Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Đường chiều chật vật, chông chênh (Kỳ 4)

03/09/2014 14:55

Theo dõi trên

Bị tai biến ba lần, bị tiểu đường, tăng huyết áp…, cuối chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gánh vô vàn nỗi đau thể xác.

Quanh quẩn trong căn nhà chật hẹp, cũ kỹ, bề bộn đồ đạc vương màu bụi phủ, bước chân ông khấp khiểng, khó nhọc nương nhờ vào cây gậy bốn chân. Ông thèm những chuyến đi xa, thèm ăn một miếng ngon, thèm giấc ngủ tròn. Và thèm, thèm lắm… tiếng người!

1235235363463641-1652582574.gif

Khung cửa vẫn mở

Ngôi nhà lọt thỏm trong căn hẻm trên đường Trần Khắc Chân, quận 1 chẳng bao giờ thôi mở cửa. Khắp căn nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ của lão nhạc sĩ, nơi đâu cũng có hai cửa sổ. Những cửa số luôn mở để đón vạn thanh âm xô bồ. Cách đây hai năm, ngày còn có thể tự mình chống gậy đi quanh nhà, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thường ngồi lặng trên chiếc ghế nệm màu nâu gụ, đã bục chỉ, sứt vành để ngóng mắt về những ô cửa. Ông ăn mặc chỉnh chu, tự mình pha trà, rồi ngồi ngóng. Dẫu hôm ấy, chẳng có ai hẹn. Con cái người ở Hà Nội, người ở TP Hồ Chí Minh, lại bận rộn với nhịp công việc hối hả giữa thành phố đua chen nên không thể bên cạnh bố ngày ngày. Ông buồn, nhớ con quay quắt mà không nỡ trách.

Cô cháu gái đã sống cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mấy chục năm trở thành người chăm sóc cho ông từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều lần, có vài người đến thăm, cứ tưởng cô cháu gái là người giúp việc. Rồi đâm ra trách cô giúp việc sao không chăm sóc chu đáo nhạc sĩ. Thật ra, tuổi già có những tính khó, hay hờn hay dỗi như con nít. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng không ngoại lệ. Trái tim đa tình, đa cảm của một người nhạc sĩ còn khiến cái hờn, cái tủi của ông nhân lên vạn lần. Cô cháu gái lại không thể chia sẻ nhiều với cậu mình những câu chuyện âm nhạc, những hào quang ngày cũ, nên lão nhạc sĩ càng thấy cô lẻ.

Con hẻm ông ở chẳng bao giờ ngớt thanh âm: tiếng người cười nói, tiếng chó sủa, tiếng lũ con nít nô đùa, tiếng rao hàng rong, tiếng xe máy…  Trong nhà cũng chẳng bao giờ ngớt tiếng phát ra từ chiếc tivi, chiếc radio cũ. Ông mở chúng ra rả cả ngày, chỉ khi nào đi ngủ thì mới tắt. Nhưng trớ trêu thay, mớ âm thanh ồn ã ấy vẫn không giúp người nhạc sĩ già thoát khỏi sự lẻ loi. Bởi đơn giản, chúng không dành cho ông.

Cho nên ngày nào, ông cũng ngóng, mong ai đó dừng chân nhà mình để ông được trò chuyện. Thèm tiếng người là thế nên khi ai đó gọi điện hẹn ông, ông ăn mặc chỉnh tề, ngồi pha trà trước giờ hẹn cả mấy tiếng, rồi sốt ruột ra trông vào ngóng. Cho nên lắm người đến đúng giờ bị ông mắng oan vì ngỡ người ta đến muộn cả mấy tiếng. Mắng là mắng vậy thôi, nhưng nếu người ta dỗi, người ta giận, ông lại đâm hốt hoảng. Lỡ người ta bỏ về, ông càng khổ. Vậy nên mắng được một lúc ông lại dịu giọng niềm nở, kể chuyện say sưa dù câu chuyện liên tục ngắt quãng bởi cụm hơi khó nhọc. Bao nhiêu ký ức ùa về, khiến đôi mắt kèm nhèm của ông long lên, hào hứng.

Mỗi khi có ái dúi vào tay ông ít tiền, ít sữa, bánh, ông nấc lên như đứa trẻ được quà, nước mắt chực ứa. Bàn tay gầy, nhăn, nắm chặt lấy tay người thăm mà nghẹn ngào: “Bác cảm ơn cháu… cảm ơn cháu”. Rồi ông cẩn thận gấp từng tờ tiền nghĩa tình ấy vào một cái túi riêng luôn đeo bên mình.

“Bây giờ tình người bạc bẽo lắm. Ngày xưa, tôi vinh quang bao nhiêu, nhiều người vây quanh bao nhiêu thì bây giờ, về già mình càng cô quạnh bấy nhiêu. Họ bỏ mình đi đâu hết. Lâu lắm mới thấy một vài người tới chơi”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xót xa.

Ông Nguyễn Thành Tư, con rể nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cho biết dù nhạc sĩ có nhiều công lao đối với nền âm nhạc nước nhà như vậy nhưng các đoàn thể, tổ chức, hội âm nhạc vẫn rất ít quan tâm. Sinh nhật ông, chỉ lác đác mấy cá nhân đến thăm hỏi, còn hầu như các tổ chức đều không đoái hoài. Trong khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhạc sĩ thì các tỉnh khác có bài hát do nhạc sĩ  Nguyễn Văn Tý sáng tác chỉ thỉnh thoảng mới ghé thăm. Những nhạc sĩ cùng thời như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Hữu Phước hay người bạn tri kỷ - nhạc sĩ Phạm Duy… đều đã trở thành người thiên cổ. Vậy nên ông càng buồn tủi.

