Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương - Cuộc đời và sự nghiệp

22/08/2017 15:40

Theo dõi trên

Sáng 19/8, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra Tọa đàm Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương - Cuộc đời và sự nghiệp. Tới dự cùng nhà viết kịch Thanh Hương, có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cùng đông đào văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà báo...

Gần hai chục tham luận đã được trình bày tại Tọa đàm, tập trung làm rõ những đóng góp tích cực của bà Thanh Hương, với vai trò là một chính khách, một nhà viết kịch, một người mẹ. Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam trân trọng giới thiệu bài Đề dẫn của Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
 


GS Hoàng Chương tại Hội thảo

Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương - Cuộc đời và sự nghiệp
 
Sinh trên miền địa linh nhân kiệt, miền đất Xô Viết Nghệ Tĩnh lẫy lừng truyền thống Cách mạng cùng quê với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những anh hùng hào kiệt, nữ sĩ Thanh Hương được hun đúc tinh hoa văn hiến xứ Nghệ từ tuổi ấu thơ. Lớn lên chị lại được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh để trở thành một phụ nữ có tài năng, đầy bản lĩnh đầy nghị lực để đi vào cuộc sống vô cùng gian nan vất vả, luôn luôn phải vượt qua những thử thách cam go gần giống nữ tướng Kỷ Lan Anh, nhân vật trong kiệt tác tuồng Hồ Sanh Đàn của Đào Tấn. Nàng cầm thương lên ngựa đi cứu chồng bị giặc vây và động viên chồng là Tiết Cương khi bị thuơng nặng: Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/Gian nan là nợ anh hùng phải vay.
 
Nữ sĩ Thanh Hương sống cùng công nhân xây dựng ở thủy điện Sông Đà, đã thâm nhập sâu trong vùng mỏ Quảng Ninh, đã vượt sóng trên đại dương và nguy hiểm hơn hết là đã sống với những cô gái TNXP dũng cảm ở cổng trời trên đỉnh chót vót Trường Sơn trong mưa bom bão đạn, cái chết luôn cận kề. Từ thực tế nỏng bỏng ấy, nữ văn sĩ Thanh Hương đã viết ra những tác phẩm chân thực sinh động Ngôi sao ban ngày, Vàng, Đời giấc mộng có sức lôi cuốn người xem. Tiêu biểu trong những tác phẩm hiện thực ấy là vở Thung lũng tình yêu, chị viết từ thực tế công trường thủy điện Sông Đà công trường thế kỷ, vở kịch như một bản anh hùng ca và tình ca của người lao động trên công trường sắt đá. Ở đây luôn diễn ra những mâu thuẫn xung đột giữa tích cực và tiêu cực, giữa người tốt và kẻ xấu và ngay cả trong quan hệ tình yêu. Hãy nghe một đoạn đối giữa Sơn và Kim Thư:
 
Sơn: Chị sợ khó ạ?
 
Thư: Kỷ luật! Anh không thấy người ta bất mãn à?
 
Sơn: Bất mãn cái gì mới được chứ?
 
Thư: Thế, chẳng lẽ anh không thấy sự thật à?
 
Sơn: Sự thật: Khó khăn! Nghèo đói! Bọn lưu manh, áp phe trong các lĩnh vực đang sống sung sướng đàng hoàng. Người lương thiện làm ăn đúng đắn thì gặp khó khăn. Đồng tiền đang hoành hành, hủy hoại phẩm chất con người. Yêu Tổ quốc lúc này là phải làm việc với đầy đủ lương tâm và trách nhiệm của mình chứ.
 
Tác giả Thanh Hương đã sống giữa một thung lũng nhỏ mà chị gọi là “Thung lũng tình yêu”! Trong cuộc sống lao động sáng tạo tại đây, mỗi người có thể tìm thấy được những niềm vui của sự trưởng thành về tư tưởng, về nghề nghiệp và xã hội nữa. Họ đã xây dựng lên tình bạn, tình yêu thật cao đẹp. Đó là mối tình giữa Sơn và Kim Thư, hai trí thức trẻ; giữa Đấu và Cẩm Vân, hai công nhân trẻ; giữa chị Nhân và bác Đông, lớp công nhân đã có tuổi…
 
Ngoài ra còn có tình bạn, tình đồng chí tha thiết, đậm đà giữa chuyên gia Liên Xô với công nhân và cán bộ kỹ thuật Việt Nam thật đẹp. Hình ảnh chi Tamara, Kỹ sư trưởng có giới; cựu chiến binh chống phát xít Đức Mi-kha-in, tổng chuyên viên; A-lếch-xây, chuyên gia khoan nổ, xuất hiện trong vở kịch  thật gần gũi, gắn bó với công nhân Việt Nam như anh em ruột thịt. Chưa ở đâu thể hiện tình hữu nghị Việt-Xô rõ nét như ở Thung lũng tình yêu.
 
