Dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế thường quây quần sống với nhau thành từng làng, bản. Mỗi làng, bản thuở xưa có trên dưới vài ba chục nóc nhà dài. Tuy những ngôi nhà dài của người Ta Ôi hiện nay không còn nữa nhưng theo lời kể của những người trong làng, trước đây mỗi họ ở một ngôi nhà dài, những họ đông có tới trên 20 hộ sinh sống trong một nhà dài. Mỗi hộ có tới 5-6 người có bếp lửa riêng.
Gian khách được bố trí ở giữa nhà dài, gọi là moong. Hai đầu hồi của nhà đều có cầu thang chính bắc lên nhà. Cầu thang chính thường được dùng để đón khách. Ở mỗi hộ có các cầu thang phụ nhỏ gắn vào sườn nhà đi vào từng hộ. Mỗi hộ có một bếp (apoh) riêng. Tại gian khách cũng bố trí một bếp lửa. Trước đây khi nhà dài có khách đến thăm thì 4 hộ ở xung quanh gian khách là những hộ tiếp khách đầu tiên, sau đó mới đến các hộ tiếp theo lần lượt mang thức ăn đến phòng khách mời khách ăn uống. Đây còn là nơi để cho khách ngủ đêm lại. Những hộ ở gần gian khách có nhiệm vụ thông báo cho các hộ khác để tiếp khách. Khách đến được mời hút thuốc, uống rượu, được mời ăn mía, chuối, lạc, được mang chiếu và gối để ở. Khách ăn cơm có các hộ xung quanh nhà lần lượt mang cơm đến, khách ngủ dậy được mang bầu nước để rửa mặt, sau đó được mời ăn sáng.
Tại những cột nhà dài người ta treo sừng trâu, sừng bò sau mỗi lần gia đình nào đó tổ chức hiến tế. Trước đây người Tà Ôi tại làng có quy định rằng nếu trường hợp một đôi vợ chồng đến thăm làng và nghỉ đêm ở lại chỉ có người chồng được nghỉ ở gian khách còn người vợ sẽ được gửi đến một hộ nào đó để nghỉ. Gian khách của ngôi nhà dài còn là nơi diễn ra các hoạt động chung của làng. Trong phòng khách còn có cây cột to (âr rông mông), nơi để chum rượu lớn buộc vào đó cho chắc chắn.
Tất cả của cải như chum, trống, thanh la... đều để ở gian khách, không bao giờ xảy ra trường hợp mất hay cầm nhầm. Nếu có việc lớn như tổ chức lễ hội cũng đưa khách về ở gian khách. Gian khách cũng là chỗ thanh niên, ở chỗ đó có chăn chiếu riêng cho thanh niên. Tổ chức việc uống rượu vào dịp khánh thành nhà, cưới xin, mừng con rể, đàn ông vui chơi... đều diễn ra ở gian giữa, đàn bà nấu nướng ở các nơi.
Khi trong nhà có người chết người ta đưa người chết ra bằng lối cửa phụ, không đưa ra lối hành lang vì sợ xui xẻo, bệnh tật ảnh hưởng đến các hộ khác. Khi khách đi sẽ dọn dẹp đồ đạc trong từng hộ gia đình.
Ở giữa nhà dài là hành lang (ka nang) đi lại dọc theo ngôi nhà dẫn đến từng hộ gia đình. Đây là chỗ thông thoáng không để bất cứ đồ đạc gì trên khoảng không đó, kể cả việc ngồi trên hành lang cũng không được phép, ông già làng là người thường xuyên nhắc nhở công việc đó. Khi một hộ gia đình có con trai lớn lấy vợ mà chưa có điều kiện nối thêm nhà dài thì đôi vợ chồng đó vẫn ở chung với bố mẹ. Ở với cha mẹ chừng một năm khi đã có con cái thì tách khỏi bố mẹ và nối thêm chiều dài của ngôi nhà sau khi xin ý kiến của tập thể.
Ở giữa ngôi nhà dài người Tà Ôi thường làm một cái thang đi lên gian khách. Cầu thang này chỉ có đàn ông và khách mời mới được đi lại, phụ nữ không được phép sử dụng cầu thang này như lối lên. Phụ nữ khi sinh nở được làm một cái lán nhỏ bằng cách đan một cái sạp bằng tấm liếp quây xung quanh để che chắn gió. Sau khi sinh khoảng một tuần đó cũng là nơi tắm giặt cho sạch sẽ. Mặt bằng sinh hoạt ngôi nhà dài với bếp của mỗi hộ sẽ được làm ở giữa nhà, phía trên có một giàn treo, chỗ ngủ của gia đình là sàn nhà.
Ngày nay kinh tế hộ gia đình đã phát triển đến trình độ cao. Các bếp tách riêng thành các hộ cá thể với ngôi nhà riêng của mình. Những ngôi nhà dài ngót trăm mét không còn nữa. Song nó mãi mãi vẫn là biểu tượng là thành tựu văn hóa đặc sắc và là sự thể hiện cao tính cộng đồng của dân tộc Tà Ôi .
Theo Dân Tộc Việt