Nhà cổ Gò Công: Nhiều kiến trúc đặc trưng

03/10/2016 16:07

Theo dõi trên

Cách đây hàng chục năm, TX. Gò Công đã là một đô thị sầm uất. Nó không chỉ được thể hiện sự sung túc của chợ Gò Công, đường sá, dãy phố mà còn ở sự đa dạng, đặc trưng của kiến trúc nhà ở.

Theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm trong “Đề tài Xây dựng hồ sơ khoa học phố cổ TX. Gò Công, đề xuất giải pháp bảo tồn phố cổ phục vụ phát triển văn hóa và du lịch”, từ giữa thế kỷ XIX, với sự phát triển của chợ Gò Công, nhất là từ năm 1862, 2 làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi trở thành trung tâm của tỉnh Gò Công, phong trào cất nhà tại 2 làng này, đặc biệt là ở làng Thuận Tắc trở nên rầm rộ. Tuy nhiên, do đất còn rộng, người còn thưa nên nhà cửa thường có khuôn viên.

Khuôn viên mỗi nhà thường rào chắn bằng nhiều loại cây bụi thấp như: Dâm bụt, quýt dại, bùm sụm, trang... và thường có cổng gỗ hoặc cổng xây, nay một số ít cổng vẫn còn tồn tại. Tuy có hàng rào và cổng, nhưng khuôn viên nhà vẫn là không gian mở, thoáng đãng, không khép kín như ở Bắc bộ. Quy mô khuôn viên thường từ 1 - 5 công đất, có số ít khuôn viên chiếm đến 8 công hoặc 1 mẫu đất.



Ngôi nhà của bà Tư Nói - nay là nhà Truyền thống tại TX. Gò Công trên đường Nguyễn Huệ.

Đặc điểm của khuôn viên nhà ở 2 làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi (giống như các làng khác ở châu thổ sông Cửu Long) là xây dựng các mộ của thân nhân ngay trong khuôn viên nhà mình, có lúc mộ được xây cất ngay sát cạnh nhà. Đặc điểm này ít thấy ở miền Đông Nam bộ.

Sau năm 1862, do việc quy hoạch đô thị của chính quyền thực dân, việc chôn cất người quá cố là thân nhân bên cạnh nhà ở bị mất dần, nhường chỗ cho đường phố hoặc những căn nhà mới. Sau năm 1885, khi có quyết định nhập 2 làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi thành làng Thành Phố, địa bàn nội ô chỉ trừ nhà một số quan lại, có thế lực, các thương gia... cất theo kiểu biệt thự, dinh thự, số còn lại là nhà phố, không có khuôn viên và đều hướng ra đường phố.

Cũng theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm, quan niệm xây nhà theo phong thủy đã có từ trước đó. Nhiều chủ nhà cho biết, những gia chủ trước đây đã nhờ thầy địa lý chọn hướng cho phù hợp với thế đất và tuổi tác của chủ nhà. Vì vậy, nhiều nhà cổ có từ trước năm 1900 không theo một quy định nào, hướng nhà quay về nhiều phía, tùy theo tuổi gia chủ.

Ngày nay, nhìn lại các nhà cổ thấy có sự lộn xộn về hướng nhà. Thông thường, từ ngoài vào là cổng - vườn cây - sân phơi (hoặc sân cảnh) - nhà chính - nhà phụ - sân sau - nhà kho - vườn cây. Một số nhà từ cổng vào là lối đi vào nhà. Lối đi giữa những hàng cây trái (hoặc cây kiểng), có nhà vườn cây tràn vào sát nhà, đôi khi che khuất toàn bộ mặt nhà...

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở Gò Công có nhiều kiểu nhà khác nhau. Tên gọi các kiểu nhà dựa vào vị trí các đòn dông của nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) có hình dạng trùng hợp với hình dạng của chữ Hán hoặc dựa vào kiến trúc và công năng.

Chẳng hạn, nhà chữ Nhất (gồm 3 gian hoặc 3 gian 2 chái thành một hàng ngang giống chữ Nhất); nhà chữ Nhị (hay còn gọi là nhà sắp đọi), tức giống úp 2 chén trong chạn chén, thành hình chữ Nhị; nhà chữ Tam (cũng gọi là nhà sắp đọi nhưng giống úp 3 chén, hình giống chữ Tam); nhà chữ Đinh (gồm 1 nhà ngang (nhà chính) và 1 nhà dọc (nhà phụ) kề nhau giống chữ Đinh; nhà chữ Công (gồm nhà ngang (nhà chính), phía sau có 2 nhà phụ song song với nhau qua sân sau, tạo thành chữ Công; nhà phố (tức nhà ống, thường có tường chịu lực, cột dọc theo tường); nhà xây theo phong cách châu Âu; công sở; công sở Hoa (hội quán của người Hoa)...

Ở Gò Công, nhà chữ Đinh là phổ biến nhất do sự tiện dụng của nó. Xuất xứ loại nhà này là từ miền Trung. Nhà chính của loại nhà này thường 3 gian 2 chái. Gian giữa để thờ Phật, thần, tổ tiên; 2 gian hai bên thờ ông bà, cha mẹ.

Phòng khách chiếm phân nửa không gian phía trước của nhà chính. 2 gian chái phía sau là 2 buồng ngủ. Không gian chạy dọc 3 gian sau bàn thờ thường là kho lưu trữ đồ quý của gia đình, nhưng nhiều khi cũng là buồng ngủ.

Không gian nhà phụ (hay gọi là nhà dưới) được chia làm 3 phần: Phía ngoài thường kê một bộ ván ngựa để bà chủ nhà tiếp khách và cũng là nơi ăn cơm của gia đình hàng ngày. Không gian giữa là nơi để lẫm lúa và nông cụ. Không gian cuối là bếp, chạn chén và các lu nước mưa...

(Theo Báo Ấp Bắc)

Phương Anh
Bạn đang đọc bài viết "Nhà cổ Gò Công: Nhiều kiến trúc đặc trưng" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.