Vở Thung lũng tình yêu diễn liên tục ở rạp Công Nhân-Hà Nội lúc nào người xem cũng chật rạp, đa số là khán giả trẻ.
 
Đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ đến xem vở Thung lũng tình yêu tỏ ra thích thú. Cuối buổi diễn, ông hào hứng nói: “Đây là vở kịch rất hay nên khán giả trẻ xem rất đông, mặc dù ở các rạp phim trong thành phố chiếu phim Ấn Độ cũng rất hấp dẫn”. Hôm sau đồng chí Hoàng Tùng  đưa gần trăm cán bộ ở lớp tuyên huấn toàn quốc đến xem vở kịch Thung lũng Tình yêu. Đó là chứng minh sự thành công của nhà viết kịch Thanh Hương đã sinh ra đứa con tinh thần ở Thung lũng tình yêu, cũng như chị đã sống ở vùng mỏ Quảng Ninh để cho ra đời tác phẩm Vàng và được thưởng vàng 10 ở Hội diễn toàn quốc năm 1985 và hàng loạt vở khác như Ngôi sao ban ngày, Sắc màu thời gian, Đời người giấc mộng… cũng được đông đảo khán giả hoan nghênh.
 
Gần 30 vở kịch với đủ mặt đề tài trong cuộc sống chiến đấu chống Mỹ và xây dựng CNXH hầu hết đều được diễn trên sân khấu từ kịch nói, chèo, cải lương, trên Đài phát thanh và trên vô tuyến TH. Đó là kết quả đi thực tế rất sâu cộng với tài năng của nhà văn Thanh Hương. Khi một cành cây, bụi hoa được cắm sâu trên mảnh đất màu mỡ ắt sẽ đơm bông kết trái. Để có được vở Tình xuyên đại dương, chị Thanh Hương lại phải đến với biển cả, mặc dù thời trẻ, chi không quen đi ô tô. Có lần tôi và chị Thanh Hương đi nhờ xe của Bộ trưởng Văn hóa Trần Văn Phúc, chị vốn quen đi bộ và đi xe đạp, bây giờ ngồi trên chiếc xe sang có máy lạnh không hiểu vì sao chị cứ nôn ọe suốt dọc đường, xe phải dừng nhiều lần cho chị nôn mửa, nên gần xế chiều mới tới Đồ Sơn. Suốt chiều và tối hôm đó, tôi thấy chị Thanh Hương vừa lắng nghe, vừa ghi chép những điều lý thú từ nguyên thuyền trưởng quốc tế Trần Xuân Nhơn kể. Sau đó chị tiếp tục đi thực tế trên biển rồi viết ra vở kịch Tình xuyên Đại dương mà tôi may mắn được góp ý kiến từ đề cương đến kịch bản. Bản thảo thứ nhất, chị bỏ hẳn, rồi viết lại lần thứ hai mới thành công. Vở Tình xuyên Đại dương không những được công diễn ở Nhà hát kịch Việt Nam, mà Viện Sân khấu chúng tôi còn tổ chức hội thảo và in ra hàng nghìn quyển để phục vụ cho ngành đường biển Việt Nam (chi tiết này chắc chị Thanh Hương không còn nhớ nữa).

Kịch Thanh Hương viết cách đây hơn 30 năm, nhưng giá trị hiện thực gần như hôm nay, bởi tính tư tưởng của kịch Thanh Hương vẫn thống nhất với tư tưởng của Đảng trong xây dựng con người mới và chống tư tưởng quan liêu, tham những. Tôi nêu ra vài mẩu chuyện nhỏ trên để chứng minh rằng nhà viết kịch Thanh Hương đã sáng tạo nên những vở kịch được đông đảo khán giả công nhận, đón chào. Đó là những tác phẩm sân khấu không mang tính thời sự  mà có tính chất vính cửu, sống mãi với thời gian.
 


