QC

Nhà thơ Nguyên Hùng và những “ký họa” văn chương

21/09/2024 14:06

Theo dõi trên

Nguyên Hùng là nhà thơ “chuyên về thơ”. Thơ ông dung dị, giàu tính nhạc; vì thế đã có rất nhiều nhạc sỹ đồng cảm. Cho đến nay, “gia tài” thơ phổ nhạc của Nguyên Hùng đã có hơn 100 ca khúc phổ thơ. Đặc biệt, trong số này, nhiều ca khúc được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và đài phát thanh và truyền hình nhiều địa phương giới thiệu trong chuyên mục Tác giả và tác phẩm. Một số ca khúc để lại dấu ấn trong lòng người yêu âm nhạc như Sóng không từ biển, Bến xưa, Lời hẹn tình quê, Em và biển, Lời yêu Xuân về, Ngày bình yên sẽ đến...

a1-2523562356-1726902279.png
Nhà thơ Nguyên Hùng

Nguyên Hùng sinh ra tại vùng đất trước đây thuộc huyện Nghi Lộc, nay là thị xã biển Cửa Lò của Nghệ An. Biển từ thời bé đã gõ vào trái tim ông, sóng biển lợp nên sóng cảm xúc trong tâm hồn. Có lẽ vì thế, Nguyễn Hùng có nhiều bài thơ về biển, thơ hay về biển.

Anh lớn lên trên sóng
Nên say hoài biển xanh
Biển đưa ngàn cánh võng
Ru bồng bềnh hồn anh
(Biển và em)

Biển nào chẳng có sóng. Nhưng trái tim đa tình của thi sỹ, dù “em” chỉ là “giọt nhỏ” cũng làm “anh” chuếnh choáng “Em chỉ là giọt nhỏ / Giữa dòng đời lặng trôi / Mà trước em anh ngỡ / Trước muôn trùng biển khơi”. Bài thơ tình lãng mạn này “hớp hồn” nhạc sỹ Lê An Tuyên - hiện sống ở Cộng hòa Liên bang Đức và trở thành bản nhạc Sóng không từ biển, được VTV và nhiều đài phát thanh và truyền hình địa phương giới thiệu. Bài hát thu hút hàng triệu thính giả, được VTV chọn là một trong 6 bài hát phổ thơ được yêu thích. 

Nguyên Hùng kể rằng, Nhưng cậu yêu biển, quyết không bỏ biển, đi riết rồi quen. Cậu học được nhiều kinh nghiệm đi biển. Thuyền ra đến độ sâu từ 17 sải nước trở lại gọi là trong lộng; ngoài 17 sải nước gọi là ngoài khơi.  Cậu thích nhất là được ra khơi kéo lưới, được câu cá, giật những con cá cắn câu, thú vô cùng!  Biển đã ở trong máu của cậu bé làng chài từ lúc nào!

Có lẽ vì thế, dù sống 6 năm ở Liên Xô - thời Nguyên Hùng là nghiên cứu sinh, nay lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nhưng ông luôn nhớ biển quê mình. Những con sóng vẫn xô vào giấc mơ. Nhiều tập thơ lấy cảm hứng từ biển. Thơ về biển của ông có vị mặn của gió, có phóng khoáng trùng khơi. Biển nhập vào hồn ông, đi vào vô thức:

Anh đã viết cả ngàn lần về biển
Về tình yêu không có bến bờ
Vẫn khát khao như chưa từng được nếm
Vị mặn mòi của biển cả - nàng thơ
(Tản mạn về biển)...

Quan sát đời sống thơ ca, bạn đọc từng biết nhiều nhà thơ tự nhận mình là “nhà thơ của biển” - tức là viết nhiều về biển; tuy nhiên nói về thành công, bạn đọc nhớ đến, chỉ trên đầu ngón tay. Nguyên Hùng, viết về biển vẫn như tính cách anh, giản dị, hồn hậu, cưu mang. Chính vì vậy, biển trong thơ Nguyên Hùng có sắc thái riêng.

