. Tại đây, với phương pháp học đàn cực kỳ đơn giản và không theo bất cứ giáo án âm nhạc nào. Theo đó, ông lắng nghe thầy đàn rồi mò mẫm theo từng nốt để học theo chứ không có sách vở gì. Chính vì vậy, phải mất gần 10 năm luyện tập chăm chỉ, nhạc sỹ Văn Bền mới có thể tạm học xong những gì cơ bản mà người thầy chưa từng biết mặt truyền lại cho mình.
Nhạc sỹ truyền dạy cho học sinh những kỹ năng chơi đàn điêu luyện của mình
Trong căn nhà nhỏ ở đường Bến Vân Đồn (phường 2, quận 4, TP.HCM) người nhạc sỹ già tâm sự cùng chúng tôi. Theo đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi ông gắn bó với âm nhạc, dòng nhạc dân gian cải lương bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào vì rất nhiều luồng văn hóa ngoại lai khác du nhập. Thêm nữa, những chuyến đi diễn phải xa hơn, lâu hơn tới hàng tháng trời chứ không ở quanh quẩn thành phố như trước nữa. Vì vậy, để mưu sinh, ông lui vào việc dạy đàn, vừa như một sinh kế, vừa như là một tâm nguyện mà người thầy mù Văn Vĩ đã căn dặn, bằng mọi cách phải truyền được những tinh hoa của dòng nhạc cải lương lại cho những thế hệ đến sau.
Vừa lần lần lấy cây đàn ghi-ta phím lõm bằng gỗ đã gắn bó với mình suốt mầy chục năm, so lại những sợi dây mỏng mảnh cho tiếng đàn trong veo, người nhạc sỹ mù vừa chậm cho biết, suốt gần ba mươi năm qua, đây là nơi ông truyền lại những ngón nghề chơi đàn của mình. Đã có hàng trăm học trò. Họ có thể là người đam mê cải lương, học vì thích thú hay là những người gắn bó với dòng nhạc này như công việc mưu sinh. Tất cả, ông đều tận tình chỉ dạy những gì mình biết với niềm đam mê không gì khác. Người nhạc sỹ mù bảo, suốt mấy chục năm cống hiến cho đời, ông hiểu rằng không cách gì tốt hơn bằng việc truyền lại những kiến thức âm nhạc cho thế hệ trẻ. Được truyền ngọn lửa đam mê, tình yêu với âm nhạc cho những thế hệ trẻ là tâm nguyện của cuộc đời ông. Vì thế, ông sẽ thực hiện nó cho tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Nhìn người nghệ sỹ già lặng lẽ, chìm đắm trong không gian âm nhạc riêng của mình, với duy nhất chiếc đàn ghi-ta thân thuộc, chúng tôi hiểu rằng, có thể dòng nhạc gian dân này đã mai một ít nhiều nhưng chắc chắn, nó sẽ mãi mãi không bao giờ mất đi bởi cuộc đời còn có những người như ông, với một ngọn lửa và nhiệt huyết đam mê không gì sánh nổi.