Nhà thơ, nhà giáo, Tiến sĩ Trần Đăng Thao

27/11/2015 22:13

Theo dõi trên

Quê Hà Nam. Ông từng là Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại. Vũ Bình Lục đã viết xong lời bình bài thơ YÊN TỬ của Trần Đăng Thao, nguyên tác chữ Hán, tác giả tự chuyển nghĩa. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

YÊN TỬ
(Dịch từ nguyên bản chữ Hán)
 
Chống gậy vô thường về Yên Tử
Hàng tùng nghìn tuổi đứng chờ ta.
Mang mang mây núi, mang mang Phật
Thăm thẳm hương trời, vô lượng hoa.
 
Đâu lối người xưa lạc dấu hài
Hút xa ngõ trúc, nắng rêu phơi
Ngẩn ngơ thác Bạc mờ sương khói
Bảng lảng rừng xuân đất tiếp trời
 
Mê mải bàn chân về cõi Phật
Hồn nương giọt nắng đẫm vô vi
Lòng ta trong vắt, tình ta thật
Một tháp chiều nghiêng ngẫm nghĩ gì?
 
TRẦN ĐĂNG THAO
 
 
Nhà thơ Trần Đăng Thao xuất thân là một nhà giáo. Nhưng ông lại còn có nhiều năm tu nghiệp ở Nga, ở Trung Quốc và hơn thế, ông còn có nhiều năm giảng dạy ở Trung Quốc. Dạy học ở Trung Quốc, nhưng mà ông lại giảng dạy văn hóa cho người Việt, cụ thể là những học sinh miền Nam được tuyền chọn đưa sang Quế Lâm, trong những năm nước ta còn kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Trần Đăng Thao là một người bản chất thông minh, tính tình cương trực, yêu ghét phân minh, mặc dù đôi khi ông cũng tỏ ra hơi thái quá, nhưng mà thái quá một cách đáng yêu. Ông là một thầy giáo viết chữ Tàu rất đẹp. Còn nhớ, năm ngoái đây thôi, ông còn khoác áo mưa, phóng xe máy hai chục cây số từ làng Đông Ngạc, Từ Liêm, sang nhà tôi chơi và còn viết tặng mấy chữ Hán HỌC HẢI VÔ NHAI (Biển học vô bờ), như thể rồng bay phương múa. Thơ Trần Đăng Thao thường chỉn chu mực thước. Ông làm thơ tứ tuyệt khá nhiều bài hay, từng đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi thơ tứ tuyệt của báo TÀI HOA TRẺ...


Bài thơ YÊN TỬ được Trần Đăng Thao viết bằng chữ Hán, rồi lại chính ông tự chuyển nghĩa sang tiếng Việt. Điều này từ xưa vẫn có một số thi nhân đã làm, ví như cụ Nguyễn Khuyến làng Yên Đổ Hà Nam chẳng hạn. Với Trần Đăng Thao, YÊN TỬ có lẽ là bài thơ tự chuyển nghĩa thành công nhất của ông.
 
Chống gậy vô thường về Yên Tử
Hàng tùng nghìn tuổi đứng chờ ta
 
Về Yên Tử, đương nhiên phải là một phật tử mộ đạo, hoặc nếu không phải thế thì cũng là một người yêu thích cảnh quan núi rừng Yên Tử bình thường, đến đây để được thỏa thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên trong trẻo và kỳ thú, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm mang tên ngọn núi thiêng này, Thiền phái TRÚC LÂM YÊN TỬ. Trần Đăng Thao cũng “chống gậy” về Yên Tử như rất nhiều người khác từ bốn phương tám hướng lũ lượt đổ về đây, nhưng mà tất nhiên không phải như những Phật tử bình thường. Ông là một trí thức đã hiểu khá sâu về đạo Phật, về đây với tâm thế của một người đã từng lịch lãm khắp chân trời xứ lạ, với tâm hồn nhạy cảm và khoáng hoạt của một thi sĩ, cho nên, chiếc gậy mà ông dùng làm bạn đường leo núi, cũng không phải là một chiếc gậy thông thường, mà nó là chiếc “gậy vô thường” kia. Như thế, chiếc gậy của thi nhân tự thân nó đã mang Phật tính, đã như thể một cái “Tích trượng” của các nhà sư đạo cao đức trọng ngày xưa rồi. Thi nhân dường như đã cởi bỏ hết tục lụy ở cõi trần ai, rũ sạch bụi trần ai, lòng thanh thơi hướng về cõi Phật. Thế nên, “hàng tùng nghìn tuổi” kia vẫn đang lặng lẽ đứng đó, vẫn chờ đó, để vui vẻ đón ta, đang hướng tâm lần bước lên chốn Phật Đài, lên với bời bời mây trắng ngàn năm...Và kia:
 