Nguyên Hùng từng tốt nghiệp Trường Đại học Thủy lợi, sau đó làm Tiến sỹ công trình thủy (1988 - 1994). Với văn chương, cho đến nay, ông đã xuất bản 8 tác phẩm, bao gồm Cánh buồm thao thức (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2007), Sóng không từ biển (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009), Bay về phía bão (Thơ, NXB Văn học, 2013), Dấu chân lục bát (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014), 102 mảnh ghép văn nhân (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2017), 108 đoản khúc thơ (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Trăm khúc hát một chữ duyên (Tập thơ - nhạc chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2024), Ký họa thơ - 81 chân dung văn học (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2024). 

Trong 81 chân dung văn học Nguyên Hùng “ký họa” trong tác phẩm mới nhất, có những gương mặt từng góp phần làm nên diện mạo của văn học Việt Nam ở thế kỷ XX như Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Quang Dũng, Viễn Phương, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khải... Có không ít nhân vật được Nguyên Hùng “ký họa” là các nhạc sỹ như Văn Cao, An Thuyên. 

v-2346346-1726902266.jpg
Bìa tác phẩm “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng

Trong số này đã có nhiều nhà văn, nhà thơ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thế hệ trẻ hơn, có những nhà văn, nhà thơ đã thành danh như Trần Mạnh Hảo, Ý Nhi, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Trương Nam Hương...Tuy nhiên cũng không ít nhà văn, nhà thơ trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chưa lâu, chưa có thành tựu. Yêu mến, chân thành thì Nguyên Hùng “ký họa”

Điểm chung nhất, Nguyên Hùng dành cho 81 gương mặt là sự trân trọng. Để “ký họa” được, tất nhiên ông phải tìm hiểu, biết được các các tác phẩm đã góp phần làm nên sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ tiền bối, đương đại hoặc hậu sinh - so với Nguyên Hùng. 

Gửi hương cho gió gieo hoa
Giữa vườn Thơ Mới ông là ngôi sao
Từ khi Ngói mới nhà cao
Hương xuân dường đã hòa vào mênh mông
(Xuân Diệu)

Gửi hương cho gió (1936 - 1944) là một trong hai tập thơ (cùng với Thơ thơ, 1933 - 1938) tiêu biểu cho thời kỳ tài năng thơ thăng hoa của Xuân Diệu. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu Xuân Diệu chỉ dừng lại lúc 28 tuổi - lúc in xong Gửi hương cho gió, ông đã là một “tượng đài” của văn học. Còn Ngói mới chỉ là một bài trong tập thơ Riêng chung (1955 - 1960) của Xuân Diệu, ở thời kỳ khôi phục miền Bắc sau chiến thắng Điện Biên phủ, đến trước Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam. 

Nổi danh từ tuổi hai mươi
Tình thơ suối chảy tình người sóng ngân
Sông Hương biết chảy theo vần
Tài hoa đắm đuối hai lần mắt răm
(Trương Nam Hương)

Trương Nam Hương đúng là tài thơ phát lộ khi còn trẻ. Năm 1991, lúc anh mới 28 tuổi đã được nhận Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho đến bây giờ hiện tượng này vẫn ít xảy ra. Trong “ký họa chân dung” nhà thơ Trương Nam Hương, Nguyên Hùng chỉ sử dụng câu thơ “Sông Hương biết chảy theo vần Huế ơi”, trong bài thơ Ngẫu hứng đêm Huế của nhà thơ tuổi Mão.

Về thi pháp trong Ký họa thơ - 81 chân dung văn học, chủ yếu là lục bát, nhưng cũng có những thể loại khác, có niêm luật, có tự do. “Tôi coi ấn phẩm này như một cuốn kỷ yếu nho nhỏ và hy vọng nó có thể giúp bạn đọc hiểu biết thêm hoặc nhắc nhớ tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, những người đã có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học nước nhà”, (Nguyên Hùng: Thay lời tựa). 

Nguyên Hùng chân thành trong tác phẩm mà ông gọi là “kỷ yếu” thơ này cũng hệt như ông chân thành với bạn bè, con người ngoài đời. Về mặt này, bạn bè, người yêu văn học nghệ thuật nâng niu, ghi nhận.

Nhà thơ Nguyên Hùng (tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hùng) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện ông là Ủy viên BCH, Trưởng Ban công tác CLB Văn học Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Ngoài sáng tác, ông tiếp tục có những đóng góp cho hoạt động công tác hội viên, truyền cảm hứng với những người viết trẻ ở TP. Hồ Chí Minh./.

Ngô Đức Hành
Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Nguyên Hùng và những “ký họa” văn chương" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.