Nhà thơ Nguyễn Phan Hách kết duyên với âm nhạc

20/02/2016 17:23

Theo dõi trên

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã bén duyên với âm nhạc từ lâu, khi mà thơ của anh được các nhạc sĩ yêu thích, phổ nhạc, trong đó có những bài được đông đảo công chúng mến mộ, như “Làng quan họ quê tôi”, “Hoa sữa”… Để đến bây giờ, vào mùa xuân năm 2016, anh chính thức kết duyên với âm nhạc qua hai ca khúc do anh sáng tác cả nhạc và lời: “Chút tình thơ dại”, “Hoa phù dung”.


Với lợi thế của một nhà thơ, Nguyễn Phan Hách viết phần lời mang tính trữ tình sâu lắng, giàu hình tượng. Nếu tách riêng, thì phần lời của ca khúc cũng xứng đáng là những bài thơ hoàn chỉnh, hấp dẫn. Cũng do tính chất trữ tình, lại có cấu trúc chặt chẽ chuyển tải một nội dung cô đọng, thắm tình người, có vần điệu, nên thơ của anh rất gần với âm nhạc. Nói một cách khác, với tư cách của một nhà thơ, anh viết lời cho ca khúc có phần thuận chiều hơn một số nhạc sĩ khác. Một kết quả tất yếu, là nhạc của Nguyễn Phan Hách có dung lượng vừa phải, kết cấu chặt chẽ, giai điệu đẹp, mượt mà, thắm tình đậm nghĩa, thơ anh có nhạc, nhạc anh có thơ.

Hình như rất nặng tình với những kỷ niệm thời thơ trẻ, một thời lãng mạn với những người bạn gái ngây thơ, trong trắng, vương vương chút tình yêu học trò, nên Nguyễn Phan Hách hay viết về thời “xưa”. Thơ, văn đã vậy, nay ca khúc cũng vậy. Anh viết “Chút tình thơ dại” là để thể hiện niềm nuối tiếc một mối tình ngây thơ, vụng dại từ ngày xưa. Trong ca khúc này có ba nhân vật: Tôi, Người, và Dòng sông. Vì là mối tình ấy gắn với dòng sông dập dềnh sóng vỗ, nên nhạc của ca khúc này được viết ở nhịp ¾ - đó chính là thành công bước đầu của Nguyễn Phan Hách, đã chọn nhịp điệu phù hợp với nội dung cần chuyển tải. Ở phần đầu, nhạc êm đềm dàn trải như dòng sông lặng lẽ trôi xuôi:
 
Nhà tôi bên dòng sông xanh xanh
 
Dòng sông trôi, nhà tôi ở lại
 
Tình đầu xưa thơ dại
 
Đã trôi theo thời gian
 
Dòng sông xanh âm vang
 
Chút tình đầu thơ mộng
 
Người đã đi xa vắng
 
Còn mong chi người về
 
Chính sự trôi xuôi của dòng dông, vô tình, lặng lẽ, đã báo hiệu một sự mất mát theo quy luật nghiệt ngã của thời gian. Trong khung cảnh tưởng là êm đềm ấy, sóng đã nổi ngầm, người đã ra đi, không mong ngày trở lại.
 
Về âm nhạc, chính đoạn đầu dàn trải, êm đềm ấy đã chuẩn bị rất tốt cho phần hai- phần phát triển. Lúc này, cảm xúc dâng trào, tình xưa ập về dạt dào, đằm thắm, âm nhạc vút lên ở cao độ mới, tiết tấu dồn dập giống như dòng sông đã nổi sóng mịt mù.
 
Người đã ra đi, người đã ra đi
 
Ta nuối tiếc làm chi? Ta nuối tiếc làm chi?
 