Mang mang mây núi, mang mang Phật
Thăm thẳm hương trời, vô lượng hoa
 
Cả một thế giới tâm linh tràn ngập và thấm đẫm hương Thiền, vị Thiền, sắc Thiền. Cả một thế giới thiên nhiên đã nhuốm mùi Thiền, đã được Thiền hóa, “vô lượng”, vô biên. Đấy là khổ thơ đầu, bốn câu, được biểu hiện ở mức khái quát, tổng thể. Còn đây là Yên Tử hiển hiện cụ thể hơn ở các chi tiết tiêu biểu của cảnh Thiền, cùng với mang mang tâm trạng hoài cố tưởng tượng:
 
Đâu lối người xưa lạc dấu hài?
Hút xa ngõ trúc, nắng rêu phơi
Ngẩn ngơ thác Bạc mờ sương khói
Bảng lảng rừng xuân đất tiếp trời.
 
Lên Yên Tử, cũng đồng nghĩa với việc tìm về cõi Phật xưa, xưa lắm. Lối mòn nào đây từng in dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ Nhất tổ, rồi Đệ Nhị tổ Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), sau nữa là Đệ Tam tổ Huyền Quang (Lý Đạo Tái)? Và còn nhiều nữa dấu chân những đệ tử chân truyền của Thiền phái Trúc Lâm mang đặc sắc Phật giáo Việt Nam rất khoáng hoạt và gần gũi này. Kẻ đến sau, chỉ thấy “mang mang mây núi mang mang Phật”, chỉ thấy “hút xa ngõ trúc, nắng rêu phơi” mà ngẩn ngơ trước “thác Bạc mờ sương khói” và “bảng lảng rừng xuân đất tiếp trời”... Âu cũng là sự “đồng thanh tương ý, đồng khi tương cầu” vậy! Cho nên, mới có sự: “Mê mải bàn chân về cõi Phật” mà để cho “hồn nương giọt nắng, đẫm vô vi”. Cảnh vật có vẻ tiêu sơ, lãng đãng mơ hồ, nửa hư nửa thực, mà lại như gần gũi thân quen lắm, đến mức say sưa, đến mức mê mải, đắm hồn vào cảnh Thiền vô cùng thanh cao thánh thiện. Nhà thơ khẳng định:
 
Lòng ta trong vắt, tình ta thật
Mộ tháp chiều nghiêng ngẫm nghĩ gì?
 
Đến đây thì thi nhân đã tỉnh mộng rồi, sau những cơn mê miên man lạc vào cõi Phật, chợt nhận ra mình như vừa được tắm gội hồn Thiền, để được “trong vắt” tấm lòng trần tục, để suy tư về những ngội mộ tháp nghiêng nghiêng dưới nắng chiều Yên Tử. Các Thiền sư rũ bỏ cả vinh hoa và thú vui trần tục, để lên đây tọa Thiền, tu tỉnh, gột rửa tâm mình theo Phật pháp linh diệu. Rồi cũng đến một lúc nào đó, họ cũng phải về trời, bỏ lại xác phàm để hồn siêu thoát về cõi Niết Bàn xa thẳm, như thể con “ve sầu thoát xác” vậy. Nhưng những mộ tháp vẫn còn kia, lặng lẽ trải mấy trăm năm, kể chuyện mãi với đời sau về cõi người mênh mông bể khổ, về lẽ mầu nhiệm của chốn Phật Đài và con đường giải thoát của kiếp người biết mấy trầm luân...
 
Bài thơ được viết và được chuyển nghĩa theo thể thất ngôn, mực thước. Cái hay của bài thơ chính là ở chỗ tác giả đồng thời là dịch giả đã tìm được phương thức để thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ chân thành của mình với cõi Phật Yên Tử một cách tài hoa vậy!
 
Vũ Bình Lục

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ, nhà giáo, Tiến sĩ Trần Đăng Thao" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.