Dưới chân tượng đài ở trung tâm Khu di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Ðất (Hòn Ðất, Kiên Giang) có một ngôi mộ lớn bằng đá, trên bia mộ có ảnh một cô gái mặc áo dài, tóc buộc gọn. Ngắm ảnh, tôi nhớ đến những dòng trong tiểu thuyết Hòn Ðất của nhà văn Anh Ðức: “Kìa, chị đang khẽ mỉm cười và lặng lẽ. Kia, khuôn mặt trái xoan thon thả của chị đang mở to đôi mắt đẹp đẽ chân thật. Kia là mái tóc óng mượt mà cả Hòn Ðất ai cũng lấy làm hãnh diện”. Ðó là mộ và ảnh của Anh hùng, liệt sĩ Phan Thị Ràng, sinh năm 1937, quê xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang), hy sinh ngày 9/1/1962.
Em ruột chị Phan Thị Ràng, ông Phan Văn Mỳ (Sáu Mỳ), nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang kể, chị thường được gọi là Tư Ràng. Cha Tư Ràng mất năm 1947, sau khi bị thực dân Pháp bắt giam và đánh đập dã man do ông tham gia Việt Minh. Lúc đó ông Sáu Mỳ còn đang ở trong bụng mẹ. Năm 1951 người cô ruột Tư Ràng đang ở Phnom Pênh (Campuchia) đưa chị sang đó để nuôi và cho học may, đến năm 1953. Năm này, mẹ Tư Ràng tái giá với ông Nguyễn Văn Hổ, Quản đốc Binh công xưởng 18 rồi đưa các con về sống cùng ông Hổ ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Ðất. Sau Hiệp định Geneve, ngày 20/7/1954, ông Hổ cùng anh Hai Tỏ và em Năm Du tập kết ra Bắc. Vì sợ địch trả thù nên từ cuối năm 1954 chị Tư Ràng cùng mẹ, Sáu Mỳ và em út Bình Sơn phải phiêu bạt qua nhiều nơi. Với chiếc máy may Singer được mua từ số tiền dượng Hổ để lại, chị Tư Ràng làm nghề may, phụ mẹ nuôi em...
Năm 1957, bốn mẹ con trở về Tri Tôn, sau đó chị Tư Ràng được chú ruột giới thiệu với Chi bộ Núi Dài. Ông Sáu Mỳ cho biết, di ảnh chị Tư Ràng trên bia mộ chị là ảnh chụp khi chị vừa tròn 20 tuổi. Cũng từ đây, chị mang bí danh Tư Phùng. Ðể tránh bọn địch truy tìm, chị Tư Phùng phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động ở vùng Hà Tiên, nhưng vẫn luôn mang theo em Sáu Mỳ và chiếc máy may. Cuối năm 1958, Tư Phùng được điều về lại Bình Sơn làm công tác thanh vận và giao liên, gửi Sáu Mỳ và chiếc máy may về cho má ở Núi Dài. “Khi má đón tôi về, nghe tôi kể lại chị Tư khóc nói chị xin lỗi má, má cũng khóc”. Ông Sáu Mỳ kể lại.
Năm 1959, chị Tư Phùng được cử đi học lớp hộ sản, rồi được điều làm cán bộ phụ nữ huyện. Ngày 8/1/1962, khoảng 2.000 lính Sài Gòn bao vây, tấn công căn cứ cách mạng ở Hòn Ðất. Rạng sáng hôm đó, chị Tư Phùng bị địch bắt. Trong đám lính địch có 2 tên chiêu hồi, là đại úy Khen (trung úy Xăm trong tiểu thuyết Hòn Ðất) và tên Tạo nhận ra Tư Phùng là Tư Ràng. Ðịch treo chị lên một cây me để tra tấn, bắt chị khai báo nơi trú ẩn của đồng đội và các cơ sở cách mạng. Không khai thác được gì, địch đưa chị vào chân núi Hòn Ðất, treo chị lên cây xoài bằng chính mái tóc của chị, lấy cọc nhọn đâm khắp người chị, cắt tai, xẻo thịt chị... Dù bị cực hình vô cùng man rợ, chị Tư Ràng không hề khai báo, van xin. Khoảng 2 giờ chiều ngày 9/1/1962, chị hy sinh khi mới sang tuổi 25...
