Nhạc sĩ Thuận Yến – người gắn bó với văn hóa dân tộc

18/08/2016 08:05

Theo dõi trên

Nhạc sĩ Thuận Yến là một thành viên tích cực của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Tình yêu văn hóa dân tộc của ông không chỉ được thể hiện qua các tác phẩm âm nhạc thấm đượm hồn dân tộc, mà còn được thể hiện qua các hoạt động của ông tại Trung tâm này.


Có thể nói, bất cứ hoạt động nào của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cần đến ông, ông đều nhiệt tình tham gia. Không những vậy, ông còn đưa cả vợ - NSƯT Thanh Hương - và một số cộng sự tới đóng góp khả năng nghệ thuật phục vụ công chúng. Dịp Trung tâm tổ chức chương trình thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, Thuận Yến kịp thời phổ nhạc bài thơ “Huế vẫn trong tim Huế” của nữ sĩ cố đô này, rồi mời ca sĩ đến thể hiện. Cũng trong buổi nghệ thuật ấm cúng và đậm đà chất dân tộc ấy, ông lụi cụi kê ghế, đặt nhạc cụ cho NSƯT Thanh Hương biểu diễn những làn điệu dân ca ngọt ngào. Khi biết Trung tâm chuẩn bị tổ chưc hoạt động tưởng nhớ Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng qua chương trình "Trên cánh đồng mơ ước". ông tìm tòi trong di sản văn học của Viện sĩ, phổ nhạc bài thơ "Hoa sấu'' để NSƯT Đức Long trình diễn. Dịp khác, Trung tâm tổ chức tập huấn cho một số phóng viên về tuyên truyền cho văn hóa dân tộc, Thuận Yến cùng lên Tam Đảo góp tiếng nói về âm nhạc dân tộc để các phóng viên trẻ hiểu thêm và yêu thêm vốn âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Không những thuyết trình bằng vốn hiểu biết và nhiệt tình của mình, Thuận Yến còn ôm đàn ghi ta, tự đệm và hát cho các bạn trẻ nghe nữa. Hành động ấy của Thuận Yến cùng với giọng nói nhẹ nhàng, giọng hát truyền cảm của ông khiến các phóng viên trẻ hết sức khâm phục và cảm mến, từ đó họ có thêm hiểu biết và nhiệt huyết để viết các bài báo góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc.
 
Là nhạc sĩ đã trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, Thuận Yến ý thức rất rõ về tính giáo dục, tính chính trị của âm nhạc. Nhưng, tiếp cận cuộc sống mới, ông cũng hiểu thấu đáo tính chất giải trí của âm nhạc có sức cuốn hút mạnh mẽ với giới trẻ. Ông tìm ra phương pháp kết hợp giữa giải trí và giáo dục. Ông chủ động sáng tác những ca khúc thể hiện tình yêu lứa đôi theo kiểu trẻ trung, trong đó lồng ghép những ý tứ về trách nhiệm của thanh niên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông còn khuyên những người mới sáng tác là chỉ nên viết một lời, chứ không nên viết nhiều lời cho một ca khúc, để cho các ca sĩ thời nay dễ thuộc, vì theo quan sát của ông, bây giờ ca sĩ không chịu khó tập tành, thuộc lời như lớp ca sĩ xưa. Tìm hiểu kỹ ca khúc của ông, thấy ca từ phần lớn là ngắn gọn, giản dị, nồng cháy nhưng không bạo liệt, tha thiết nhưng không ủy mị, hướng con người tới tình yêu trong sáng, cao cả. Nói về tấm gương hi sinh anh dũng cho Tổ Quốc và quyết tâm bảo vệ giang sơn đến cùng, Thuận Yến có ca khúc “Màu hoa đỏ” (Thơ Nguyễn Đức Mậu):
 
Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
 
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về.
 
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
 
Chiều biên cương trắng trời sương núi
 
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
 
 
Việt Nam ơi Việt Nam
 
Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.
 
Việt Nam ơi Việt Nam
 
Ngọn núi nơi anh ngã xuống rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
 
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn...
 
“Màu hoa đỏ” có nội dung giáo dục tình yêu nước, đức hi sinh và sự tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, mà nghe nhẹ nhàng như một bản tình ca, với giai điệu thiết tha và sâu lắng, ca từ giàu tính biểu tượng, dễ thấm sâu vào tâm can người nghe, cho nên hiệu quả thẩm mĩ và hiệu quả xã hội đều rất cao.
 