Người đã ra đi, người đã ra đi
 
Ta cho vào quên lãng, cho vào quên lãng…
 
Đoạn này, có vẻ như giữa nhạc và lời “có vấn đề”! Hình như, lời thì lạnh lùng, bất cần, mà nhạc lại sôi trào, day dứt. Nghe qua, có người hiểu rằng nhà thơ hơi “tàn nhẫn”, không thèm trông ngó gì đến “Người”, vô tình quá! Thực ra, không phải như vậy. Tại sao nhà thơ lại nhắc đi nhắc lại “đã ra đi”, “nuối tiếc làm chi”, rồi “cho vào quên lãng”? Chính là nhà thơ đang day dứt đấy, “nói vậy mà không phải vậy”, không nuối tiếc, cứ cho vào quên lãng, thì việc gì mà phải đau đáu đến thế? Hơn nữa, âm nhạc đã thể hiện giúp nhà thơ – nhạc sĩ phần chìm trong suy tư  - sự láy lại của phần lời “Người đã ra đi”, “Nuối tiếc làm chi”, “Cho vào quên lãng” là thủ pháp điệp ngữ của văn học, kết hợp với thủ pháp phát triển của âm nhạc, tạo hiệu quả cao. Nói cụ thể hơn, âm nhạc của phần các điệp ngữ không đơn thuần là láy lại, mà là phát triển, với cao độ mới, tiết tấu mới, tạo nên đoạn cao trào đầy cảm xúc.
 
Đến phần kết, âm nhạc trở lại êm đềm và lời thơ giúp nói rõ hơn tình cảm của nhà thơ – nhạc sĩ. Lúc này, “Tôi” mới bộc lộ rõ sự nuối tiếc của mình.
 
Mà sao dòng sông xanh lơ đãng
 
Mà sao dòng sông xanh lơ đãng
 
Sóng cứ xôn xao đôi bờ
 
Sóng cứ xôn xao đôi bờ
 
Sóng cứ xôn xao đôi bờ
 
Thủ pháp điệp ngữ của văn học tiếp tục được vận dụng. Người đọc có thể mỉm cười hóm hỉnh khí đã bắt được “thóp” của nhân vật “Tôi”. Ái chà, anh ta trách dòng sông “Lơ đãng” – lơ đãng với ai, lơ đãng cái gì? Thì, lơ đãng với “Tôi”, với “Chút tình đầu thơ dại” mà dòng sông đã chứng kiến từ xưa đấy thôi! Hóa ra, anh chàng này nặng tình quá đi mất! Không nói ra, mà anh ta muốn dòng sông phải chia sẻ với mình, phải cuộn lên những đợt sóng nhớ thương và nuối tiếc chứ đừng có mà cứ “xôn xao”, “lơ đãng” như thế. Riêng câu kết, được láy lại tới ba lần, mà hai lần đầu ở cùng một cao độ, lần cuối xuống hẳn một quãng tám của âm nhạc! Đúng rồi, dòng sông dù có trôi xuôi, cuốn đi biết bao kỷ niệm, thì vẫn còn những hạt phù sa trầm tích nơi đáy sông. Phải lặn vào ký ức mà đãi lấy những hạt vàng tình người trong đó. Sóng cứ xôn xao đôi bờ, láy lại lần thứ ba ở cung trầm này, không còn là sóng của “Dòng sông” nữa, mà là sóng của lòng người, sóng của nhớ thương, lưu luyến.  

Ca khúc thứ hai của Nguyễn Phan Hách: “Hoa Phù dung” cũng được viết ở cung La thứ như ca khúc “Chút tình thơ dại”, một cung nhạc phù hợp với những tình cảm êm ái, thoảng buồn. Trong ca khúc này, với cái nhìn nhân ái, Nguyễn Phan Hách thương xót cho đóa hoa phù dung dù “trắng trong“ “say đắm” nhưng lại chịu phận “sớm nở tối tàn”. Sâu xa, nhạc sĩ xót xa cho những số phận mỏng manh, cho những gì không bền vững. Chính vì vậy, ở phần phát triển, với nét nhạc sáng sủa, tươi tắn, khỏe khoắn đối lập với đoạn mở đầu có phần u tối, nhạc sĩ thể hiện niềm khao khát một sự bền vững – bền vững của cuộc sống, bền vững ở tình người:
 
Lòng ta ước mong
 
Hoa còn tươi mãi
 
Hoa còn thơm mãi
 
Sắc hoa không phai màu
 
… Lòng ta khao khát, lòng ta khao khát
 
Sắc hoa không tàn…
 
Trong ca khúc này, phần cao trào được đặt ở cuối bài, hướng người nghe tới một tương lai tươi sáng, mà ở đó, những giá trị đích thực của cuộc sống được khẳng định, được trường tồn…
 
Nguyễn Phan Hách tuy không còn trẻ, nhưng với âm nhạc, anh là người tình mới mẻ, say đắm, khao khát  và chung tình. Chúc anh tiếp tục say đắm với thơ và nhạc, dâng hiến cho đời những giá trị tinh thần quý báu…
 
Phạm Việt Long

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Nguyễn Phan Hách kết duyên với âm nhạc" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.