Toàn cảnh hội thảo
 
Nhà chính khách Thanh Hương
 
Trong những  năm 90 TK 20, tôi vừa là nhà báo, vừa là Viện trưởng Viện nghệ thuật sân khấu nên thường được Văn phòng Quốc hội mời dự thính những kỳ họp Quốc hội, được quan sát rất kỹ những diễn biến ở nghị trường, nhất là khi đại biểu Đặng Thanh Hương phát biểu. Tôi hay nói đùa: Ở hội trường Quốc hội, khi đại biểu Thanh hương đứng dạy phát biểu thì có mấy ông Bộ trưởng xanh mặt! Đó là những ông tư lệnh ngành yếu kém về năng lực và có dấu hiệu tiêu cực. Tôi cũng đã thấy đại biểu Đặng Thanh Hương tranh luận gay gắt với đại biểu có chức trọng quyền cao là Hữu Thọ, Hà Đăng và Phan Quang về luật bảo vệ quyền tác giả và cuối cùng ý kiến của đại biểu Thanh Hương đã thắng về vấn đề báo chí không được bảo hộ quyền tác giả như các loại hình văn học nghệ thuật, bời chị là người nắm vững luật pháp với cương vị phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, với cương vị này, chị Thanh Hương đã góp phần đắc lực trong các vấn đề chính sách chế độ của ngành văn hóa văn nghệ Việt Nam. Những việc làm của chị cho thấy một nhà văn, một đại biểu quốc hội có trình độ, có bản lĩnh, có trách nhiệm trước nhân dân, không ngần ngại phê phán, chỉ trích những khuyết điểm, những yếu kém và tiêu cực của một số tư lệnh ngành.
 
Những ý kiến thắng thắn và sắc bén của Thanh Hương còn được thể hiện trong những cuộc tiếp xúc cử tri ở tỉnh Quảng Ninh. Chị ra sức bảo vệ những cán bộ lãnh đạo tốt ở địa phương bị kẻ xấu vu cáo bôi nhọ, đồng thời chị cũng vạch mặt những cán bộ đạo đức giả, thái hóa, tham nhũng, cửa quyền. Chị hết lòng bảo vệ ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư tỉnh ủy người rất nhiều công trạng nhưng bị kẻ xấu vu cáo, bôi nhọ. Những việc làm của chị được cán bộ và nhân dân tín nhiệm tuyết đối nên đã bầu cho chị tiếp tục là đại biểu quốc hội lần thứ hai khóa X.
 
Là một nhà viết kịch có tới 30 kịch bản được diến trên sân khấu, in thành sách, nhưng nhà việt kịch Thanh Hương vẫn ấp ủ nhiều đề tài về xã hội, về con người, nhất là con người đang bị xã hội đồng tiền làm tha hóa, biến chất, đôi khi còn mất hết tình người. Rất tiếc là “lực bất tòng tâm”, sức khỏe của chị bị yếu kém. Tuy vậy gần đây chị vẫn tham gia trại sáng tác của Hội nhà văn ở Nha Trang và đã hoàn thành kịch bản Đối mặt, đề tài chống tham nhũng rất quyết liệt, góp phần vào cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng mà  Đảng ta đang phát động và thực hiện ngày càng quyết liệt. Tôi xin kết bài này bằng mấy câu thơ của NSND Táo Mặc tặng Thanh Hương:
 
Tài nữ vi văn thượng kịch trường
 
Đặng gia xuân sắc hữu Thanh Hương
 
Hắc kim diễn xuất hoàng kim hiện
 
Hải Yến tình vân vượt đại dương
 
Gái giỏi làm văn lên sân khấu
 
Vườn xuân họ Đặng sắc Hương Thanh
 
Vàng đen thành kịch vàng mười hiện
 
Én bể trời trong vượt biển xanh
 
Viết về nhà văn nhà viết kịch Đặng Thanh Hương cho hội thảo này đã có tới 20 bài, bài nào cũng viết rất nhiệt tình và có những đánh giá rất cao về con người và sự nghiệp Đặng Thanh Hương. Tất cả đã in vào tập kỷ yếu, vì vậy để đảm bảo thời gian, xin đề nghị các diến giả nên tóm lược tham luận của mình trong 8 đến 10 phút.
 
Chúc hội thảo của chúng ta thành công.
 
Hà nội ngày 19/8/2017

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương - Cuộc đời và sự nghiệp" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.