Là một nghệ sĩ, Thuận Yến hiểu rõ vai trò của cảm xúc trong sáng tác. Ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm rất cần, nhưng phải được cảm xúc thẩm mỹ chắp cánh cho bay vào nghệ thuật. Kỹ thuật sáng tác cũng rất cần, nhưng không được lấn át cảm xúc. Ông bảo: khi sáng tác thì quên kỹ thuật đi, để cho cảm xúc tự do tạo nên giai điệu, tiết tấu. Khi viết xong rồi, mới sử dụng kỹ thuật để sửa chữa tác phẩm. Có thể thấy rất rõ rằng các tác phẩm của Thuận Yến tràn đầy cảm xúc, thứ cảm xúc mạnh mẽ và tinh tế. Chính vì vậy, các tác phẩm của Thuận Yến có sức truyền cảm sâu rộng, lay động lòng người. Rất nhiều tác phẩm của ông được cả giới trẻ và những người cao tuổi ưa thích, như “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Màu hoa đỏ”… Những tác phẩm ấy không thu nhỏ trong phạm vi tình yêu đôi lứa hoặc tình cảm riêng tư, mà vươn rộng ra tình yêu nhân dân, trách nhiệm với Tổ quốc. Điều này cho thấy, ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm, và cả kỹ thuật sáng tác nữa, đã hòa quện với nhau, trở thành máu thịt, tâm hồn của Thuận Yến, cho nên khi ông sáng tác, chúng chuyển hóa hết thành cảm xúc! Nói một cách khác, Thuận Yến chỉ sáng tác bằng cảm xúc mãnh liệt, chân thật của mình, nhưng cảm xúc ấy là sự kết tinh của cả tình cảm, lý trí, học thuật và nhận thức về chính trị, xã hội.
 
Nhạc sĩ Thuận Yến đã ra đi, nhưng chắc chắn rằng, những đứa con tinh thần của ông để lại vẫn có sức sống mãnh liệt, lâu dài, tiếp tục đồng hành với nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
 
Đôi nét về nhạc sĩ Thuận Yến (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia):

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Còn nhỏ đã được tiếp xúc với âm nhạc.

Năm 1949, gia đình ly tán, ông tới Bình Định gia nhập Khu ủy Liên khu V và quyết định tham gia cách mạng. Khi đó nhiệm vụ của ông chỉ là liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách. Tìm được cuốn Ký âm pháp và hòa âm của nhạc sĩ Ngọc Trai, ông đã theo đó mà mày mò tự học và tập sáng tác. Được tham gia cùng những nghệ sĩ đương thời như Phan Thao, Tế Hanh, Nguyễn Thành Long, Phan Huỳnh Điểu, Bích Sơn... ông sớm được phát triển niềm đam mê âm nhạc.

Năm 1953, ông được biệt phái sang quân đội. Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, ông theo Khu ủy mở mặt trận Bắc Tây Nguyên và được giao nhiệm vụ văn nghệ cho bộ đội và dân công. Tại đây, ông đã viết những ca khúc đầu tay như "Hò dân công" hay "Thi đua sản xuất". Năm 1961, ông được cử ra Bắc học Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam. Để đảm bảo được đăng ký đúng khung giới hạn tuổi 25, ông buộc phải khai năm sinh của mình là 1935.

Năm 1965, ông xung phong đi chiến trường B cùng với đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên, trở vào Nam chiến đấu. Ông quyết định chọn bút danh Thuận Yên, ghép từ các chữ Duy Thuận (quê cha) và Duy Yên (quê mẹ). Khi ông gửi tác phẩm về Hà Nội, người biên tập và phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đều tưởng là Thuận Yến, nên đọc là Thuận Yến. Không có điều kiện cải chính, từ đó ông chấp nhận bút danh trên. Trong quãng thời gian này, ông viết nên những ca khúc động viên thanh niên lên đường như "Ba lô ta buộc cho chặt", "Vành lá ngụy trang rất xanh"... rồi sau đó là những ca khúc cách mạng được nhiều người biết tới như "Hát mừng quê ta giải phóng", "Mỗi bước ta đi", "Bài ca tiếp vận", "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin", "Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc"...

Từ bài thơ “Hoàng Hon lặng lẽ” của Hoài Vũ, ông sáng tác nên bản tình ca "Chia tay hoàng hôn", ca khúc mà Thuận Yến tâm đắc nhất sự nghiệp.

Năm 1969, ông theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội, viết nên một số tác phẩm như bản sonate “Tự nguyện”, Trang giao hưởng 5 chương “Khúc nhạc miền Trung” và hành khúc “Những bàn chân không mỏi”. Không lâu sau, ông công tác tại Đoàn văn công Tổng cục xây dựng kinh tế. Trong thời gian này, ông viết nhiều ca khúc ca ngợi lãnh tụ nổi tiếng như "Bác Hồ, một tình yêu bao la", "Vầng trăng Ba Đình", "Người về thăm quê", "Lê-nin, Người đến đất nước tôi"... để rồi sau này trở thành người có nhiều sáng tác nhất về Hồ Chí Minh.
Từ cuối thập niên 2000, ông mắc bệnh Alzheimer làm cho trí nhớ bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, ông còn mắc chứng hen suyễn ảnh hưởng lớn tới khả năng giao tiếp và hô hấp. Ông qua đời vào ngày 24 tháng 5 năm 2014 tại nhà riêng sau thời gian dài lâm bệnh.
 Thuận Yến đã được trao nhiều giải thưởng, bao gồm Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá năm 1987 (ca khúc "Vầng trăng Ba Đình"), Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng năm 1994 (ca khúc "Màu hoa đỏ"), Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam (ca khúc "Chia tay hoàng hôn")... và danh giá nhất là Giải thưởng Nhà nước năm 2001 với 5 ca khúc được chọn.
 
Phạm Việt Long

Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Thuận Yến – người gắn bó với văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.