Năm 1964, được ông Tám Quít kể về trận Hòn Ðất, về sự hy sinh của chị Tư Ràng, nhà văn Anh Ðức viết tiểu thuyết Hòn Ðất, trong đó nhân vật chị Sứ được tạo nên từ nguyên mẫu là chị Tư Ràng. Tác phẩm được viết xong tháng 9/1965 và ngay lập tức được tặng giải chính thức Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Ðình Chiểu. Ngày 20/12/1994, liệt sĩ Phan Thị Ràng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong tiểu thuyết, chị Sứ có chồng tên là San tập kết ra Bắc, có con gái tên là Thúy. Còn chị Tư Ràng chưa có chồng, chưa có con, chỉ mới đính hôn. Người đã đính hôn với chị là ông Lê Vinh Quang (Bảy Thành, Lê Quốc), cố Bí thư Quận ủy quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi ông Bảy Thành mất năm 2012, tôi đã được nghe ông kể về những kỷ niệm với chị Tư Ràng.
Quê ở xã Vĩnh Tuy (Gò Quao, Kiên Giang), ông Bảy Thành làm việc tại Binh công xưởng 18 từ năm 1950, sau khi tốt nghiệp trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1954, ông Nguyễn Văn Hổ và má chị Tư Ràng có ý định tác hợp chị với ông Bảy Thành. Lúc đầu chị Tư Ràng không chịu, cho rằng mình còn nhỏ tuổi trong khi Bảy Thành lớn hơn nhiều tuổi. Lần lần, chị Tư Ràng cảm mến Bảy Thành vì thấy ông hiền lành, có duyên, còn Bảy Thành thấy Tư Ràng dễ thương, chân thật. Ngày lễ Quốc tế Lao động 1/5/1954, ông Hổ công bố với toàn xưởng việc cho chị Tư Ràng đính hôn với ông Bảy Thành, nhưng đợi Tư Ràng tròn 18 tuổi mới cho làm đám cưới.
Hơn 2 tháng sau, Hiệp định Geneve được ký kết, ông Hổ cùng vợ con và ông Bảy Thành đều có tên trong danh sách ra miền Bắc tập kết, mọi người đã đến khu tập trung 200 ngày ở Chắc Băng (Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Nhưng trước ngày lên đường, má chị Tư Ràng xin ở lại vì đang mang bầu con út Bình Sơn, sợ sinh con trên đường đi, có nhiều rủi ro. Chị Tư Ràng đành ở lại lo cho má và chăm em. Buổi chia tay lưu luyến ở Chắc Băng, chị Tư Ràng tặng ông Bảy Thành ảnh của chị, cắt ra từ tấm ảnh chụp chung với người cô, với lời đề tặng “Ảnh này dành tặn (thiếu chữ g) cho anh, muôn năm vẫn nhớ mối tình đôi ta”. Lúc chia tay, hai người cứ nghĩ chỉ hai năm sau sẽ được đoàn tụ. Nhưng chính quyền Ngô Ðình Diệm không chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, những ngày xa cách cứ dài mãi ra.
Sau Ðại hội Ðảng lần thứ III (tháng 9/1960), ông Bảy Thành xin về Nam chiến đấu. Tháng 4/1961, trước khi lên đường về Nam, ông Bảy Thành ghé thăm ông Nguyễn Văn Hổ, được cho xem bức thư dài 6 trang giấy pơ-luya của chị Tư Ràng gửi ra, qua đường Campuchia. Phần tái bút, chị hỏi anh Quang có công tác gần ba không, việc học hành, sức khỏe của ảnh ra sao, ảnh có nhận được thư con gửi ảnh không? “Cô ấy viết là con đã thay đổi nhiều rồi, điều này khiến tôi cứ suy nghĩ. Tôi thấy cô ấy trưởng thành nhiều, không còn non nớt “tiểu tư sản”, nhưng cứ lo cô ấy nói tới sự thay đổi về tình cảm”. Ông Bảy Thành kể. Vào tới chiến khu Mã Ðà (Ðồng Nai) ông Bảy Thành viết thư gửi chị Tư Ràng. Ông Sáu Mỳ cho biết, khoảng cuối năm 1961 chị Tư Ràng gửi thư về cho má, kể rằng mới nhận được thư kèm ảnh của dượng Hổ, của anh Quang, chị vui lắm. Ông Bảy Thành cũng biết tin chị Tư Ràng đang công tác tốt, và vẫn chờ đợi ông. “Nghe tin đó tôi mừng lắm, mừng vì cuộc đời sắp trổ hoa”. Ông Bảy Thành nói. Ðang trong tâm trạng vui như thế, đầu năm 1962 ông gặp ông Tám Quít cùng đoàn Rạch Giá ra học trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc do Trung ương Cục miền Nam mở, và nghe chuyện chị Tư Ràng hy sinh...
Dù bị cực hình vô cùng man rợ, chị Tư Ràng không hề khai báo, van xin. Khoảng 2 giờ chiều ngày 9/1/1962, chị hy sinh khi mới sang tuổi 25...