Đau đớn trước cái chết của bà Bạch Lê, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bị tai biến mạch máu não. Ông gần như bị liệt nửa người, đi lại khó khăn. Đến năm 2006, lao lực để viết trường ca “Mười bông hoa trinh liệt ngã ba Đồng Lộc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phải nhập viện vì tai biến lần thứ hai. Sức khỏe của ông ngày càng giảm sút trầm trọng. Rồi nghe tin anh Ái - con trai đầu trong bốn người con riêng của bà Bạch Lê mà ông hết mực yêu quý – qua đời vì tắc nghẽn mạch máu, ông đớn đau khụy ngã. Cô cháu gái đỡ đần nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết: “Sau cái chết của bà Hòa cách đây một tháng thì cậu gần như khụy hẳn, hầu hết phải nằm một chỗ. Hồi trước cậu còn chống gậy đi trong nhà được, chứ bây giờ thì đi phải có người dìu. Đi đâu xa, cậu phải ngồi xe lăn”.

Giọt nước mắt tuổi già

Bệnh tật nên chẳng bao giờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cảm thấy ngon miệng. Ăn cái gì, uống cái gì ông cũng nhai và làm một ngụm rồi nuốt. Nhiều khi ông thèm đủ thứ. Có hôm ông thèm miến gà, nhưng cô cháu gái mua về, ông ăn được vài miếng lại thôi.

Bây giờ, ông sống nhờ tiền tác quyền hằng quý khoảng 5, 6 triệu. Nhưng số tiền đó không đủ để ông trang trải tuổi già huống chi là tiền thuốc men, dịch truyền đủ kiểu. Bữa ăn của người nhạc sĩ chỉ đạm bạc cơm rau. Dạo cháu gái về quê, ông ăn toàn cơm nguội hoặc tô mì tôm trầy trật pha vội. Ông không đi đâu xa được, cũng chẳng biết nhờ ai mua đồ ăn thức uống giùm nên đành ăn như thế để chờ cô cháu gái về. Mấy lần tự đi nhà vệ sinh, ông lập cập mò mẫm rồi té nhào trong đó. Phải đến khi có người ghé thăm, nghe tiếng kêu, họ mới biết rồi hốt hoảng đỡ ông vào giường.

Chốn ngủ nghỉ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngổn ngang đồ đạc. Trên đầu giường của ông là chiếc kệ chất đầy các tài liệu, bài báo viết về ông, và trên hết đó là bản thảo những bài hát ông viết trong 20 năm ở phương Nam. Chiếc bàn bên cạnh là những kỷ vật, hình ảnh của thời trai trẻ. Trên tường, chiếc đàn tì bà im ỉm bụi mờ. Đã rất lâu rồi, đôi tay của người nhạc sĩ chẳng còn nâng những phím tơ. Đôi tay run run bưng bát cơm còn chẳng được huống gì ôm đàn.

Ngày biết mình không thể sáng tác, chơi đàn được nữa, nỗi buồn của ông trĩu nặng. Âm nhạc như người tri kỷ lâu nay đã rời bỏ ông mà đi. Ông không đủ sức rượt đuổi nó nữa, sức đã tàn, đời đã sắp về bến. Chuyện xưa làm ông đau đáu. Đời có khi nào vui vầy, tung tẩy bước chân như ngày mình trai trẻ. Những lúc buồn quá, ông lại thắp hương, lẩm bẩm trò chuyện với hình dung của bà Bạch Lê, bà Cúc. Ông khóc, nghe đời chao chát: “Sao các bà lại bỏ tôi đi sớm thế? Tôi yêu thương các bà hết lòng thế mà?”.

Cơn ngủ bị dĩ vãng băm vằm thành vạn mảnh rạc rời. Ông thức giấc. Nhìn đồng hồ điểm 1 giờ. “Cháu ơi… Quá giờ ăn trưa rồi sao chưa cho cậu ăn?”. Ông gọi mấy hồi, không gian vẫn tĩnh lặng như tờ, ánh đèn vàng vọt. Ngoài cửa sổ, trời tối đen. Giật mình, ông mới hay bấy giờ là 1 giờ đêm. Lão nhạc sĩ ngả mình, trằn trọc đếm tiếng tích tắc của đồng hồ cho đến khi tiếng rao của bà bán xôi sáng cất vọng trong hẻm. Đêm nào cũng như thế khiến ông mệt nhoài.

Bây giờ, thỉnh thoảng con rể lại sang thăm và đẩy bố đi dạo, uống cà phê. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngồi trên xe lăn, hân hoan hòa cùng dòng người tấp nập trên phố. Ông cầm ly cà phê, uống ừng ực từng ngụm, chẳng thấy ngọt hay đắng, chỉ thấy giọt nước mắt thôi hãy ứa trong khóe mắt mờ đục…

Kỳ tới: “Phụ nữ, họ đẹp lắm”

Sơn Mai
Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Đường chiều chật vật, chông chênh (Kỳ 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.